Quốc tế

Điều loạt tàu chiến mới tới Biển Đen, Nga quyết "ăn miếng trả miếng" với Mỹ - NATO

Washington đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tới Ba Lan và Romania, phá vỡ thế ổn định và cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Nga, buộc Moscow phải đề cao cảnh giác.

Tàu chiến Mỹ mang kho Tomahawk tiến vào Biển Đen / Chiến đấu cơ Nga tiếp tục uy hiếp chiến hạm Mỹ tại biển Đen

Khinh hạm Đô đốc Gorshkov sẽ thay đổi thế trận trên Biển Đen

Biển Đen là một thành trì có tầm quan trọng chiến lược kết nối Nga với các đại dương lớn trên thế giới. Trong những năm gần đây, Moscow đã rất chú trọng đến tình hình an ninh ở vùng biển này bằng cách liên tục tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen để củng cố ảnh hưởng quân sự trong khu vực.

Theo Nhật báo Izvestia, Hải quân Nga gần đây đã quyết định bổ sung các khinh hạm lớp Đô đốc Gorshkov (Dự án 22350) cho Hạm đội Biển Đen, đồng thời căn cứ đặt hạm đội này cũng đã bắt đầu xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng trên bờ biển, gồm các bến tàu, xưởng sửa chữa và kho cất trữ vũ khí.

Sức mạnh tấn công chính của khinh hạm Đô đốc Gorshkov nằm ở 16 ống phóng thẳng đứng các tên lửa hành trình Kalibr/Oniks. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ được bảo đảm bằng 32 tổ hợp tên lửa hải quân Polimet-Redut. Hệ thống phòng thủ tầm cực gần gồm hai pháo Palash, còn phòng thủ chống ngầm được bảo vệ bởi 4 ống phóng ngư lôi Packet-NK.

Bên cạnh đó, pháo A-192M 130mm với vận tốc bắn 45 phát/phút sẽ yểm trợ hỏa lực tấn công bờ. Vũ khí của tàu được kiểm soát bởi một hệ thống thông tin và kiểm soát kỹ thuật số mới, với sự hỗ trợ thêm của các hệ thống vô tuyến điện tử tiên tiến để theo dõi các tàu mặt nước và tàu ngầm.

Gorshkov cũng được tích hợp với hệ thống điều khiển của toàn bộ hạm đội và hệ thống thông tin - trinh sát toàn cầu do Nga thiết lập.

Vì vậy, hoạt động triển khai trên của Nga sẽ giúp củng cố rất lớn sức mạnh của hạm đội, góp phần thay đổi cục diện quân sự ở khu vực Biển Đen và tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các bên liên quan.

Điều loạt tàu chiến mới tới Biển Đen, Nga quyết ăn miếng trả miếng với Mỹ - NATO - Ảnh 1.

Khinh hạm Đô đốc Gorshkov trong buổi tổng duyệt cuối cùng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày truyền thống Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik

Đòn đáp trả kiểu "ăn miếng trả miếng"

Hải quân Nga từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự tan rã của Liên Xô và Hạm đội Biển Đen cũng phải chứng kiến sự suy giảm sức mạnh chiến đấu. Lý do là bởi vì hầu hết các tàu chiến biên chế cho Hạm đội đã phục vụ gần 40 năm cùng với hoạt động bảo trì và nâng cấp không được đảm bảo cũng như các thiết bị điện tử và hệ thống vũ khí đã lỗi thời nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, khi loại biên các tàu cũ thì Hạm đội Biển Đen lại chưa được bổ sung kịp thời các tàu mới và vì vậy hiện đang rất cần các tàu chiến mặt nước lớn.

Quyết định triển khai các tàu khinh hạm lớp Đô đốc Gorshkov ở Biển Đen là một bước đi quan trọng của Hải quân Nga nhằm giải quyết tình trạng khó khăn trên và cho phép hạm đội Biển Đen nhanh chóng bắt kịp các đối tác phương Tây và tiến tới trở thành một lực lượng răn đe hùng mạnh trong khu vực .

Khả năng thống lĩnh của Nga trong khu vực Biển Đen sẽ được tăng cường. Trong nhiều năm liền, Biển Đen từng là một đấu trường cạnh tranh quan trọng giữa Nga với khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên, do sức mạnh quân sự hạn chế nên Nga gặp nhiều bất lợi.

 

Thế nhưng, tình thế sẽ thay đổi khi Nga triển khai các khinh hạm Đô đốc Gorshkov tới đây bởi nó sẽ giúp củng cố đáng kể sức mạnh Hạm đội Biển Đen trong cuộc đối đầu với NATO.

Các hệ thống tên lửa hành trình Kalibr trên tàu có khả năng tấn công cả tới căn cứ quân sự Mỹ đặt tại Romania, trong khi tên lửa siêu thanh Tsirkon hoàn toàn có thể nhắm vào các Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis đặt trên bờ (AABMDS) mà NATO triển khai tại khu vực.

Điều loạt tàu chiến mới tới Biển Đen, Nga quyết ăn miếng trả miếng với Mỹ - NATO - Ảnh 2.

Sức mạnh của Gorshkov đến từ hệ thống radar cảm biến cùng hệ thống vũ khí trên tàu

Một sự kết hợp mạnh mẽ như vậy sẽ hiện thực hóa khả năng răn đe đối với NATO và mang lại cho Hạm đội Biển Đen những lợi thế chưa từng có ở khu vực, qua đó giúp thay đổi hoàn toàn thế trận quân sự và nâng cao vị thế của Nga ở Biển Đen và Địa Trung Hải, những địa điểm mà Nga đóng vai trò địa chính trị ngày càng quan trọng hơn.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường thực thi kế hoạch kiềm chế sức mạnh quân sự của Nga, quyết định rút ra khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), bất chấp sự phản đối từ phía Moscow và cộng đồng quốc tế.

 

Washington cũng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tới Ba Lan và Romania, phá vỡ thế ổn định và cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Nga, buộc Moscow phải đề cao cảnh giác.

Ở một mức độ nào đó, quyết định triển khai các tàu khinh hạm mới tới Biển Đen của Nga có thể được xem là một phản ứng phi đối xứng với các động thái nêu trên của Mỹ.

Trong tương lai, Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh với Nga ở các khu vực hậu Xô Viết và tiếp tục siết chặt không gian chiến lược của Nga nhằm củng cố ưu thế của mình.

Để đáp trả, Nga chắc chắn sẽ có những phản ứng ăn "miếng trả miếng". Do đó, cuộc đối đầu giữa hai nước sẽ ngày càng trở nên căng thẳng và trò chơi của họ ở khu vực Biển Đen cũng sẽ như vậy.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm