Quốc tế

Hồ sơ Interpol: Thị trường “máu bẩn” ở Ấn Độ

Người đàn ông chỉ có một chân được gọi là Rajesh luôn có mặt tại một bệnh viện công lớn ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ và sẵn sàng cung cấp những đơn vị máu "theo yêu cầu" người mua. Bán máu và trả tiền cho người hiến máu trên thị trường đen bị coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng hoạt động trái phép này vẫn phát đạt trong bóng tối.

Bất ngờ vũ khí khiến Mỹ tự tin tuyên chiến với UAV của Iran / Israel đã "làm cỏ" hải quân Arab trong cuộc chiến Yom Kippur như thế nào?

Máu bị thiếu hụt trầm trọng ở Ấn Độ. Với dân số 1,2 tỷ người, Ấn Độ cần đến 12 triệu đơn vị máu mỗi năm nhưng thực tế chỉ thu thập được 9 triệu đơn vị - tức thiếu hụt đến 25%. Vào mùa hè, lượng thiếu hụt lên đến đỉnh điểm 50% cho nên từ đó phát sinh đội quân bán máu chuyên nghiệp phục vụ cho những bệnh nhân tuyệt vọng đang "khát máu".

Sau tai nạn bị cưa mất một chân và nằm bệnh viện nhiều tháng, Rajesh - "nhà cung cấp máu" bất hợp pháp - nhận ra mình có thể kiếm tiền dễ dàng bằng cách tìm nguồn cung cấp máu cho nhu cầu truyền máu của bệnh nhân.

Bên trong Ngân hàng Máu Rotary.

Nguyên do dẫn đến tình trạng thiếu hụt máu ở Ấn Độ là nước này không có trung tâm tiếp nhận máu cùng với sự cấm kỵ trao đổi máu giữa những người khác đẳng cấp trong xã hội. Có cả một đội quân cung cấp máu đều là những người cùng khổ bị bọn bất lương dụ dỗ tìm cho việc làm rồi sau đó bị nhốt trong một căn nhà và ép buộc họ bán máu với giá rẻ bèo chỉ 7 USD cho một đơn vị.

Những người cùng khổ bị giam giữ trong một căn nhà gọi là "bệnh viện máu", bị ép buộc "bán" máu 3 lần một tuần trong thời gian kéo dài 2 năm rưỡi trước khi được giải cứu. Lượng máu bất hợp pháp này được bán cho các bệnh viện địa phương và ngân hàng máu tư nhân với giá 18 USD/đơn vị - tức gấp 15 lần giá quy định của chính phủ.

Một số ngân hàng máu tư nhân bị buộc tội tòng phạm khi dán tem và mã vạch trên những túi máu được mua ngoài "chợ trời". Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê về giá trị của thị trường máu bất hợp pháp cũng như có bao nhiêu "bệnh viện máu" như thế được phát hiện.

Các chuyên gia cho biết thậm chí nhiều ngân hàng máu hoạt động hợp pháp được chính quyền cấp phép vẫn tiếp tay cho bọn bán máu trái phép.

Theo luật pháp Ấn Độ, những bệnh nhân cần truyền máu phải sử dụng người hiến máu là người thân trong gia đình hay bạn bè - với quy định mỗi người chỉ hiến một đơn vị máu. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tìm đến thị trường máu bất hợp pháp, đặc biệt nếu họ cần nhiều đơn vị máu trong khi không thể có được nhiều người hiến máu.

Asha Bazaz, trưởng khoa kỹ thuật Ngân hàng Máu Rotary (RBB) - nơi có trữ lượng máu lớn nhất Ấn Độ giải thích: "Một số bệnh nhân đến từ những vùng xa xôi. Do đó, họ thường không có gia đình hay bạn bè ở bên cạnh. Người thân cũng khó thể bỏ dỡ công việc để đi xa với chi phí tốn kém". Tại những vùng thôn quê, tình hình càng thê thảm hơn, và bệnh nhân phải mua máu ngoài thị trường đen.

Loại máu càng hiếm càng đắt tiền. Bác sĩ JS Arora, tổng thư ký Hội Phúc lợi Thalassemia (một chứng rối loạn máu di truyền) Quốc gia (NTWS), nói: "Tôi đã nhìn thấy nhiều bệnh nhân được truyền máu trực tiếp mà không hề được xét nghiệm trước đó". Kết quả là mạng sống của hàng triệu bệnh nhân luôn bị đe dọa.

Cậu bé Alok Kumar 8 tuổi bị chứng thalassemia cần được truyền máu hàng tháng để cứu lấy tính mạng. Sau đó, Alok bị nhiễm viêm gan siêu vi C do máu không được xét nghiệm cẩn thận. Bệnh viêm gan C của Alok nếu không được chữa trị đúng phác đồ có thể dẫn đến xơ gan hay ung thư. NTWS đánh giá có 6-8% bệnh nhân bị nhiễm đủ loại bệnh, gồm cả HIV, do bị truyền máu bẩn.

Quy trình xét nghiệm máu ở Ngân hàng Máu Rotary.

Máu từ nguồn thị trường đen thường có nguồn gốc từ những người cùng khổ của Ấn Độ và đương nhiên nguy cơ nhiễm HIV và viêm gan siêu vi hay các bệnh khác rất cao. Năm 2013, 2 bệnh nhi thalassemia và 21 người khác ở thành phố Junagadh bang Gujarat miền tây Ấn Độ được chẩn đoán nhiễm HIV do nguồn máu không được xử lý cẩn thận - theo báo cáo từ tạp chí đạo đức y khoa Ấn Độ Journal of Medical Ethics.

Thậm chí, các ngân hàng máu hợp pháp cũng cung cấp nguồn máu không an toàn khiến cho tình hình càng thêm nguy hiểm. Tháng 4/2014, một vụ kiện tụng gây chú ý dư luận diễn ra ở thành phố Ahmedabad bang Gujarat - nơi tỷ lệ hiến máu tự nguyện rất cao - liên quan đến vụ việc các ngân hàng máu địa phương kiếm được 1,9 triệu USD từ việc bán các thành phần của máu.

Theo vụ kiện, số ngân hàng này thu thập máu miễn phí từ những người hiến tặng tự nguyện, nhưng thay vì chia sẻ quỹ máu với những bệnh viện nghèo thì họ lại kiếm tiền riêng từ nguồn máu này. Các ngân hàng máu phi lợi nhuận - như là ngân hàng của Lion's Club hay Rotary - tính giá 38 đến 45 USD cho một đơn vị máu. Nhưng, đối với hàng trăm triệu người nghèo khó đến mức bần cùng ở Ấn Độ thì việc trả tiền mua máu an toàn đơn giản là không thể vì với họ như thế là quá đắt.

Theo Duy Minh/cstc.cand.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm