Quốc tế

Không quân Mỹ sẽ cắt giảm hàng trăm máy bay chiến đấu

Không quân Mỹ được cho là có kế hoạch cắt giảm một số lượng lớn các máy bay chiến đấu trong những năm tới.

F-15EX: Sai lầm lớn nhất của Không quân Mỹ? / Phóng AGM-183A thất bại là bước lùi của Không quân Mỹ

Theo một tài liệu mà phóng viên tờ Air Force Magazine tiếp cận được mới đây, đến năm 2026, Không quân Mỹ sẽ “cho về vườn” 421 máy bay chiến đấu cũ. Theo đó, 234 máy bay tiêm kích “già cỗi” F-15C và F-15D, 124 máy bay tiêm kích F-16 và 63 máy bay cường kích A-10 sẽ phải “nghỉ hưu” vào năm 2026.

Tài liệu chỉ ra rằng các máy bay chiến đấu cũ đang trở nên “ngày càng đắt đỏ để duy trì” và Không quân Mỹ là một trong những lực lượng đang sở hữu những máy bay chiến đấu “già nhất” trên thế giới. Thời gian phục vụ trung bình của các máy bay chiến đấu trong Không quân Mỹ là 28,6 năm. Trong khi đó, “tuổi thọ” phục vụ trung bình của các máy bay chiến đấu trong Hải quân và Lục quân Mỹ lần lượt là 14,4 năm và 15,3 năm, trong Không quân Australia là 8,9 năm và Không quân Anh là 16,5 năm. Trung tướng David S.Nahom, Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ xác nhận, chi phí vận hành và bảo dưỡng máy bay của lực lượng này “đang tăng chóng mặt”. 44% các máy bay của Không quân Mỹ đang hoạt động “vượt quá tuổi thọ phục vụ dự kiến”.

Các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ tham gia một cuộc tập trận. Ảnh: Bloomberg.

Đáng chú ý là 421 máy bay chiến đấu cũ sẽ được Không quân Mỹ thay thế bằng 304 máy bay chiến đấu mới, gồm 84 máy bay tiêm kích F-15EX và 220 máy bay tiêm kích F-35. Điều này cũng đồng nghĩa trong vòng 5 năm tới, Không quân Mỹ sẽ cắt giảm tới 117 máy bay chiến đấu-mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2010.

Tờ Air Force Magazine cho biết, số tiền tiết kiệm được từ việc vận hành số lượng máy bay chiến đấu ít hơn sẽ được Không quân Mỹ sử dụng để mua các máy bay thuộc Chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) vào cuối thập niên này và các máy bay tiêm kích đa nhiệm mới có tên MR-X vào những năm 2030. Cho đến nay, có rất ít thông tin rò rỉ về Chương trình NGAD cũng như MR-X. Công chúng mới chỉ biết rằng, Chương trình NGAD có thể bao gồm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 có người lái kết hợp với các biến thể không người lái khác. Tài liệu của Không quân Mỹ nhấn mạnh, Chương trình NGAD thể hiện “khả năng chiến đấu và giành chiến thắng của chúng ta trong môi trường cạnh tranh khốc liệt trong tương lai” và phương pháp mới để phát triển Chương trình NGAD “ở một tốc độ mà các mối đe dọa trong tương lai không thể sánh kịp” sẽ cho phép Không quân Mỹ duy trì được ưu thế của mình.

Tương tự Chương trình NGAD, MR-X cũng sẽ “được thiết kế dựa vào việc sử dụng phương pháp kỹ thuật số mới để làm sao giảm đáng kể khung thời gian nghiên cứu, phát triển cũng như các chi phí vận hành, bảo dưỡng”. “Để bắt kịp với các mối đe dọa, trong tương lai sẽ cần thêm 6-7 tỷ USD/năm nhằm hiện đại hóa lực lượng hiện nay của chúng ta”, tài liệu của Không quân Mỹ nêu rõ. Tài liệu nhấn mạnh, không một công nghệ nào có thể biến “máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 thành máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 hay máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 thành máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 thuộc Chương trình NGAD”.

Trong khi đó, trang mạng Defense One dẫn lời Đại tướng Charles Q. Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết, trong những năm tới, lực lượng này có ý định cắt giảm các loại máy bay tiêm kích trong biên chế xuống chỉ còn khoảng 4 loại. “Chúng ta hiện có 7 loại máy bay tiêm kích. Ý định của tôi là giảm xuống còn khoảng 4 loại”, Đại tướng Charles Q. Brown nhấn mạnh. Theo trang mạng Breaking Defense, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ tiết lộ 4 loại nói trên gồm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 thuộc Chương trình NGAD, cùng các máy bay tiêm kích F-35, F-15EX và F-16. Trong số này, các máy bay tiêm kích F-35 sẽ là “xương sống” trong khi “chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng các máy bay tiêm kích F-16 một thời gian nữa” và phương án thay thế F-16 “có thể 6, 7 hoặc 8 năm tới mới cần phải quyết định”.

Giới phân tích đã bày tỏ hoài nghi về kế hoạch cắt giảm các máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ. Theo ông John Venable, một cựu phi công lái máy bay tiêm kích F-16 và hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Heritage Foundation có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), với số lượng máy bay chiến đấu “đã quá ít”, Không quân Mỹ “không thể chịu đựng thêm một động thái tiết kiệm chi phí mà hệ lụy là ít máy bay chiến đấu hơn”. “Các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 từng được dự kiến sẽ thay thế cho các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 F-16. Làm sao Không quân Mỹ có thể biện hộ cho việc làm phi lý là mua thêm các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 F-15EX?”, trang mạng Defense One dẫn lời ông John Venable.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm