Quốc tế

Điều ít biết về K-429, tàu ngầm xấu số nhất của Hải quân Liên Xô

K-429 là một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân lợi hại nhất nhưng lại có số phận đen đủi nhất trong lịch sử của Hải Quân Liên Xô.

Ẩn ý của Triều Tiên khi “khoe” ảnh ông Kim Jong-un thị sát tàu ngầm / Tàu ngầm hạt nhân Suffren niềm hy vọng của Hải quân Pháp

Tàu ngầm hiếm khi bị chìm tới lần thứ hai. Bởi một khi bị chìm thì đáy biển sẽ trở thành mồ chôn của nó. Dù một chiếc tàu ngầm có thể được đưa lên mặt nước sau khi bị đắm nhưng vòng đời của nó coi như chấm dứt ngay sau đó. Tuy vậy vẫn có trường hợp ngoại lệ. Chiếc tàu ngầm K-429 từng sống sót sau vụ tai nạn đầu tiên đã có cơ hội trở lại hoạt động, nhưng số phận lại không mỉm cười với nó.

dieu it biet ve k-429, tau ngam xau so nhat cua hai quan lien xo hinh 1
Tàu ngầm K-429. Ảnh: Russia Beyond.

Thảm họa đầu tiên

Tàu ngầm hạt nhân K-429 được biên chế cho Hải quân Liên Xô vào năm 1972. Một năm sau đó, nó đã phải trải qua đợt đại tu đầu tiên. Nhưng vấn đề thực sự vẫn còn ở phía trước.

Vào tháng 6/1983, thủy thủ đoàn của chiếc tàu ngầm này đã nhận được mệnh lệnh huy động tàu ra khơi để tham gia tập trận. Quyết định này đã khiến các thủy thủ bị sốc bởi quá trình tu sửa cấu trúc của con tàu vẫn chưa hoàn thành. Việc diễn tập các nội dung chiến đấu với một con tàu như thế là chưa từng xảy ra trong lịch sử hải quân thế giới, vì nó quá nguy hiểm. Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương lại chẳng muốn nghe bất cứ lời giải thích nào. Các chỉ huy quân sự thì muốn tất cả tàu chiến và tàu ngầm tập hợp ngay lại tại vùng biển mở trong khi hạm đội K-429 khó có thể thực hiện được kế hoạch huấn luyện chiến đấu.

Các sỹ quan trên tàu ngầm K-429 đã phàn nàn về vấn đề này nhưng vô ích. “Các bạn sợ à, những anh hùng?”, Đô đốc Oleg Yerofeev nói với Alexey Gusev – một trong số các sỹ quan trên tàu. Tàu ngầm K-429 đã không được chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho cuộc hành trình này và không lâu sau đó bi kịch cũng xảy ra.

Ngày 24/6/1983, K-429 đã có lần lặn đầu tiên tại vịnh Sarannaya, ngoài khơi bán đảo Kamchatka, một trong số các khoang của con tàu này đã bị nước tràn vào trong quá trình di chuyển, khiến 14 thủy thủ bên trong thiệt mạng. K-429 sau đó chìm xuống đáy vịnh Sarannaya, ở độ sâu 40m. Mức độ nghiêm trọng của thảm họa được giảm bớt phần nào bởi con tàu không bị chìm tại vùng biển mở, nơi có độ sâu gấp 10 lần, vì thế 106 thủy thủ còn lại trên tàu vẫn có cơ may sống sót.

 

Các thủy thủ bị mắc kẹt trong con tàu chỉ với rất ít thiết bị cứu hộ. Đáng sợ hơn, dù có đủ thức ăn và đồ uống nhưng không ai trong lực lượng hải quân biết được về thảm họa. Do bị hư hại, con tàu không thể phát đi đèn hiệu vô tuyến thông báo tình huống khẩn cấp lên bề mặt. Hai thủy thủ đã được cử lên bề mặt qua đường phóng ngư lôi chật hẹp. Thật may mắn họ đã gặp tàu tuần tra và chẳng mấy chốc tàu cứu hộ đã có mặt tại khu vực K-429 gặp nạn. Sau khi thợ lặn chuyển giao thiết bị thở cho các thủy thủ trên tàu, họ bắt đầu rời tàu ngầm qua đường phóng ngư lôi và khoang thứ 7 vẫn chưa bị ngập nước.

“Bạn không thể tưởng tượng nổi cảm giác khi mặc thiết bị lặn bò trong bóng đêm để chui qua khu vực phóng ngư lôi bị ngập nước, chỉ rộng 53cm và dài tới 9m. Lúc đó bạn đã nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ thoát ra được ống sắt này. Sự sợ hãi khiến mọi chuyển động trở nên chậm chạp, choán hết tâm trí và làm tê liệt ý chí của bạn”, hạm trưởng tàu ngầm Nikolay Suvorov nhớ lại.

Đã có thêm 2 thủy thủ bị thiệt mạng trong quá trình cứu hộ, nâng tổng số nạn nhân của thảm họa tàu ngầm K-429 lên 16 người. Tại phiên tòa xét xử diễn ra ngay sau đó, hạm trưởng Suvorov bị coi là “tội đồ”, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ việc và bị kết án 10 năm tù. Tuy nhiên, ông được ân xá vào năm 1987. Cho đến tận khi qua đời vào năm 1998, ông đã cố gắng vượt qua cú sốc lớn trong đời nhưng cũng không thành công.

Cơn ác mộng chưa chấm dứt

Thủy thủ cuối cùng rời tàu ngầm đã đóng cửa khoang còn lại của tàu ngầm. Do vậy khoang này không bị ngập nước và điều đó giúp cho con tàu có thể được nâng lên mặt nước.

 

Hoạt động trục vớt tàu ngầm K-429 có sự tham gia của 24 con tàu chiến cùng 152 thợ lặn được huy động từ nhiều khu vực khác nhau của Liên Xô. Chỉ trong 40 ngày – một thời gian ngắn kỷ lục với hoạt động như vậy, K-429 đã được nâng lên và kéo về căn cứ. Tàu ngầm K-429 đã trải qua quá trình tu sửa một vài năm với kinh phí lên tới hơn 300 triệu rúp.

Tuy nhiên đến ngày 13/9/1985, K-429 bất ngờ bị chìm tại khu vực cảng của nhà máy sửa chữa khi quá trình sửa chữa đã hoàn thành tới 80%. Sự cố này là do sơ suất của công nhân. Thật may là không có nạn nhân nào trong thời điểm đó.

K-429 không còn được sử dụng với chức năng như tàu ngầm nữa mà chuyển thành tàu huấn luyện. Vài năm sau, con tàu bị tháo dỡ và bị lãng quên như một cơn ác mộng.

Theo Hồng Anh/vov.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm