Quốc tế

Khủng hoảng ở Biển Đỏ làm chậm trễ, tăng phí vận chuyển

Giới phân tích dự báo nhiều ngành sản xuất tại châu Âu bị gián đoạn chuỗi cung ứng là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ sẽ kéo giá sản phẩm lên cao.

Cước vận tải biển dự báo tăng vọt / Triển vọng ngành hàng không năm 2024: Giá vé máy bay sẽ hạ nhiệt?

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi đang ảnh hưởng đến hàng loạt ngành sản xuất tại châu Âu. Hãng sản xuất xe điện Tesla là hãng đầu tiên thông báo ngừng hoạt động tại nhà máy gần Berlin (Đức) từ 29/1 - 11/2 do thiếu linh kiện; còn Geely, nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 Trung Quốc về doanh số bán, cảnh báo sự chậm trễ trong việc giao hàng.

Tuần tới, Volvo Car cũng sẽ dừng sản xuất 3 ngày tại nhà máy ở Bỉ để chờ nguồn cung linh kiện. Các hãng bán lẻ, như Ikea (Thụy Điển), Next (Anh) đã phát cảnh báo việc giao hàng chậm trễ, thiếu hàng và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng.

Hãng giày dép Crocs cho biết hàng hóa của họ vận chuyển sang châu Âu có thể mất thêm 2 tuần.

Một số nhà sản xuất bắt đầu tính đến phương án dự phòng. Abercrombie & Fitch thậm chí lên kế hoạch vận chuyển bằng đường hàng không để tránh bị chậm trễ.

Giới phân tích châu Âu dự báo nhiều ngành sản xuất tại châu Âu bị gián đoạn chuỗi cung ứng là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng ởBiển Đỏsẽ kéo giá sản phẩm lên cao, đúng thời điểm các nước châu Âu đang trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ảnh hưởng của giao tranh ở Biển Đỏ tới chuỗi cung ứng

Tuyến vận chuyển hàng hóa từ châu Á, vượt Biển Đỏ, qua kênh đào Suez đến châu Âu, hiện đóng góp 10 - 15% thương mại toàn cầu và 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới.

Khủng hoảng ở Biển Đỏ làm chậm trễ, tăng phí vận chuyển - Ảnh 1.

Một tàu hàng đi qua kênh đào Suez, hướng đến Biển Đỏ. (Ảnh: EPA)

70% hàng hóa có giá trị cao gồm: máy móc cơ khí, máy cơ điện, ô tô, thiết bị quang học, máy bay và tàu vũ trụ, trao đổi giữa các nước châu Âu với các nước châu Á được nhập từ Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan với tổng giá trị lên tới 632,7 tỷ USD, thông qua tuyến vận tải Biển Đỏ.

Một tàu buôn đi từ Ấn Độ Dương, qua vịnh Aden để vào Biển Đỏ chỉ cần vượt kênh đào Suez sẽ đến Địa Trung Hải và dễ dàng cập cảng châu Âu với thời gian từ 40 - 60 ngày. Hiện 6/10 hãng vận tải container lớn nhất thế giới đã dừng đi qua Biển Đỏ. Các tàu phải vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến hành trình kéo dài thêm vài tuần.

Hãng vận tải Maersk của Đan Mạch mất thêm 10 ngày cho hành trình từ châu Á đến Bắc Âu, tốn thêm khoảng 1 triệu USD tiền nhiên liệu. Phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu qua Biển Đỏ hiện có giá khoảng 4.000 USD, tăng 248% so với mức ghi nhận ngày 21/11/2023.

Cước vận chuyển từ Việt Nam sang các nước EU hiện cao gấp 3 - 4 lần so với cuối năm ngoái, gần 4.500 USD.

 

Chi phí vận tải tăng kéo giá cả lên cao

Giới phân tích châu Âu cho rằng việc thiết lập lại an ninh tại Biển Đỏ có thể mất nhiều tháng, tình trạng khó khăn hiện tại còn kéo dài ngay cả khi các cuộc tấn công dừng lại ngay hôm nay, cho phép phần lớn tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ, các tác động ban đầu vẫn sẽ tồn tại.

Chi phí vận tải tăng kéo giá cả với người tiêu dùng lên cao. Việc gián đoạn càng kéo dài, hiệu ứng tăng trưởng chậm kèm suy thoái sẽ tác động lên kinh tế toàn cầu càng mạnh.

Nếu lực lượng Houthi chuyển hướng tấn công sang các tàu dầu và tàu chở nguyên liệu thiết yếu như ngũ cốc, quặng sắt, gỗ, hậu quả với kinh tế toàn cầu sẽ càng nghiêm trọng.

Căng thẳng leo thang, nguồn cung năng lượng có thể bị gián đoạn, kéo giá lên cao, gây hiệu ứng lan tỏa sang giá các hàng hóa khác.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm