Hải quân Nhật Bản đưa tàu ngầm tấn công mới lớp Sōryū vào trang bị
Ba tàu ngầm hạt nhân Nga trang bị vũ khí hạt nhân "tấn công" Mỹ từ Bắc Cực / Vệ tinh Mỹ lần đầu tiên phát hiện tàu ngầm hạt nhân của Nga mang theo siêu ngư lôi hạt nhân 'ngày tận thế'
Tàu ngầm lớp Sōryū
Các tàu ngầm của Hải quân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JMSDF) được sản xuất sau Thế chiến II được đặt tên theo các dòng hải lưu, thủy triều và động vật thần thoại. Sōryū trong tiếng Nhật có nghĩa là Rồng Xanh và có chung tên với tàu sân bay Sōryū, bị đánh chìm trong Trận chiến Midway (Thế chiến II), là một lớp tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tàng hình, chạy bằng động cơ diesel-điện mới của Nhật Bản, là tàu ngầm sử dụng động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (Air-independent propulsion - AIP Stirling, do Thụy Điển sản xuất) đầu tiên của Nhật Bản.
Chiếc đầu tiên của lớp Sōryū (SS-501) cũng được đặt theo tên của hàng không mẫu hạm Sōryū của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, được đưa vào hoạt động vào năm 2009. JMSDF có kế hoạch sở hữu ít nhất 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Sōryū, mang số hiệu SS-501 đến SS-512. Lớp này được phát triển từ thiết kế tàu Oyashio (có thể dễ dàng phân biệt bằng đuôi tàu và bánh lái hình chữ X) để thay thế các tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel lớp Harushio cũ hơn. Cấu hình bánh lái hình chữ X lần đầu tiên được sử dụng trên lớp Gotland của Thụy Điển, được máy tính hỗ trợ có thể giúp tàu ngầm có khả năng cơ động cực cao, và cũng cho phép hoạt động rất gần với đáy biển.
Nhật Bản đã sử dụng công nghệ tàng hình tối mật trên những chiếc tàu này - thiết kế thủy động học và được trang bị lớp phủ chống dội âm; nội thất cũng có cách ly âm thanh - sử dụng cấu trúc sàn nổi - các tấm ván sàn được gắn vào lớp vỏ bên trong thông qua cơ cấu đệm để ngăn rung động bên trong tàu ra ngoài và bảo vệ chống va đập từ bên ngoài tàu ngầm. Việc sử dụng AIP cho phép ở dưới nước đến vài tuần mà không cần nổi lên để sạc ắc-quy, cũng như tăng cường khả năng tàng hình và hoạt động của tàu. Lớp Sōryū có hệ thống ống thở trong mọi thời tiết có thể hoạt động ngay cả khi có bão.
Tàu Sōryū có lượng choán nước lớn nhất so với bất kỳ tàu ngầm nào được Nhật Bản sử dụng sau Thế chiến II. Chi phí của chiếc tàu ngầm thứ sáu (Kokuryū) ước tính khoảng 540 triệu USD. Tàu ngầm lớp Sōryū thứ 11 mang tên Ōryū SS-511 (được cấp ngân sách 536,7 triệu USD theo Ngân sách Quốc phòng Nhật Bản năm 2015) là tàu ngầm chạy bằng ắc-quy lithium-ion đầu tiên trên thế giới (là chiếc thứ sáu do Mitsubishi Heavy Industries (MHI) chế tạo), được đưa vào trang bị ngày 7/4/2020.
Ắc-quy lithium-ion có khả năng lưu trữ điện gần gấp đôi so với ắc-quy axit-chì truyền thống và giảm thời gian cần xạc lại, cho phép Ōryū tắt động cơ diesel-điện và hoạt động chỉ bằng năng lượng ắc-quy trong thời gian dài hơn dưới nước, cho phép mở rộng phạm vi hoạt động, bao gồm cả các vùng nước nông. Ắc-quy ít ồn hơn so với động cơ diesel-điện và giảm tiếng ồn của tàu, giúp khó bị phát hiện hơn. JMSDF hiện là lực lượng hải quân duy nhất trên thế giới lắp đặt công nghệ này trên tàu ngầm. Hiện tại nó là một trong những công nghệ quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Nhật Bản.
