Quốc tế

Hậu AUKUS, Pháp tìm cách xuất khẩu máy bay Rafale cho Indonesia

Can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp đang ráo riết thiết kế để xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale cho Indonesia nhằm thay thế các máy bay chiến đấu F-5 đã cũ của nước này.

Hoa Kỳ thiết lập phiên bản riêng hệ thống phòng không Vòm Sắt trên đảo Guam / Nga bất ngờ tuyên bố chế tạo hệ thống phòng không S-550 mới

Indonesia giữa “ngã ba đường”

Không quân Indonesia cần được hiện đại hóa và Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã thăm nhiều quốc gia để tìm giải pháp thay thế những chiếc F-5 đã lỗi thời. Tháng 2 vừa rồi, Jakarta đã công bố danh sách các máy bay mà họ sẽ mua trong bốn năm tới. Danh sách bao gồm 36 máy bay Dassault Rafales, 36 máy bay Boeing F-15 Eagle II, 15 máy bay vận tải Lockheed Martin C-130J Super Hercules, 2 máy bay vận tải đa năng Airbus A330, 30 trạm radar đánh chặn điều khiển trên mặt đất và 3 máy bay không người lái (UAV).

Ngoài máy bay chiến đấu, quốc gia Đông Nam Á này còn muốn tăng cường khả năng quốc phòng bằng cách mua tàu ngầm và tàu chiến để bảo vệ lãnh thổ trên biển. Nhưng câu hỏi nghiêm túc đặt ra vẫn là liệu Indonesia với gánh nặng nợ nần có đủ khả năng chi trả ước tính 11 tỷ USD cho số máy bay nói trên hay không, cũng như khả năng sớm có được F-15. Ngân sách quốc phòng của Indonesia năm 2021 là 9,2 tỷ USD, nhưng giảm xuống còn 8,7 tỷ USD do áp lực tài chính từ đại dịch.

Chiến đấu cơ đa nhiệm hai động cơ Rafale - tinh hoa của nền công nghệ và công nghiệp quốc phòng Pháp; Nguồn: dassault-aviation
Chiến đấu cơ đa nhiệm hai động cơ Rafale - tinh hoa của nền công nghệ và công nghiệp quốc phòng Pháp; Nguồn: dassault-aviation

Chính phủ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Widodo đã hy vọng tăng ngân sách quốc phòng lên 20 tỷ USD vào năm 2019, tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng con số đó được lên kế hoạch với dự báo mức tăng trưởng trung bình 7%, không phải 5% mà đất nước đã đạt được trong năm ngoái. Indonesia đã quyết định không mạo hiểm với các lệnh trừng phạt của Mỹ với thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD để mua thêm 11 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 bổ sung cho đội 16 máy bay hai động cơ Su-27 và Su -30 của Nga mà họ đã có.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo từng quan tâm đến việc mua 15 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của Không quân Áo. Ông Prabowo ban đầu cũng hy vọng có được chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Lockheed, nhưng đã bị thuyết phục chấp nhận phiên bản mới nhất của F-15, hiện đang được đưa vào trang bị cho Không quân Mỹ để lấp khoảng trống do việc cắt giảm Chương trình F-22 Raptor. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là đã nói với Prabowo trong chuyến thăm tới Washington vào tháng 10/2020 rằng, Indonesia sẽ phải đợi ít nhất một thập kỷ để được nhận máy bay F-35 vì danh sách khách hàng dài, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

F-35 đắt hơn nhiều để vận hành và sửa chữa so với F-15EX, có tuổi thọ 20.000 giờ danh nghĩa – một thách thức lớn đối với Indonesia. Mặc dù đây là lần đầu tiên Mỹ bán F-15 sau 20 năm, nhưng trong những năm qua, Saudi Arabia và Qatar đã tiếp tục tài trợ 5 tỷ USD cho việc nâng cấp, và biến thể F-15EX rất khác so với các phiên bản tiền nhiệm. Động cơ đôi mạnh hơn, hệ thống buồng lái và cảm biến được cập nhật, khả năng tổng hợp dữ liệu và khả năng mang vũ khí nặng 13.400 kg trên 2.200 km là những ví dụ về những cải tiến của F-15.

Tuyên bố của các quan chức Indonesia rằng 6 trong số những chiếc F-15 mới sẽ sẵn sàng giao hàng vào năm 2022 dường như là quá tham vọng khi Lực lượng Phòng không và Vệ binh Quốc gia Mỹ sẽ được ưu tiên thay thế tới 144 chiếc F-15C/D cũ đang cận kề thời hạn loại biên. Mỗi chiếc máy bay phản lực có giá 87,7 triệu USD, nhưng các hệ thống điện tử và vũ khí dự kiến ​​sẽ tăng thêm 40 triệu USD vào tổng chi phí của nó trong khi một số công nghệ tiên tiến của Mỹ bị cấm xuất khẩu sang các nước như Indonesia.

