Khả năng sản xuất đạn pháo của Nga khiến NATO “đứng ngồi không yên”
Chuyên gia Mỹ: Su-57 'quá tinh vi' để tham chiến ở Ukraine / Nga lần đầu tiên phá hủy hệ thống MLRS M270 của Ukraine?
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Moscow đã tăng cường sản xuất lên tới 400.000 quả đạn pháo cỡ nòng 152mm mỗi năm. Những quả pháo này có thể được phóng từ các khẩu lựu pháo kéo thời Liên Xô. Tuy nhiên, kể từ đó, con số này đã tăng lên 2 triệu quả đạn pháo hàng năm, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasčiūnas cho hay.
"Họ đang thúc đẩy sản xuất khá nhanh", ông Kasčiūnas nói trong cuộc thảo luận bàn tròn do Politico và hãng truyền hình Đức Welt tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành những bước đi đáng kể để đưa nền kinh tế vào chế độ thời chiến. Chẳng hạn, mùa xuân năm ngoái, nhà lãnh đạo Nga đã yêu cầu giới lãnh đạo quân sự tăng cường sản lượng công nghiệp - quốc phòng và ủng hộ sản xuất hàng loạt vũ khí. Bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm gây tổn thất cho nền kinh tế Nga thông qua các lệnh trừng phạt, ông Kasčiūnas cho biết "nền kinh tế thời chiến" của Moscow đã khôi phục "nhanh hơn chúng ta dự đoán". Các quan chức và tướng Mỹ cũng đưa ra những đánh giá tương tự về sức mạnh quân sự của Nga.
Sản lượng đạn pháo tăng lên là một minh chứng quan trọng. Sản lượng đạn pháo cỡ nòng 152mm của Nga vượt hơn hẳn sản lượng đạn pháo cỡ nòng 155mm của NATO. Chẳng hạn, ở châu Âu, mức sản xuất hàng năm loại đạn pháo này là chưa tới 600.000 quả trong khi ở Mỹ là dưới 350.000 quả.
Bộ trưởng Kasčiūnas cho rằng Tổng thống Putin đầu tư rất nhiều GDP của đất nước - được cho là gần 7%, vào chi tiêu quân sự nhưng vẫn phải cố gắng duy trì nền kinh tế đi đúng hướng.
Bộ trưởng Kasčiūnas đã đưa ra những bình luận trên cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur và Bộ trưởng Quốc phòng Litva Andris Sprūds. 3 nước Baltic này là những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và tăng cường kêu gọi hỗ trợ an ninh cho Kiev do lo ngại Nga có thể nhắm vào họ trong tương lai. 3 nước này từ lâu đã thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng giữa các thành viên NATO nhằm đảm bảo liên minh này có các khả năng cần thiết để ngăn chặn và phòng vệ trước nguy cơ Nga tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn vào châu Âu.
Theo Bộ trưởng Litva, để tăng cường phòng thủ và ngăn chặn Nga hiệu quả, NATO cần lấp đầy những khoảng trống năng lực như phòng không và vũ khí tầm xa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Nga khai hỏa súng cối tự hành 2S4 Tyulpan tại một vị trí không được tiết lộ ở Ukraine. Ảnh: AP