Ưu điểm của ắc-quy lithium-ion là yêu cầu thấp hơn về bảo dưỡng và có khả năng chịu đựng tốc độ cao lâu hơn khi lặn so với ắc-quy axit-chì. Chúng cũng có thời gian xạc nhanh hơn, tuổi thọ dài hơn và đơn giản hơn trong việc thiết kế hệ thống điện tử. Mặc dù vậy, ắc-quy lithium-ion và hệ thống đi kèm rất đắt đỏ, ước tính đơn giá cho 2 chiếc tàu ngầm Sōryū cuối cùng cao hơn 100 triệu USD so với những con tàu sử dụng ắc-quy axít-chì. Bên cạnh đó, ắc-quy lithium-ion cũng có nguy cơ cháy nổ cao hơn, nhưng điều này không phải vấn đề với quốc gia có nền khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến như Nhật Bản.
Nhật Bản đã chào hàng tàu ngầm lớp Sōryū cho Australia để thay thế cho các tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia. Tháng 4/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Australia lúc bấy giờ là David Johnston đã mô tả lớp Sōryū là “cực kỳ ấn tượng” khi thảo luận về các lựa chọn tàu ngầm trong tương lai của Australia. Ấn Độ, Maroc, Na Uy, Hà Lan và Đài Loan cũng đã tiếp xúc với Nhật Bản và bày tỏ mong muốn mua tàu ngầm lớp Sōryū.
Hải quân Nhật Bản đưa tàu ngầm tấn công mới lớp Sōryū vào trang bị
Tháng 11/2019, Kawasaki Heavy Industries (KHI) đã cho hạ thủy chiếc tàu ngầm thứ 12 - Toryu (Fighting Dragon - Rồng chiến) SS-512, và là cuối cùng thuộc lớp Sōryū, được triển khai đóng vào tháng 1/2017, với kinh phí khoảng 69 tỷ JPY (635 triệu USD). Hôm 24/3/2021, Hải quân Nhật Bản đã chính thức nhận chiếc tàu ngầm tấn công mới này trong buổi lễ trọng thể chuyển giao diễn ra tại nhà máy đóng tàu ở thành phố Kobe.
Dự kiến được đưa vào trực chiến vào tháng 3/2021, Toryu SS 512 sẽ được biên chế vào Đội hộ tống 2, đóng tại căn cứ hải quân Yokosuka (tỉnh Kanagawa), ngay sau khi được nhà đóng tàu Kawasaki bàn giao. Giống như chiếc Oryu, Toryu cũng được trang bị ắc-quy lithium-ion. Đây là chiếc tàu ngầm thứ sáu trong lớp Sōryū do KHI chế tạo và là chiếc thứ hai trong lớp được trang bị ắc-quy lithium-ion.
Nó cũng được trang bị hai động cơ diesel loại Kawasaki 12V 25/25 SB và bốn động cơ AIP Kawasaki Kockums V4-275R Stirling (được sử dụng để cung cấp năng lượng hoặc làm lạnh, hoạt động theo chu trình khép kín, trong đó chất lỏng làm việc được nén và giãn nở theo chu kỳ ở các nhiệt độ khác nhau); có tầm hoạt động ước tính 6.100 hải lý (11.297 km) với tốc độ trên mặt nước tối đa 13 hải lý/giờ và tốc độ lặn 20 hải lý/giờ; độ sâu tối đa khi lặn khoảng 650 m.
Toryu có chiều dài 84 m, rộng 9,1 m, cao 10,5 m, mớn nước 8,4 m, lượng choán nước trên mặt nước 2.950 tấn, lượng choán nước dưới nước 4.200 tấn, thủy thủ đoàn 65 thành viên (gồm 9 sĩ quan và 56 thủy thủ). Cũng như những chiếc tàu lớp Sōryū, Toryu được trang bị sáu ống phóng ngư lôi HU-606 533 mm có thể mang theo ngư lôi hạng nặng “Type-89”, “Type-80” và tên lửa chống hạm UGM-84 “Harpoon”. Bên cạnh mảng sonar Hughes/Oki ZQQ-7 gắn ở mũi và bên sườn, tàu ngầm này còn được trang bị một sonar mảng kéo có khả năng phát hiện tàu cách xa hơn 70 km.
Type 89 là ngư lôi được gắn đầu đạn nặng 295 kg, do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất, dẫn đường bằng dây với hai chế độ chủ động và thụ động. A/U/RGM-84 Harpoon là hệ thống tên lửa chống hạm hoạt động trong mọi thời tiết với hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động, thiết kế đầu đạn, quỹ đạo hành trình tầm thấp và các thao tác lướt trên mặt biển… đảm bảo khả năng sống sót cao. Tên lửa này có khả năng phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, bờ biển hoặc máy bay với tầm bắn tối đa đạt 124 km./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo