Vì sao pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV chỉ còn 1 nòng thay vì 2 như tham vọng của Nga?
Tên lửa siêu thanh Fattah-2 do Iran chế tạo chỉ đóng vai trò 'mồi bẫy'? / Pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO diệt cả máy bay lẫn thiết giáp
Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV là một trong những loại vũ khí thế hệ mới của Nga đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế ngay từ khi mới xuất hiện.
Thời gian gần đây khi báo chí Nga liên tục nói về kế hoạch sản xuất và triển khai các đơn vị pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV đầu tiên trong quân đội nước này, việc nhắc lại thực tế là nguyên bản vũ khí trên có kết cấu nòng đôi lại đặt ra nhiều câu hỏi cần trả lời.
Khi các kỹ sư người Nga chế tạo khẩu Koalitsiya-SV vào những năm 2000, họ đã suy nghĩ nghiêm túc rằng đó sẽ là một khẩu pháo tự hành với nòng đôi cỡ 152 mm có thể bắn đồng bộ, từ đó cung cấp "hỏa lực gấp đôi", ấn phẩm The Drive của Mỹ cho biết.
Theo các nhà phân tích, tham vọng của những người tạo ra nguyên mẫu Koalitsiya-SV đó là cấu hình nòng đôi sẽ cung cấp tốc độ bắn lên tới 16 phát/phút, so với 7- 8 phát/phút trên khẩu 2S19 Msta-S.
Ngoài ra theo quan điểm thiết kế, tốc độ bắn cao của nguyên mẫu pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV nòng đôi được kỳ vọng sẽ giúp Quân đội Nga bắt kịp sức mạnh pháo binh của các nước NATO với cỡ nòng 155 mm.
Hiện tại các khẩu pháo tự hành 152 mm của Nga tỏ ra thua kém vũ khí NATO cả về tầm bắn, tốc độ tác xạ lẫn uy lực, vì vậy một khẩu pháo hai nòng như 2S35 Koalitsiya-SV sẽ giúp họ không phải dùng tới khẩu 2S7M Malka cỡ 203 mm cho nhiệm vụ "đấu pháo".
Theo những gì từng xuất hiện trên báo chí Nga thì ít nhất hai nguyên mẫu phiên bản nòng đôi của pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV đã được chế tạo, thậm chí còn vượt qua một số bài kiểm tra đánh giá quan trọng.
Tuy nhiên trong quá trình trên, nhược điểm chính của loại pháo tự hành này đã bộc lộ đó là cấu hình nòng đôi yêu cầu hai bộ nạp đạn tự động riêng biệt, rất khó đồng bộ hóa, khiến bản thân hệ thống pháo binh này cực kỳ đắt tiền và khó bảo trì.
Bên cạnh đó, những người thiết kế Koalitsiya-SV với nòng đôi muốn làm cho nó tự động hóa cao nhất có thể, tức là với tháp pháo không người ngồi trong điều khiển và chỉ có 2 - 3 thành viên kíp chiến đấu, tương tự như RCH-155 của Đức.
Mặc dù vậy trình độ công nghệ của Nga ngay tại thời điểm hiện nay cũng không đáp ứng được yêu cầu nói trên, khiến những người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga đơn giản là không mạo hiểm sử dụng cấu hình này.
Như vậy khoảng sau năm 2010, phiên bản pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV nòng đôi gần như đã biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, sau năm 2015, Moskva bắt đầu trình diễn phiên bản một nòng quen thuộc hơn mà họ dự định đưa vào trang bị.
Đây là bước đi tỏ ra rất chính xác, bởi ngay cả cấu hình một nòng của pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV hiện nay cũng bị cho là chưa thực sự hoàn thiện, nó chỉ bị buộc phải ra trận sớm do yêu cầu quá cấp thiết.
Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV hiện tại sử dụng khung gầm xe tăng T-90A với thiết kế tháp pháo hoàn toàn mới, nó sử dụng pháo 2A82 cỡ 152 mm, đạt tầm bắn tối đa 70 km với đạn tăng tầm và tốc độ bắn 10 phát/phút.
Một trong những tính năng quan trọng nhất của vũ khí trên là có khả năng bắn theo chế độ MSI, tức là bắn nhiều viên đạn với góc ngẩng của nòng và liều phóng khác nhau để đầu đạn rơi xuống mục tiêu gần như cùng lúc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo