Quốc tế

Gần 63 triệu người trên thế giới mắc COVID-19, Ấn Độ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine

Đến sáng 30/11, thế giới đã ghi nhận trên 62,98 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1,46 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Tàu sân bay USS Nimitz Mỹ trở lại vùng Vịnh / Nga ra lệnh tấn công tàu NATO nếu tiếp tục vi phạm biên giới

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 13,7 triệu ca nhiễm và hơn 272.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 94.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hơn 62,98 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. (Ảnh: AP)
Hơn 62,98 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. (Ảnh: AP)

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số ca nhiễm là trên 9,4 triệu trường hợp, trong đó có hơn 137.100 bệnh nhân thiệt mạng. Ngày 29/11, Ấn Độ báo cáo 37.600 ca mắc COVID-19 mới.

Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Serum của Ấn Độ, vào cuối tuần qua thông báo sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 2 tuần tới. Viện Serum hiện là đối tác của hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford trong sản xuất vaccine Covishild. Ngoài ra, công ty công nghệ Novavax của Mỹ cũng đạt thỏa thuận cung ứng và cấp giấy phép cho Viện Serum để sản xuất vaccine tiềm năng của công ty này. Theo kế hoạch, Viện Serum sẽ cung cấp tổng cộng 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho thế giới với giá tối đa 3 USD/liều.

Trong 24 giờ qua, Brazil xác nhận trên 24.400 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 6,3 triệu trường hợp. Hơn 172.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại Brazil.

Gần 63 triệu người trên thế giới mắc COVID-19, Ấn Độ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine - Ảnh 1.

Hơn 6,3 triệu trường hợp mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở Brazil. (Ảnh: AP)

 

Các nước Tây Balkan, khu vực nghèo nhất châu Âu, đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế do đại dịch. Không đủ giường bệnh và bác sĩ là tình trạng tại nhiều nước Tây Balkan như Serbia, Bosnia, Croatia… Trong những tuần qua, khu vực này đã ghi nhận số ca tử vong tăng gấp 2 lần so với tháng 10 với gần 10.000 trường hợp. Đáng lo ngại, tình hình được dự báo sẽ phức tạp hơn trong mùa đông, đặt gánh nặng lên các cơ sở chăm sóc y tế, nhất là với khu vực được đánh giá là có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất tại châu Âu.

Tình hình dịch bệnh tại châu Á, đặc biệt là tại một số nước Đông Nam Á, diễn biến phức tạp. Ngày 29/11, Indonesia đã ghi nhận tới hơn 6.200 ca nhiễm mới. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay tại nước này. Đáng lo ngại, đây là ngày thứ 3 trong vòng 1 tuần, số ca nhiễm mới ở Indonesia ở mức cao chưa từng thấy. Tính trung bình trong tháng 11, Indonesia ghi nhận khoảng 4.000 ca nhiễm/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng lên mức cao liên tiếp trong 3 ngày qua, ở mức 16%. Với tổng số hơn 534.200 ca nhiễm, gần 17.000 trường hợp tử vong, Indonesia hiện là quốc gia có số bệnh nhân mắc và thiệt mạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Philippines, số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt mốc 2.000 ca sau 19 ngày liên tiếp, lên 2.076 người. Theo kế hoạch, ngày 30/11, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte sẽ thông báo việc chính phủ sẽ giữ nguyên hay nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại thủ đô Manila và các khu vực khác.

Gần 63 triệu người trên thế giới mắc COVID-19, Ấn Độ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine - Ảnh 2.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Philippines lần đầu tiên vượt mốc 2.000 ca sau 19 ngày liên tiếp. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 7 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 người là thành viên gia đình một phụ nữ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã đi mua sắm ở siêu thị Aeon Mall 1 vào ngày 28/11. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận 1 ca mắc COVID-19 trong ngày là vợ của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Nội vụ. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại nước này.

 

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo có thêm 115 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 1/8 (với 125 ca nhiễm mới). Kể từ cuối tháng 1, Hong Kong ghi nhận tổng cộng trên 6.200 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 109 người không qua khỏi. Hong Kong đã đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ đêm và các tụ điểm giải trí lần thứ 3 trong năm, cho đến ít nhất ngày 3/12.

Dịch bệnh tại Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu đáng lo ngại khi số bệnh nhân có triệu chứng nặng lên tới 462 người, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện Tokyo đang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản là trên 144.600 người, bao gồm hơn 2.100 trường hợp tử vong.

Ngày 29/11, chính quyền Hàn Quốc đã bổ sung các biện pháp thắt chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thủ đô Seoul và vùng phụ cận sẽ hạn chế các cuộc tụ tập đông người và những hoạt động bị coi là dễ lây truyền virus. Theo đó, các bữa tiệc cuối năm bị cấm, phòng tắm hơi công cộng sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, những cơ sở thể thao trong nhà cũng sẽ bị cấm. Trước đó, thủ đô Seoul và các vùng phụ cận đã áp dụng quy định giãn cách cấp độ 2. Đối với các địa phương khác, những quy tắc mới về giãn cách xã hội sẽ được áp dụng từ ngày 1/12.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm