Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (26/12): Nga tiếp tục triển khai 'đoàn tàu bọc thép'

Quân sự thế giới hôm nay (26/12) có những thông tin chính sau: Ai Cập cân nhắc mua hệ thống tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ; Israel tăng chi tiêu quốc phòng thêm ít nhất 8,3 tỷ USD trong năm 2024; Nga tăng cường huấn luyện binh sĩ thuộc biên chế “đoàn tàu bọc thép”.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 24/12 / Quân sự thế giới hôm nay (24/12): Nga tăng cường sử dụng tên lửa chống tăng AT-13 Saxhorn-2 ở Ukraine

* Ai Cập cân nhắc mua hệ thống tên lửa phòng không Akash

Theo Military Africa, Ai Cập đang cân nhắc mua tên lửa phòng không Akash, hệ thống tên lửa đất đối không cơ động tầm trung do Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ phát triển và Bharat Dynamics Limited sản xuất.

Hệ thống tên lửa Akash có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 45km. Hiện hệ thống tên lửa này đang được biên chế cho lực lượng Lục quân và Không quân Ấn Độ.

Hệ thống tên lửa Akash của Ấn Độcó thể tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không. Ảnh: Military Africa.

Hệ thống tên lửa Akash của Ấn Độcó thể tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không. Ảnh: Military Africa.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Ai Cập quan tâm tới hệ thống tên lửa Akash trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực mở rộng xuất khẩu vũ khí do nước này tự sản xuất. Trong năm tài chính 2022-2023, Ấn Độ đạt giá trị xuất khẩu vũ khí cao nhất từ trước đến nay, 2,2 tỷ USD. Ấn Độ cũng tuyên bố khả năng thiết kế và phát triển vũ khí, khí tài của nước này đã vươn tới hơn 85 quốc gia.

Ai Cập và Ấn Độ hiện có mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm vũ khí, huấn luyện quân sự và chuyển giao công nghệ. Hai nước cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung và các chuyến thăm tới quân cảng và căn cứ của lực lượng hải quân và không quân.

Quan hệ quốc phòng song phương được tăng cường vượt bậc khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đến thăm New Delhi và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 1/2023. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận phương thức tăng cường hợp tác giữa hai quân đội và việc mua bán vũ khí do Ấn Độ sản xuất.

* Israel tăng chi tiêu quốc phòng thêm hơn 8 tỷ USD

 

Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Israel ước tính nước này sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng thêm ít nhất 30 tỷ shekel (8,3 tỷ USD) vào năm tới trong bối cảnh cuộc chiến chống Hamas vẫn đang diễn ra.

Theo một tài liệu trình lên Quốc hội hôm thứ Hai (25/12), tổng ngân sách dành cho chi tiêu quốc phòng năm 2024 còn có thể sẽ lên tới 562 tỷ shekel (khoảng 155,5 tỷ USD), tăng mạnh so với con số 513 tỷ shekel (khoảng 142 tỷ USD) trong kế hoạch được phê duyệt vào tháng 5 năm ngoái.

Ngân sách quốc phòng năm 2024 của Israel dự kiến sẽ tăng ít nhất 8,3 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Ngân sách quốc phòng năm 2024 của Israel dự kiến sẽ tăng ít nhất 8,3 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Ngoài chi tiêu quân sự, Bộ Tài chính Israel cho biết sẽ phải chi thêm 10 tỷ shekel (gần 2,8 tỷ USD) để sơ tán khoảng 120.000 người khỏi khu vực biên giới phía Bắc và phía Nam Israel, bổ sung ngân sách cho hoạt động của cảnh sát và các hoạt động đảm bảo an ninh khác cũng như cho tái thiết các khu định cư bị tàn phá trong thời gian qua.

 

Các dự báo cũng nhấn mạnh chi phí tài chính tăng vọt do chiến sự khi Israel huy động hàng trăm nghìn quân dự bị cho chiến dịch trên bộ chống lại Hamas ở Dải Gaza và triển khai thêm quân ở phía Bắc để chống lại các mối đe dọa từ Hezbollah. Quân đội Israel đang sử dụng một số lượng lớn tên lửa đắt tiền cho các cuộc không kích ở Gaza và đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào lãnh thổ Israel.

Theo Bộ Tài chính Israel, nếu giao tranh cường độ cao ở Gaza kết thúc vào Quý 1 năm 2024, Israel sẽ giải ngũ được một số quân dự bị và sẽ chuyển từ tấn công quy mô lớn sang các hoạt động quân sự có mục tiêu hơn nhằm giảm thương vong cho dân thường Palestine. Nếu không có gì thay đổi, thâm hụt tài chính của Israel sẽ tăng lên gần 6% tổng sản phẩm quốc nội, vượt xa mức trần 2,25% đặt ra trước đó.

* Nga huấn luyện binh sĩ thuộc biên chế “đoàn tàu bọc thép” phía sau vùng chiến sự

Theo Bulgarian Military, quân đội Nga rất có thể sẽ triển khai “đoàn tàu bọc thép” của mình tới Ukraine trong thời gian tới. Một đoạn video clip được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hoạt động huấn luyện của lực lượng này đang được tiến hành trên đường sắt quân sự. Các nguồn thạo tin cho biết hoạt động huấn luyện với “đoàn tàu bọc thép” này được tiến hành ở khoảng cách an toàn và khá xa so với các khu vực đang diễn ra “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Hình ảnh quân đội Nga huấn luyện với “đoàn tàu bọc thép”. Ảnh: Bulgarian Military.

Hình ảnh quân đội Nga huấn luyện với “đoàn tàu bọc thép”. Ảnh: Bulgarian Military.

 

Trong kho vũ khí của quân đội Nga hiện có ba “đoàn tàu bọc thép” là Volga, Yenisei và Baikal. Trong số này, Baikal ra đời trước tiên. Volga và Yenisei chỉ mới chính thức ra mắt lần đầu vào năm 2022 sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine bắt đầu.

Ngay từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine, “đoàn tàu bọc thép” Baikal đã đóng một vai trò tích cực. Tháng 3 năm ngoái, truyền thông phương Tây đưa tin về sự xuất hiện của Baikal vào ngày 9/3/2022 cách thành phố Melitopol của Ukraine khoảng 25km về phía Bắc.

Thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy đoàn tàu bao gồm 2 đầu máy diesel và 8 toa xe, với 2 toa xe bọc thép ngay sát đầu máy. Các toa xe nằm ngay phía sau 2 toa bọc thép được trang bị hai pháo tự động 23mm ZU-23 nòng đôi. Đoàn tàu cũng có thể chở theo một toa hành khách và một toa chỉ huy, cả hai đều được bọc thép. Thông số kỹ thuật cụ thể về trung tâm vận hành của tổ hợp này vẫn chưa được tiết lộ. Giới chuyên môn dự đoán có khả năng đoàn tàu có thể mang theo một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hoặc một hệ thống phòng không hoàn chỉnh. Thông tin trước đây cũng cho biết Nga có trong biên chế một đoàn tàu thiết kế đặc biệt để vận chuyển và phóng tên lửa đạn đạo.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm