Giá dầu thế giới tăng tuần thứ 5 liên tiếp
Ukraine trước nguy cơ “đắp chiếu” hàng loạt vũ khí phương Tây cung cấp / Kho dự trữ tên lửa của Nga “khủng” cỡ nào?
Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 75 xu, tương đương 0,89%, lên 84,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 49 xu, tương đương 0,61%, lên 80,58 USD/thùng.
Sự lạc quan về nhu cầu mạnh mẽ và việc cắt giảm nguồn cung đã làm giới đầu tư tin tưởng rằng giá dầu sẽ được duy trì ở mức ổn định. Tâm lý ưa chuộng rủi ro trên thị trường tài chính được thúc đẩy bởi kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Điều này hỗ trợ triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Ngoài ra, động thái cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cũng đóng góp phần quan trọng hỗ trợ giá dầu.
Trong tuần vừa qua, giá cả cả hai loại dầu chủ chốt đã tăng gần 5%, ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp và tăng hơn 13% kể từ đầu tháng 7/2023 đến nay.
Tại thị trường dầu thế giới, đà tăng đã liên tục khởi sắc trong các phiên giao dịch trong tuần này, chạm mức cao nhất trong nhiều tháng. Điều này xuất phát từ việc nguồn cung bị thắt chặt, đồng thời nhu cầu xăng tại Mỹ tăng lên cùng với kỳ vọng về các biện pháp kích thích của Trung Quốc, thúc đẩy tâm lý các nhà đầu tư.
Nhóm nghiên cứu của ngân hàng Citi Bank nhấn mạnh rằng giá dầu hiện tại đang phản ánh "các điều kiện thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia ảnh hưởng đến thị trường khi nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay trong mùa hè đã mạnh hơn một chút".
Cùng với đó, nhà phân tích Tamas Varga của PVM cho biết các nhà đầu tư đang kỳ vọng Mỹ sẽ sớm "chạm" mức lãi suất cao nhất, và khả năng Mỹ tránh được suy thoái.
Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất đã khiến giá dầu giảm 1% trong phiên giao dịch ngày 26/7. Điều này đã đưa lãi suất lên khoảng 5,25 - 5,5%, và FED cũng thông báo về khả năng tăng lãi suất tiếp. Lãi suất cao hơn có thể làm tăng chi phí vay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, gây chậm lại tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Đáng chú ý, giá dầu Brent đã lần đầu tiên vượt mốc 84 USD/thùng kể từ tháng 4/2023 trong phiên giao dịch ngày 27/7.
Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã cam kết đẩy mạnh các biện pháp kích thích để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ yếu trong quý II.
Triển vọng nhu cầu dầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Âu và Mỹ đều đạt chỉ số GDP tăng trưởng.
Theo Reuters, GDP quý II của Mỹ tăng trưởng với mức dự báo 2,4%, điều này ủng hộ quan điểm của Chủ tịch FED Jerome Powell rằng nền kinh tế Mỹ có thể đạt được cú "hạ cánh mềm". Đồng thời, trong quý II, GDP của Pháp và Tây Ban Nha cũng đều tăng nhanh hơn so với dự kiến.
Darren Woods, Giám đốc Công ty dầu khí Exxon Mobil, cho rằng dự kiến nhu cầu dầu sẽ đạt kỷ lục trong năm nay và năm tới.
Về nguồn cung, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết, bằng chứng cho thấy sự khan hiếm đang gia tăng, do dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm và động thái cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia, đồng thời nhấn mạnh trong tháng này sản lượng dầu của OPEC có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu năm 2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo