Quốc tế

Hết "cửa thắng" tại Idlib khi Nga vào cuộc, ông Erdogan đủ thông minh để không đối đầu trực diện Moskva

Lãnh đạo Nga-Thổ sẽ tiến hành cuộc gặp quan trọng, giữa bối cảnh chiến sự leo thang nghiêm trọng tại Idlib giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với quân chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn.

Tướng Konashenkov: Căn cứ không quân Nga ở Syria bị tấn công hàng ngày / Thổ Nhĩ Kỳ gấp rút triển khai tên lửa phòng không hiện đại tới Syria: Tiêu diệt máy bay Nga?

Các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria (Ảnh: Anadolu Agency)

Các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria (Ảnh: Anadolu Agency)

Ngày 2/3/2020, điện Kremlin và văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận ngày 5/3/2020, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ đến Moskva trong chuyến thăm làm việc để thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về giải pháp cho cuộc xung đột Syria, đặc biệt là tình hình căng thẳng hiện nay tại Idlib.

Vì sao Erdogan đề nghị gặp Putin?

Tình hình ở Idlib gần đây leo thang căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự "Lá chắn mùa xuân" ngày 27/2/2020, hậu thuẫn cho các nhóm khủng bố, đứng đầu là "Mặt trận al-Nusra" và Hayat Tahrir al-Sham".

Sau nhiều cuộc giao tranh dữ dội, đến nay về cơ bản quân Syria đã chiếm lại được Saraqeb, kiểm soát các thị trấn, làng mạc xung quanh Idlib với tổng diện tích hơn 600 km2, đặc biệt là con đường bộ cao tốc M5 nối Latakia-Damascus. Quân cảnh Nga đã vào đóng chốt tại các vị trí quan trọng trong thành phố này.

 

Hezbollah đưa hơn 1.000 quân tiếp viện đến Saraqeb, sẵn sàng nghênh chiến với quân Thổ Nhĩ Kỹ và các lực lượng khủng bố thuộc Mặt trận al-Nusra và Hayat Tahrir al-Sham. Iran cũng đưa một số các đơn vị thiện chiến của quân đoàn al-Quds được trang bị các loại tên lửa tầm ngắn hiện đại và bắt đầu khai hỏa chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, không quân Nga tiếp tục dội bom vào các vị trí của các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Ngày 1/3/2020, Moskva tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sau khi Damascus đóng cửa không phận phía Bắc của mình.

Các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn IL-76, Tu-154M của Nga liên tục cất cánh chuyên chở vũ khí, đạn dược sang căn cứ không quân Hmeimim.

Cùng lúc, hải quân Nga đã điều hai chiến hạm mang tên đô đốc Makarov và Grigorovich thuộc hạm đội Biển Đen được trang bị các tên lửa hành trinh Kalibr đến vùng Địa Trung Hải sát bờ biển Syria. Tàu hộ tống thứ ba, Đô đốc Essen, đã có mặt ở Địa Trung Hải từ tháng 12/2019 sẵn sàng đi qua eo biển Bosphorious về phía Syria.

 

Thổ Nhĩ Kỳ cầu cứu Mỹ và NATO thực hiện Điều 4 trong Hiệp ước phòng thủ chung, nhưng đã không được đáp ứng. Cuộc họp khẩn cấp của 28 nước thành viên NATO ngày 28/2/2029 tại Brussel chỉ tuyên bố đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi ngừng bắn mà không có bất cứ hành động cụ thể nào.

Trong tình hình như vậy, có thể nói chiến dịch "Lá chắn mùa Xuân" của Thổ Nhĩ Kỳ rất khó thành công nếu không muốn nói là thất bại. Từ khi mở chiến dịch quân sự vào Tây-Bắc Syria cuối tháng Hai đến nay đã có hơn 50 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp, hàng chục máy bay các loại bị bắn hạ.

Tình hình hiện nay là cho dù Nga muốn giúp chính quyền Damascus giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Idlib và rút quân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi nơi đây, nhưng điều nay khó có thể xảy ra. Nếu tiếp tục tấn công, Syria sẽ không tránh khỏi thiệt hại lớn hơn. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể quay trở lại giới tuyến quy định trong thỏa thuận Sochi.

Hết cửa thắng tại Idlib khi Nga vào cuộc, ông Erdogan đủ thông minh để không đối đầu trực diện Moskva - Ảnh 3.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk của quân đội Nga di chuyển qua eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ, ít ngày sau khi Nga điều 2 chiến hạm mang tên lửa dẫn đường Kalibr tới Syria (Ảnh: The Moscow Times)

Mục tiêu cuộc gặp thượng đỉnh Moskva

 

Tổng thống Erdogan đã nhiều lần đề nghị gặp Tổng thống Putin, nhưng ông Putin đã từ chối và chỉ đồng ý gặp tại Moskva sau khi quân Syria làm chủ được Idlib.

Trước khi lên đường sang Moskva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với tờ báo Daily Sabah rằng, mục đích chính cuộc gặp với Tổng thống Putin là đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn ở Idlib.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: "Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề về giải pháp Syria, có tính đến tình hình căng thẳng nghiêm trọng hiện nay tại Idlib, bàn các biện pháp việc thực hiện thỏa thuận Sochi năm 2018.

Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ tránh mọi hoạt động quân sự quy mô lớn ở Idlib; thành lập một khu vực an toàn dọc theo đường ranh giới giữa các lực lượng chính phủ Syria và phe đối lập; đưa các vũ khí hạng nặng ra khỏi Idlib và Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa vụ tách ly các lực lượng khủng bố khỏi các tổ chức đối lập ôn hoà; Moskva và Ankara thành lập các đội tuần tra chung để kiểm soát khu phi quân sự.

Moskva giữ cam kết ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Syria, ủng hộ Syria tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có các nhóm được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liệt kê vào danh sách khủng bố, và tất nhiên, rất coi trọng việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ."

 

Ông Peskov khẳng định, lập trường của Nga trong các cuộc đàm phán sắp tới "sẽ hoàn toàn nhất quán, không thay đổi. Lập trường này của Nga đã được nêu rõ ở nhiều cấp độ khác nhau, từ Tổng thống Putin đến Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng như phái đoàn liên ngành của Nga trong các cuộc làm việc với các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ gần đây."

Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng, các lực lượng của Nga hoạt động tại Syria là theo theo yêu cầu của ban lãnh đạo hợp pháp của Syria và Nga là quốc gia duy nhất có quân đội hợp pháp ở Syria. Tất cả các lực lượng quân sự của các quốc gia khác ở Syria đều trái với các tiêu chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Trước đó, Moskva cũng đã cáo buộc Ankara không thực hiện các thỏa thuận được ký kết tại Sochi giữa Tổng thống hai nước tháng 10/2018, đặc biệt, nghĩa vụ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chống khủng bố, tách các nhóm khủng bố ra khỏi các lực lượng đối lập ôn hòa và đưa các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực giảm căng thẳng ở Idlib.

Hết cửa thắng tại Idlib khi Nga vào cuộc, ông Erdogan đủ thông minh để không đối đầu trực diện Moskva - Ảnh 5.

Ông Putin (trái) và ông Erdogan (Ảnh: Reuters)

Khả năng Nga-Thổ đạt thỏa hiệp

 

Cuộc tranh chấp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là hết sức rất gay gắt. Năm 2017, khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch "Lá chắn Euphrate" đưa quân vào miền Bắc Syria, tình hình tưởng như sẽ phát triển mạnh mẽ không gì ngăn cản được, nhưng cuộc gặp Erdogan-Putin và ký thỏa thuận Sochi tháng 10/2018 cho thấy tình hình mặc dù vô cùng phức tạp vẫn có thể giải quyết được.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, những tuyên bố gay gắt của Tổng thống R. Erdogan chủ yếu là nhằm phục vụ cho nhu cầu nội bộ trong nước, tìm cách thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đặc biệt khi bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới đang đến gần.

Dù căng thẳng và tham vọng lớn đến đâu, ông Erdogan không thể cho phép mình đối đầu trực diện với Nga. Lợi ích của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không phải đối đầu với nhau ở Idlib. Đối với chính quyền Erdogan, quan hệ song phương với Nga quan trọng hơn rất nhiều.

Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ TurkStream vận chuyển 32 tỷ mét khối hơi đốt một năm của Nga sang châu Âu, 7 triệu khách du lịch của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm, kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 27 tỷ USD và có kế hoạch nâng lên 100 tỷ USD trong vài năm tới, chưa kể đến dự án nhà máy điện hạt nhân Akkuyu trị giá 20 tỷ USD Nga đang xây dựng cho Ankara.

Về quân sự, Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không hiện đại S-400 trong khi Mỹ và NATO vẫn tiếp tục cấm vận vũ khí đối với Ankara.

 

Hai nước có quan hệ cùng có lợi về kinh tế và chính trị hết sức to lớn. Không ai muốn phá hủy tất cả vì Idlib.

Nếu không có hy vọng thỏa hiệp, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo được công bố vào ngày 5/3/2020 đã không diễn ra.

Các nhà quan sát cho rằng, Erdogan là một người chơi thông minh và ông biết điểm dừng ở đâu.

Hiện nay, cuộc xung đột đã lên đến đỉnh điểm và rất có thể lan rộng hơn nữa, nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều muốn kiềm chế. Do đó, có nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được một thỏa hiệp nhất định về Idlib. Nếu không thì ông Erdogan đã không đến Moskva để gặp Putin.

Thoả hiệp đó có thể là quân Syria sẽ vẫn ở lại những vị trí mà họ đã chiếm được, Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hậu thuẫn công khai các tổ chức khủng bố và phần lãnh thổ còn lại của Idlib sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm thân Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa hiệp này sẽ dẫn đến một cuộc ngừng bắn, cho phép giữ nguyên trạng tình hình và sau đó là trở lại thực hiện thỏa thuận Sochi.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm