Nga lần đầu tiên phá hủy hệ thống MLRS M270 của Ukraine?
Tên lửa ATACMS tiếp tục được sản xuất sau thành công lớn trên chiến trường / Tên lửa không đối không tầm xa NAIM-174B mang lại ưu thế tuyệt đối cho Mỹ
Theo The War Zone, trên mạng xã hội đã xuất hiện đoạn video được cho là Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270 đầu tiên của Ukraine bị Nga phá hủy. M270 có thể bắn tên lửa 227mm hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn ATACMS, hệ thống này được xem là mối đe dọa lớn đối với Nga. Gần đây nhất, hệ thống M270 được cho là đã phóng tên lửa ATACMS vào Crimea khiến nhiều dân thường thương vong.
Video dài 69 giây, được kênh Telegram The_Wrong_Side của Nga đăng tải hôm 28/6, được quay từ máy bay không người lái cho thấy một hệ thống M270 rời khỏi nơi ẩn náu là những bụi cây để tiến vào một con đường.
Máy bay không người lái đã bám theo phương tiện này đến khi nó di chuyển vào một tòa nhà ở Shevchkove - một ngôi làng nhỏ thuộc Mikoliav, cách tiền tuyến khoảng 60 km về phía bắc. Video sau đó chuyển cảnh, cho thấy một tên lửa nhắm vào tòa nhà, dường như là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M. Một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên dữ dội sau đó.
Tòa nhà nơi chiếc M270 đỗ đã bốc cháy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
The War Zone chưa thể khẳng định phương tiện bị phá hủy trong vụ tấn công có phải là M270 hay không. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn do tên lửa gây ra chắc chắn đủ mạnh để phá hủy bất cứ thứ gì bên trong tòa nhà, nơi được cho là một cơ sở tiếp nhiên liệu và vũ khí của Ukraine.
“Tên lửa Iskander đã gửi ‘lời chào’ tới các thiết bị của phương Tây, phá hủy hoàn toàn các thiết bị, xe hộ tống cũng như ít nhất 25 chuyên gia của Lực lượng vũ trang Ukraine làm việc trong kho chứa này”, The_Wrong_Side tuyên bố trên Telegram.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M là một trong những vũ khí tấn công chính xác có giá trị nhất của Nga. Hiện nay, chúng đang được sử dụng như một vũ khí phản ứng nhanh để tấn công chính xác vào những mục tiêu nhạy cảm như tình huống trên.
Iskander-M là loại đạn tấn công chính xác lớn duy nhất của Nga, có đủ khả năng tiêu diệt những mục tiêu có giá trị cao trong thời gian ngắn, bởi hiện tại Không quân Nga vẫn chưa đạt được ưu thế tuyệt đối trên không.
Một kênh Telegram khác của Nga tự tin đưa ra tuyên bố về vụ việc trên rằng, một tòa nhà chứa Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 của Ukraine đã bị phá hủy bởi một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Islander-M.
Một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Islander-M.
Trang tin theo dõi tổn thất quân sự Oyrx vẫn chưa ghi nhận bất kỳ tổn thất nào liên quan đến M270, nhưng nhóm này thống kê những vũ khí có thể xác minh bằng trực quan. Vẫn có nhiều trường hợp vũ khí bị phá hủy mà không có hình ảnh rõ ràng, vì vậy không được thống kê.
M270 trên chiến trường Ukraine
Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 đã chứng minh được giá trị trên chiến trường, sau khi phá hủy được nhiều mục tiêu của Nga và chịu ít tổn thất. Hệ thống này được đánh giá cao bởi khả năng cơ động linh hoạt, cho phép kíp chiến đấu khai hỏa, sau đó nhanh chóng di chuyển tới vị trí an toàn để ẩn náu và bổ sung vũ khí.
Một tòa nhà lớn như tòa nhà trong video sẽ là địa điểm lý tưởng, đủ gần mặt trận để đặt các mục tiêu quan trọng của đối phương trong tầm ngắm của M270, nhưng cũng đủ xa để có thời gian né tránh máy bay không người lái FPV và pháo binh.
Hệ thống phóng của M270 được lắp trên khung gầm xe bánh xích có nguồn gốc từ xe chiến đấu Bradley. Tương tự như “người anh em họ” được đặt trên khung gầm xe bánh lốp HIMARS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142), M270 cũng có thể bắn được nhiều loại đạn khác nhau.
Trong đó, tên lửa ATACMS khi được triển khai trên M270 có thể bắn trúng mục tiêu cách xa từ 160 km đến 300 km, tùy thuộc vào từng biến thể. Tên lửa phóng loạt có điều khiển (GMLRS) có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới khoảng 90 km. Ngoài ra, M270 cũng có thể bắn tên lửa không điều khiển tầm ngắn hơn.
Mỗi bệ phóng M270 được thiết kế với hai khoang chứa đạn tiêu chuẩn, cho phép bắn được 12 quả rocket hoặc hai tên lửa ATACMS. Ukraine đã nhận được một số hệ thống này từ các đồng minh NATO như Vương quốc Anh và Na Uy. Chính phủ Đức đã cung cấp năm hệ thống MARS II, một phiên bản khác của M270 được sản xuất tại Đức. Pháp cũng đã cung cấp ít nhất 6 hệ thống MLRS LRU (Lance-Roquette Unitaire), một phiên bản sản xuất tại Pháp của M270.
Hệ thống tên lửa phóng loạt M270.
Việc mất một hệ thống M270 là một đòn giáng mạnh vào khả năng chiến đấu của Ukraine. Rất có thể một số tên lửa GMLRS đã được cất giữ ở trong tòa nhà đó và thậm chí có thể có một số tên lửa ATACMS.
Video trên cũng vô tình cho thấy một vấn đề nghiêm trọng khác mà Ukraine đang gặp phải. Việc một máy bay không người lái của Nga có thể bay lảng vảng trong thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện, đặc biệt là khi nó theo dõi một thiết bị quan trọng như M270, cũng như kho vũ khí quan trọng, cho thấy những thách thức mà lực lượng phòng không Ukraine đang gặp phải. Chiếc máy bay không người lái hoạt động xa tiền tuyến như vậy sẽ cần một rơle hoặc thiết bị trung gian để giữ liên lạc với người điều khiển của nó.
Cho đến nay lực lượng Ukraine vẫn rất may mắn khi có được những hệ thống MLRS này, bởi chúng hoạt động khá hiệu quả. Theo thông tin do Oryx công bố, mới chỉ có một chiếc HIMARS bị phá hủy và hai chiếc HIMARS bị hư hỏng.
Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, dù là thiết bị quân sự có giá trị cao và tinh vi như M270 thì vẫn phải chịu những tổn thất, đặc biệt là trong một cuộc xung đột đối đầu với cường quốc quân sự như Nga. Tuy nhiên, khi xem xét độ hiệu quả của những phương tiện như M270 trên chiến trường, thật ngạc nhiên khi chúng đã gây ra nhiều thiệt hại cho đối phương nhưng chịu ít tổn thất và vẫn tồn tại trong bối cảnh các loại UAV FPV hoạt động ngày càng phức tạp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhiệm kỳ lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump đánh dấu kỷ nguyên mới cho tiền điện tử
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?