Chiến đấu cơ Rafale

 

Được phát triển bởi Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp, Rafale là một máy bay chiến đấu phản lực “tất cả trong một” - có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tầm ngắn và tầm xa, bao gồm tấn công mặt đất và trên biển (kể cả tiêu diệt tàu sân bay), trinh sát, tấn công chính xác cao và răn đe tấn công hạt nhân. Rafale thế hệ 4,5 có tốc độ tối đa 2.200 km/h và phạm vi chiến đấu 1.850 km.

Với tải trọng 9 tấn, ngoài pháo GIAT 30/M791 cỡ 30 mm, Rafale được trang bị tên lửa không đối không Magic II, tên lửa hành trình không đối đất MBDA Storm Shadow, tên lửa chống hạm AM-39 Exocet, thậm chí cả tên lửa ASMP-A mang đầu đạn TN81 có sức công phá từ 100-300 kiloton (với tầm bắn hiệu quả từ 80-500 km, tốc độ có thể đạt tới Mach 3).

Giàn vũ khí đa dạng của Rafale; Nguồn: wallpapercave.com
Giàn vũ khí đa dạng của Rafale; Nguồn: wallpapercave.com

Rafale được trang bị radar quét điện tử thụ động tiên tiến RBE2-AA có thể phát hiện máy bay đối phương ở khoảng cách 130 km. Dassault Rafale được lắp bộ tác chiến điện tử Thales Spectra tích hợp nhiều tính năng như xác định chính xác các nguồn phát tia hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser từ đối phương; đưa ra những cảnh báo laser, cảnh báo tên lửa đối phương đang đến gần và phóng mồi bẫy để đối phó với mối đe dọa. Theo India Defence Research Wing, bộ tác chiến Thales Spectra lắp trên Rafale đã nhiều lần vô hiệu hóa thành công hệ thống điện tử của các tiêm kích Su-35 trong một cuộc tập trận do Không quân Ai Cập tổ chức.

Được coi là tinh hoa của nền công nghệ Pháp, chiến đấu cơ đa nhiệm hai động cơ Rafale với thiết kế cánh tam giác độc đáo cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến là một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới, chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp. Rafale đã thành công trên thị trường quốc tế và đã được xuất khẩu sang Ai Cập, Ấn Độ, Qatar, Hy Lạp và Croatia. Một số quốc gia khác cũng thể hiện sự quan tâm của họ đối với máy bay, bao gồm UAE, Ukraine, Malaysia. … và Indonesia.

Pháp tìm cách xuất khẩu chiến cơ Rafale cho Indonesia

 

Thỏa thuận ba bên Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) đã dẫn đến việc Australia hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Paris trị giá 56 tỷ euro mà không thông báo trước, một sự kiện được ngoại trưởng Pháp gọi là “cú đâm sau lưng”. Pháp đã triệu hồi các đại sứ của mình từ Australia và Mỹ; Paris cũng hủy bỏ một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng với các quan chức Anh.

Chiếc Dassault Rafale trong một cuộc trình diễn; Nguồn: wikipedia.org
Chiếc Dassault Rafale trong một cuộc trình diễn; Nguồn: wikipedia.org

Các chuyên gia nhận định, tình hình biến động ở Đông Thái Bình Dương có thể là cơ hội tốt để Paris có được một số khách hàng cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Sáng kiến ​​của Pháp về hợp tác quân sự chặt chẽ hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được cho là nỗ lực của Paris nhằm bù đắp cho “cú đâm sau lưng” gây tranh cãi của Australia.

Ngoại trưởng Pháp vừa có chuyến thăm hai ngày tới Indonesia để “tái khẳng định cam kết của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… và tăng cường mối quan hệ với Indonesia”. Đề nghị cung cấp 36 máy bay Rafale được cho là một phần của kế hoạch hợp tác quốc phòng được thảo luận trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tới Jakarta.

Nếu thỏa thuận được ký kết, Indonesia sẽ trở thành quốc gia Đông Á đầu tiên vận hành Rafale. Các máy bay Dassault Rafale được hy vọng sẽ bổ sung thêm sức mạnh cho Không quân Indonesia, lực lượng mà ngoài phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi còn có ba phi đội Lockheed F-16 được tân trang lại, gần đây đã được triển khai tuần tra trên vùng biển phía Nam của Biển Đông nơi các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã thực hiện các cuộc xâm nhập trong quá khứ./.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm