EU thông qua lệnh cấm bán xe chạy xăng, dầu
Đà Nẵng: Từ ngày 15/2, tạm dừng tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới / Buôn Ma Thuột kêu gọi các cơ sở kinh doanh miễn phí cà phê vào ngày 10/3
Lệnh cấm dự kiến sẽ sớm được các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chính thức ban hành thành luật. Động thái này được dự báo sẽ tác động lớn tới ngành công nghiệp ô tô của toàn khối, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo các quy tắc vừa được thông qua, đến năm 2030, lượng khí thải CO2từ những chiếc xe mới được bán tại thị trường EU sẽ phải giảm 55% so với mức của năm 2021. Đến năm 2035, tỷ lệ này giảm 100%, đồng nghĩa với việc các hãng xe sẽ không bán xe chạy xăng, dầu diesel.
Theo những người ủng hộ, lệnh cấm sẽ đặt ra một thời hạn rõ ràng để các hãng sản xuất ô tô của châu Âu chuyển đổi sản xuất sang xe điện không phát thải. Điều này cũng giúp EU tiến nhanh hơn tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế không phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
Xe cộ đi lại trên cao tốc Autobahn, Đức. (Ảnh: dpa)
"Cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra dù cho chúng ta có thích hay không. Chúng ta có thể lựa chọn là người đi đầu, thực hiện nó theo cách phù hợp với các giá trị của chúng ta, hoặc nhìn những quốc gia khác vượt trước, và chỉ có thể chạy theo sau. Chúng ta cần xây dựng lại ngành công nghiệp của mình trên cơ sở của tương lai và ngành công nghiệp ô tô có thể đi đầu trong quá trình này", ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh.
Một số ý kiến phản đối lại cho rằng ngành công nghiệp ô tô EU chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm mạnh sản lượng xe sử dụng động cơ đốt trong và hàng trăm nghìn việc làm của người lao động sẽ đối mặt với rủi ro.
Hãng xe Ford hôm 14/2 cho biết sẽ cắt giảm khoảng 3.800 việc làm trên khắp châu Âu, trong đó công nhân tại Anh và Đức sẽ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên, các hãng xe đều đã lên kế hoạch điều chỉnh sản xuất theo hướng điện khí hóa hoàn toàn trước năm 2035 và coi đây là tương lai của ngành công nghiệp ô tô.
"Tương lai của Ford là xe điện và chúng tôi đã có một lịch trình rất rõ ràng cho việc điện khí hóa các dòng xe thương mại của mình", ông Gunnar Herrmann, Chủ tịch chi nhánh tại Đức hãng ô tô Ford, cho biết.
Theo giới chức EU, các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đang tăng tốc mạnh mẽ trong việc phát triển ô tô điện. Ví dụ như Trung Quốc, dự kiến sẽ tung khoảng 80 mẫu xe điện với mức giá ngày càng rẻ hơn ra thị trường quốc tế trong giai đoạn từ năm 2022 đến cuối năm nay. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô EU cần có những bước đi quyết liệt hơn nữa trong việc điện khí hóa để duy trì sức cạnh tranh trong lĩnh vực tiềm năng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo