Kỳ lạ tên lửa chống hạm có người lái của Nhật Bản
DNVN - Yokosuka MXY-7 Ohka là loại tên lửa chống hạm có người lái được điều khiển bởi các phi công cảm tử Thần Phong của Phát xít Nhật Bản.
Serbia nâng cấp thành công tên lửa Malyutka Việt Nam đang dùng / Nga bắt đầu sản xuất S-500, ngày biên chế đã cận kề
Yokosuka MXY-07 Ohka (Hoa anh đào) thực chất là một chiếc máy bay được quân đội phát xít Nhật sử dụng với mục đích đánh đòn cảm tử, các thủy thủ thuộc Hải quân Mỹ đặt cho nó biệt danh Baka (tiếng Nhật có nghĩa là ngớ ngẩn, ngu ngốc).
Có tất cả 852 chiếc Ohka đã được chế tạo vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó chiếm số lượng đông đảo nhất là 755 chiếc thuộc Model 11, đây cũng là phiên bản duy nhất chính thức đi vào hoạt động.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tên lửa chống hạm/máy bay cảm tử Yokosuka MXY-7 Ohka Model 11 bao gồm: Kíp lái 1 người; chiều dài 6,06 m; sải cánh 5,12 m; đường kính thân 1,16 m; trọng lượng rỗng 440 kg; trọng lượng đầy tải 2.140 kg.
Hệ thống động lực của MXY-7 bao gồm 3 động cơ Type 4 Mark 1 Model 20 nhiên liệu rắn có lực đẩy 2,6 kN cho tốc độ tối đa 804 km/h khi bay và 1.040 km/h khi bổ nhào; tầm bay 36 km; trọng lượng đầu đạn 1.200 kg.
Máy bay cảm tử Yokosuka MXY-07 Ohka trong bảo tàng. Ảnh: Wikipedia.
MXY-7 Ohka thường được mang bên dưới bụng một chiếc máy bay ném bom Mitsubishi G4M Betty Model 24J để tới gần mục tiêu trong tầm bay của nó.
Khi xuất kích, phi công sẽ điều khiển Ohka lượn về phía mục tiêu, đến cự ly đủ gần sẽ kích hoạt từng động cơ một hay đồng loạt cả 3 động cơ và lái quả tên lửa lao vào chiến hạm cần tiêu diệt.
Ngoài Model 11, MXY-7 Ohka còn có một phiên bản huấn luyện mang ký hiệu Model 43 K-1 Kai được sản xuất với số lượng hạn chế.
Trong pha tấn công cuối (khi lao vào mục tiêu), việc ngăn chặn quả tên lửa gần như là nhiệm vụ bất khả thi với hệ thống phòng không chỉ có pháo cao xạ. Ohka được ghi nhận đã đánh chìm 3 tàu chiến của quân đồng minh và đánh hư hỏng nặng 3 chiếc khác.
Yokosuka MXY-07 Ohka được thả đi từ máy bay ném bom Mitsubishi G4M. Ảnh: Wikipedia.
Tuy nhiên có thể thấy thiệt hại mà loại tên lửa chống hạm có người lái này gây ra cho đối phương khá nhỏ bé, nhất là khi so sánh với con số 755 chiếc thuộc Model 11 đã chế tạo.
Nguyên nhân chính là do trục trặc kỹ thuật hoặc máy bay Mitsubishi G4M bị đánh chặn từ xa nên buộc phải thả Ohka quá sớm, ngoài tầm bay của những quả tên lửa có người lái này cũng rất ngắn. Sau chiến tranh, một số chiếc Ohka đã bị quân đồng minh thu giữ trong trạng thái còn nguyên vẹn.
Phong Vũ (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo