Quốc tế

Đồng Nhân dân tệ tăng vị thế trong giao dịch quốc tế

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã chính thức vượt qua đồng Yen của Nhật Bản, trở thành đồng tiền thanh toán phổ biến thứ tư trong SWIFT.

Đức chuyển từ phụ thuộc khí đốt Nga sang khí đốt Na Uy / Không khí đón Giáng sinh 2023 tràn ngập ở nhiều nơi trên thế giới

Đồng Nhân dân tệ tăng vị thế trong giao dịch quốc tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với các nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD, quốc tế hóa đồng nội tệ, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc phổ biến đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế. Đồng tiền này cũng đang được nhiều quốc gia gia tăng dự trữ, trở thành đồng tiền được quốc tế hóa nhanh.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vượt qua đồng Yen Nhật Bản về tỉ trọng trong thanh toán toàn cầu lần đầu tiên trong khoảng 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh lãi suất thấp ở Trung Quốc làm gia tăng sức hấp dẫn của việc dùng Nhân dân tệ để thanh toán trong giao dịch thương mại với nước này.

Số liệu do nền tảng thanh toán quốc tế SWIFT công bố vào tuần vừa rồi cho thấy, tỉ trọng của Nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu đã tăng lên mức 4,6% trong tháng 11, từ mức 3,6% trong tháng 10. Đây là lần đầu tiên Nhân dân tệ vượt qua Yen kể từ tháng 1/2022 để trở thành đồng tiền được dùng để thanh toán nhiều thứ tư thế giới, sau các đồng bảng Anh, Euro và USD. Giá trị thanh toán bằng Nhân dân tệ đã tăng 34,87% so với tháng 10/2023, trong khi mức tăng của các loại tiền tệ thanh toán nói chung là 5,35%.

Ông Wang Qing - Nhà phân tích kinh tế vĩ mô, công ty Golden Credit Rating đánh giá: "Gần đây, việc mua ròng trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ cũng phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tài sản Nhân dân tệ. Thị trường kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục ổn định và phục hồi vào năm 2024. Việc thanh toán ngoại hối và dòng vốn xuyên biên giới sẽ cũng được cải thiện hơn nữa. Tất cả những thay đổi này sẽ thúc đẩy xu hướng tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ trong tương lai".

Kể từ đầu năm, đã có những diễn biến đáng chú ý đánh dấu sự quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ. Đồng tiền này đã vượt qua Euro trở thành đồng tiền lớn thứ hai trong dự trữ ngoại hối của Brazil. Argentina lần đầu tiên sử dụng Nhân dân tệ để trả nợ nước ngoài.

 

Từ tháng 10 đến tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ủy quyền cho các ngân hàng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ ở Pakistan và Campuchia, đồng thời ký một thỏa thuận với ngân hàng trung ương Serbia về việc thành lập ngân hàng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ ở nước này.

Tháng 11, PBC và Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với quy mô 50 tỉ Nhân dân tệ (6,98 tỉ USD) hoặc 26 tỉ Riyal (đồng nội tệ của Saudi Arabia).

Trong các giao dịch thương mại hàng hóa xuyên biên giới của Trung Quốc, tỷ lệ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ đạt 24,4% trong 9 tháng đầu năm, tăng 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Các biện pháp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ

Với lợi thế là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong hợp tác kinh tế quốc tế. Đến nay, Trung Quốc đã ký kết 40 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các nước, trong đó 29 thỏa thuận còn hiệu lực, quy mô hơn 4 nghìn tỉ Nhân dân tệ.

 

Để đảm bảo ổn định cho hoạt động thanh toán xuyên biên giới và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, từ năm 2015, Trung Quốc đã thành lập và phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS), cho phép các ngân hàng toàn cầu thực hiện trực tiếp các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ mà không phải thông qua các ngân hàng thanh toán trung gian.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng chủ động nghiên cứu, phát triển và là một trong những quốc gia đi đầu thí điểm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã hoàn thành giao dịch thanh toán 1 triệu thùng dầu thô bằng đồng NDT kỹ thuật số. Đây là lần đầu tiên nước này đưa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số vào thanh toán xuyên biên giới trong giao dịch dầu khí, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng khả năng thanh toán bằng đồng tiền kỹ thuật số này.

Thách thức trong việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ

Theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, đến năm 2030, đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ ba trong dự trữ và thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hiện mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, trong tương lai gần, đồng tiền này sẽ khó có thể thách thức hai loại tiền tệ quốc tế thống trị hiện nay là USD và Euro. Hiện đồng USD vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, chiếm gần 59% dự trữ ngoại hối và hơn 47% giao dịch thương mại toàn cầu.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, mặc dù giá trị thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ gia tăng nhưng quyền định giá của đồng Nhân dân tệ vẫn còn hạn chế so với vai trò của nước này trong thương mại toàn cầu, với khoảng 23% kim ngạch thương mại của Trung Quốc được định giá bằng đồng Nhân dân tệ.

 

Ngoài ra, để có thể đạt bước đột phá trong quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ thì không thể chỉ dựa vào thương mại giữa Trung Quốc với các nước, mà đòi hỏi nước này phải sở hữu một thị trường vốn có độ mở cao, thị trường tài chính ổn định, cùng một hệ thống luật pháp vững chắc. Trong khi, những nền tảng này khó có thể hoàn thiện được trong một sớm một chiều.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm