Quốc tế

Đông Nam Á quyết liệt ngăn Covid-19

Nhà chức trách Myanmar cấm toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 30/3 đến ngày 13/4

Mỹ nhất trí gói cứu trợ 2.000 tỷ USD vì đại dịch Covid-19 / Dịch bệnh COVID-19 vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ

Nhiều nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) đang diễn biến khó lường tại khu vực này nói riêng và thế giới nói chung. Theo Tân Hoa Xã, chính phủ Lào hôm 30/3 bắt đầu phong tỏa toàn bộ đất nước, trong đó có đóng cửa các cửa khẩu quốc tế đối với mọi cá nhân để ngăn sự lây lan của dịch bệnh. Riêng các phương tiện vận chuyển hàng hóa vẫn được phép đi qua. Ngoài ra, người dân không được phép ra ngoài trừ những trường hợp cần thiết.

Công chức phải làm việc tại nhà từ ngày 1 đến 19/4, trừ những người làm các công việc thiết yếu. Các cá nhân không được phép đi sang địa phương khác hoặc sang những địa phương có người mắc bệnh Covid-19 hoặc có nguy cơ lây nhiễm, trừ những người được phép của chính quyền địa phương trong các trường hợp cần thiết như đi mua hàng, đi bệnh viện… Các sự kiện có sự tập trung trên 10 người cũng bị cấm.

Đông Nam Á quyết liệt ngăn Covid-19 - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện KPJ Damansara ở TP Petaling Jaya hôm 28/3 Ảnh: Reuters

Trước đó một ngày, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống virus gây Covid-19 (SARS-CoV-2). Lào đã có 8 trường hợp nhiễm Covid-19 tính đến cuối ngày 28/3 và nỗi lo về sự lây lan của dịch bệnh đang tăng sau khi hàng ngàn người lao động trở về từ các nước láng giềng, trong đó Thái Lan là cái tên gây nhiều lo ngại vì dịch Covid-19 đang diễn biến xấu.

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan hôm 30-3 thông báo số trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng thêm 2 lên 9 ca. Ngoài ra, thêm 136 ca Covid-19 mới được ghi nhận, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.524. Trong số này, theo Reuters, 1.388 người đang được điều trị tại bệnh viện và 23 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Riêng tỉnh Phuket xác định thêm 9 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại đó lên con số 62. Tình hình này buộc Tỉnh trưởng Phuket, ông Pakkapong Taweepat, quyết định phong tỏa toàn bộ tỉnh này từ ngày 30/3. Trong thời gian phong tỏa kéo dài ít nhất 1 tháng này, theo trang Bloomberg, phần lớn phương tiện giao thông đến tỉnh Phuket đều bị cấm, trừ những tàu xe cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Truyền thông địa phương cũng dẫn lời nhà chức trách Phuket cho biết không phận hòn đảo Phuket, điểm đến ưa thích của nhiều du khách, sẽ bị đóng cửa từ ngày 10/4 trở đi.

Cũng quyết liệt không kém, nhà chức trách Myanmar đã cấm toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 30/3 đến ngày 13/4 nhằm ngăn dịch Covid-19. Các chuyến bay được cấp phép hạ cánh trước đó cũng tạm thời bị đình chỉ. Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với các chuyến bay cứu trợ, chở hàng hoặc sơ tán y tế và các chuyến bay đặc biệt được Cục Hàng không dân dụng Myanmar cấp phép. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Myanmar thông báo tạm thời ngừng cấp tất cả loại thị thực cho người đến từ những quốc gia có dịch từ ngày 29/3 đến ngày 30/4. Quốc gia Đông Nam Á này hiện có 8 ca Covid-19.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen hôm 30-3 ra lệnh đóng cửa toàn bộ sòng bài trên toàn quốc từ ngày 2/4 sau khi nước này phát hiện thêm 4 ca Covid-19, nâng tổng số ca lên 107. Trong số các ca nhiễm mới có một người làm việc tại sòng bài và câu lạc bộ karaoke ở tỉnh Banteay Meanchey, gần biên giới với Thái Lan. Với sự gia tăng của số lượng ca Covid-19 thời gian gần đây, nhà chức trách Campuchia vào tuần rồi ra lệnh đóng cửa nhà hàng, quán bar và hạn chế cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh.

 

Giám sát bằng công nghệ cao

Malaysia hôm 30/3 bắt đầu hoạt động khử trùng trên toàn quốc trong nỗ lực ngăn dịch Covid-19 lây lan. Tại thủ đô Kuala Lumpur, nhà chức trách đã tiến hành khử trùng quy mô lớn, đặc biệt là quanh khu vực nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling. Đây là nơi diễn ra sự kiện tôn giáo hồi tháng 2 có liên quan đến phần lớn ca nhiễm tại Malaysia. Các hoạt động khử trùng tập trung ở các khu chợ, nhà vệ sinh công cộng, quầy hàng thực phẩm, trạm xe buýt, nhà thờ, công viên, sở cảnh sát và cầu tàu đã diễn ra tại các bang Perak, Selangor, Melaka và Johor.

Theo tờ The Straits Times (Singapore), lệnh phong tỏa tại Malaysia, áp đặt từ ngày 18/3, sẽ được gia hạn đến ngày 14/4. Cảnh sát trưởng Abdul Hamid Bador cho biết sẽ triển khai máy bay không người lái để theo dõi người dân ở một số khu vực thuộc bang Selangor và Johor. Đến nay, Malaysia đã ghi nhận ít nhất 2.470 ca nhiễm và 35 ca tử vong liên quan đến Covid-19.

Còn tại Indonesia, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Doanh nghiệp Nhà nước phát triển ứng dụng di động cho phép người dùng cập nhật dữ liệu liên quan đến sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng, đồng thời giúp chính phủ tăng cường theo dõi trường hợp nhiễm, cũng như những ca nghi nhiễm trên toàn quốc. Nếu một người dùng nào đó đã tiếp xúc gần với các trường hợp nghi nhiễm đang chịu giám sát, ứng dụng PeduliLindungi nói trên cũng sẽ xác định họ. Tính năng này được kỳ vọng sẽ giúp thu thập được những dữ liệu cần thiết liên quan đến lịch sử đi lại và tiếp xúc gần vốn đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi dịch Covid-19. Ít nhất 1.285 người mắc bệnh và 114 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này tại Indonesia tính đến ngày 30/3.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm