Quốc tế

Đức và Pháp bất đồng về viện trợ vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai chỉ trích Đức sau khi Thủ tướng Olaf Scholz loại trừ việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Ông Putin đề cập loại tên lửa hàng đầu nào trong Thông điệp liên bang? / 'Cuộc chiến sinh tồn' khác của Ukraine

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp (trái) và Thủ tướng Đức. Ảnh: AFP

Theo tờ Politico, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chính sách của Đức đã dựa trên một nguyên tắc chỉ đạo: tránh đối đầu trực tiếp với Nga bằng mọi giá. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích sự thận trọng của Đức.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Mọi thứ đều có thể xảy ra, bao gồm cả việc gửi quân phương Tây tới Ukraine”, ông Macron nói với các phóng viên.

Những bình luận đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Thủ tướng Olaf Scholz, người ngay trước khi lên đường tham dự hội nghị ở Paris đã đưa ra lập luận ngược lại, cảnh báo về sự nguy hiểm trong phản ứng của Nga nếu gửi tên lửa tầm xa Taurus do Đức sản xuất tới Ukraine.

Đức không phải là nước duy nhất thận trọng. Ngay từ đầu cuộc xung đột, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tìm cách đi theo một con đường tương tự, cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết để tự vệ mà không cung cấp quá nhiều đến mức lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến với Nga.

Ngày 27/2, lãnh đạo một số quốc gia NATO cũng đã không ủng hộ bình luận của ông Macron, khẳng định họ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Trước đó, Thủ tướng Scholz đã trì hoãn quyết định gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới Ukraine, một phần vì khuynh hướng hòa bình mạnh mẽ ở nước này.

 

Nhưng phía Pháp không thận trọng như vậy, đó có thể là lý do tại sao Tổng thống Macron cảm thấy thoải mái hơn khi nói về khả năng phương Tây triển khai lực lượng trên thực địa - ngay cả khi động thái đó có vẻ xa vời.

Cùng ngay, ông Scholz đã bác bỏ bất kỳ ý định nào về việc các nước phương Tây gửi quân tới Ukraine. Ông viết trên Twitter: “Sẽ không có lực lượng trên bộ từ các nước châu Âu hoặc NATO”.

Mâu thuẫn giữa Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron về viện trợ quân sự cho Ukraine đang trở thành một cuộc tranh cãi công khai. Các quan chức Đức phàn nàn rằng, mặc dù Tổng thống Macron sẵn sàng thể hiện lập trường cứng rắn liên quan đến Ukraine nhưng ông lại chưa thực hiện đủ hành động so với những gì phía Đức đang làm.

Viện Kiel của Đức, nơi tổng hợp các khoản viện trợ cho Ukraine, xếp Pháp là nước tụt hậu rõ ràng về viện trợ quân sự cho Ukraine khi Pháp chỉ viện trợ trị giá 640 triệu euro so với 17,7 tỷ euro mà Đức đã cam kết.

Các quan chức Pháp phản bác rằng họ cung cấp vũ khí thực sự quan trọng và làm điều đó ít do dự hơn Đức. Họ nói rằng trường hợp điển hình là việc Thủ tướng Scholz từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.

 

Pháp cam kết gửi tên lửa hành trình SCALP vào tháng 7 năm ngoái, sau động thái của Anh gửi Storm Shadows vào tháng 5.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã yêu cầu những tên lửa này, đặc biệt khi các lực lượng của họ phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược ngày càng tăng và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ chặn gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD cho Kiev. Đầu tháng này, quân đội Ukraine đã buộc phải rút lui khỏi thành phố Avdiivka một phần do thiếu đạn pháo, mang lại cho các lực lượng Nga thành công lớn nhất trên chiến trường trong vài tháng.

Ukraine muốn các tên lửa như Taurus để tấn công các mục tiêu và tuyến đường tiếp tế của Nga ở sâu phía sau chiến tuyến. Nhưng các quan chức Đức cho biết việc vận hành Taurus sẽ cần có sự tham gia trực tiếp của quân nhân Đức trên trên thực địa để lập trình tên lửa.

Sau hội nghị ở Paris hôm 26/2, ông Macron tiếp tục chỉ trích Thủ tướng Scholz vì sự lưỡng lự của Đức khi nói đến việc gửi vũ khí tới Ukraine: “Nhiều người nói không bao giờ gửi xe tăng, không bao giờ gửi máy bay cách đây 2 năm trước, giờ họ cũng nói sẽ không gửi tên lửa tầm xa", đề cập đến việc Đức ban đầu trì hoãn gửi xe tăng Leopard cho Ukraine, nhưng sau đó vẫn chuyển giao.

Nhưng đối với tên lửa Taurus, Thủ tướng Scholz vẫn kiên quyết rằng việc viện trợ sẽ rất phức tạp. Một cơ hội có thể xảy ra là nếu Mỹ gửi thêm tên lửa ATACMS tới Kiev, vì Berlin có xu hướng đi sau Washington một bước khi nói đến việc trang bị vũ khí cho Ukraine.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm