Lời thách thức từ phi công điện tử
Không quân Nga dùng vũ khí chính xác tấn công phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ / Thương vụ vũ khí hay 'con bài' lôi kéo?
Kết quả, PCĐT đã đánh bại phi công lái tiêm kích F-16 Viper với tỷ số 5-0. Sau cuộc diễn tập, các chuyên gia và phi công quân sự đã có những nhận xét và giải thích về lý do tại sao PCĐT tỏ ra vượt trội trong không chiến quần vòng, đồng thời có những nhận xét về tiềm năng của AI trong quân sự.
Theo Tạp chí The Drive, PCĐT chiến thắng trong cuộc diễn tập nói trên do một công ty nhỏ có tên Heron Systems phát triển. Sản phẩm của công ty này đã vượt qua vòng loại với thể thức đấu loại trực tiếp sau khi đánh bại PCĐT của nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Đặc biệt, tại vòng đấu cuối cùng, AI đã giành chiến thắng tuyệt đối 5-0 trước con người. Kết quả này cũng đồng nghĩa rằng PCĐT đã điều khiển máy bay chiến đấu “điêu luyện” tới mức khi giao chiến, đối thủ không một lần ngắm bắn trúng.
Hai tiêm kích trong một cuộc diễn tập không chiến quần vòng. Ảnh: DARPA |
Trong bài viết đăng trên Tạp chí The Drive, tác giả Colin Price nhận xét, cuộc diễn tập cho thấy PCĐT không gặp phải những nhược điểm về thể chất và tâm lý như con người. Khi giao chiến, con người phải đồng thời xử lý hàng loạt thông tin về chuyển động của tiêm kích lẫn mục tiêu, tầm bắn, môi trường để căn chỉnh đường ngắm sao cho chuẩn xác. Việc căn chỉnh liên tục này diễn ra trong trạng thái tâm lý căng thẳng và cơ thể phi công phải chịu áp lực lớn từ gia tốc trọng trường. Trong khi đó, PCĐT không biết mệt mỏi hay bị áp lực tâm lý và trong cùng một tình huống, PCĐT chắc chắn sẽ lấy đường ngắm và khai hỏa nhanh hơn con người.
Hiển nhiên, kết quả cuộc diễn tập khiến giới chức quân sự và các nhà phát triển PCĐT tỏ ra lạc quan. Công nghệ này đang nhận được nhiều khoản đầu tư lớn, được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới của không quân trong tương lai. Hiện nay, Mỹ cùng nhiều quốc gia đang tích cực phát triển máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) do PCĐT điều khiển.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hoài nghi về việc PCĐT có thể tác chiến như con người. Bởi, các cuộc diễn tập giữa phi công thật với PCĐT và giữa các PCĐT với nhau đều diễn ra trong phần mềm mô phỏng. Trong khi đó, việc điều khiển ngoài đời thực gặp nhiều trở ngại do muôn vàn tình huống khó lường. Đó là chưa kể trong chiến đấu, một đối thủ có hệ thống phòng không và tác chiến điện tử mạnh sẽ làm hạn chế rất nhiều khả năng vận hành của PCĐT. Để giải đáp mối hoài nghi này, dự kiến vào tháng 7-2021, phi công Mỹ sẽ có cuộc “tái đấu” với PCĐT, lần này sẽ diễn ra ngoài thao trường với phương tiện bay thật.
Có thể khẳng định rằng trong tương lai gần, PCĐT sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong hoạt động huấn luyện bằng mô phỏng. Giao chiến quần vòng với PCĐT trong mô phỏng sẽ giúp học viên hình thành thói quen bay trong tình huống bị áp lực tâm lý, trước khi bước vào diễn tập trên máy bay thật. Thực tế cho thấy, hải quân Mỹ coi không chiến quần vòng là một khoa mục hữu ích để đào tạo phi công.
Tuy nhiên, máy tính hiện đại luôn đi kèm với một vấn đề cố hữu là lỗi phần mềm. Kể từ năm 2018, tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ bắt đầu được tích hợp hệ thống máy tính với tên gọi “Hệ thống thông tin hậu cần tự động” (ALIS) áp dụng AI. ALIS có khả năng tự động sắp xếp thông tin, đánh giá và ra quyết định mà không cần sự can thiệp của phi công. Nhưng thực tế cho thấy, ALIS mắc phải hàng loạt lỗi. Nhiều bản cập nhật được tung ra mà vẫn không thể khắc phục được vấn đề, khiến Lầu Năm Góc dự tính thay thế hoàn toàn hệ thống này, bắt đầu từ cuối năm 2020.
Theo ông Gregory Zacharias, người từng có thời gian giữ vị trí đứng đầu bộ phận khoa học thuộc không quân Mỹ, ngay cả khi công nghệ ngày càng tiến bộ, trí tuệ con người ở nhiều khía cạnh vẫn vượt trội hơn. Mặc dù thua kém về tốc độ xử lý thông tin, bộ não của một phi công giỏi vẫn có thể thích nghi và ứng biến với tình huống tốt hơn AI.
End of content
Không có tin nào tiếp theo