Quốc tế

Malaysia ghi nhận số ca mắc/ngày cao kỷ lục, thủ đô Philippines đối mặt với đỉnh dịch mới

Đến sáng 27/8, thế giới có trên 215,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,48 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

COVID-19 tới 6h sáng 22/8: Mỹ, Anh dẫn đầu ca nhiễm mới; Ấn Độ phê duyệt vaccine công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới / Hàn Quốc - 'Điểm sáng' thực hiện mục tiêu kép trong đại dịch COVID-19

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 39,2 triệu ca mắc và hơn 650.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 87.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số trẻ em Mỹ mắc COVID-19 đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ đợt bùng phát dịch hồi mùa đông năm 2020. Hơn 180.000 trẻ em nhiễm bệnh đã được ghi nhận chỉ trong 1 tuần qua, tương đương với cả đợt bùng phát vào mùa Đông năm 2020. Con số này cũng tăng gấp 4 lần so với mức 38.000/ tuần vào hồi tháng 7. Tính đến nay, Mỹ đã có gần 4,6 triệu trẻ em mắc COVID-19. Tuy nhiên báo cáo cho thấy dường như số ca mắc có triệu chứng nặng không phổ biến ở trẻ em.

Lầu Năm Góc thông báo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành một bản ghi nhớ yêu cầu tất cả nhân viên bộ này phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ lập tức khởi động tiêm vaccine cho tất cả thành viên thuộc các lực lượng vũ trang dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng đang làm nhiệm vụ, hoặc thuộc Lực lượng dự bị, bao gồm cả Vệ binh Quốc gia, những người chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine. Công tác tiêm chủng sẽ chỉ sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ.

Hãng hàng không Delta Air Lines của Mỹ sẽ buộc những nhân viên chưa tiêm phòng COVID-19 phải trả khoản phụ phí 200 USD/tháng. Ngoài ra, các nhân viên này phải tiến hành xét nghiệm hàng tuần và đeo khẩu trang khi làm việc ở tất cả các môi trường kín. Delta Air Lines cho biết, 75% số nhân viên của hãng đã được tiêm chủng, đồng thời nhấn mạnh, các quy định mới nói trên là nhằm đưa tỷ lệ nhân viên tiêm chủng "gần mức 100% nhất có thể".

Với tình hình dịch bùng phát trở lại do biến thể Delta và tỷ lệ trẻ nhỏ nhiễm COVID ngày càng tăng, một số thành phố tại Mỹ, trong đó có New York, đang siết chặt các quy định về vaccine đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên giáo dục trước thềm năm học mới. Tại New York, quy định mới yêu cầu tất cả giáo viên, nhân viên giáo dục phải tiêm vaccine phòng COVID-19 ít nhất 1 liều vào năm học tới.

Dự kiến, các trường học ở New York năm nay sẽ khai giảng muộn hơn, vào ngày 13/9, còn hạn chót các giáo viên phải tiêm vaccine là 2 tuần sau đó. Thành phố này có gần 150.000 nhân viên giáo dục, 63% trong số này đã tiêm vaccine. Trước khi có quy định mới, các nhân viên giáo dục chưa tiêm vaccine phải tham gia xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên hàng tuần, có kết quả âm tính mới được phép đi làm. Đối với học sinh, các trường học vẫn sẽ duy trì yêu cầu đeo khẩu trang, khai báo y tế, đo nhiệt độ ngẫu nhiên trước khi vào lớp.

Ngoài New York, quy định mới về vaccine đối với nhân viên giáo dục cũng bắt đầu được một số bang hay thành phố ở Mỹ triển khai như Chicago, New Jersey sau khi tỷ lệ trẻ em mắc COVID chiếm 18% số ca mới tại Mỹ trong tuần trước. Số trẻ nhập viện vì COVID-19 cũng đang tăng kể từ giữa tháng 7.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/8, nước này ghi nhận hơn 44.500 ca mắc mới COVID-19 và 493 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 436.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Bộ Y tế Ấn Độ thông báo, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 bình phục ở nước này đã tăng lên tới 97,63%. Hiện có tổng cộng trên 31,8 triệu bệnh nhân đã khỏi bệnh. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, việc các ca bệnh phục hồi liên tục tăng đã góp phần làm giảm số ca tử vong. Trong 24 giờ qua, đã có thêm 32.926 bệnh nhân bình phục. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện đang được điều trị ở nước này là 351.464 bệnh nhân, trong đó số ca phải điều trị tích cực chỉ chiếm 1,02%.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 576.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Malaysia ghi nhận số ca mắc/ngày cao kỷ lục, thủ đô Philippines đối mặt với đỉnh dịch mới - Ảnh 1.

Mỹ hiện ghi nhận trên triệu ca mắc COVID-19, cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Ủy ban châu Âu ngày 26/8 cảnh báo, các nước thành viên EU có thể phải đối mặt với các rủi ro pháp lý khi quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi tiêm thứ 3). Lý do là mũi vaccine này chưa được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị. Cơ quan này cũng nhiều lần nêu rõ, cần có thêm các dữ liệu trước khi phê chuẩn việc tiêm mũi vaccine tăng cường. Dù vậy, hiện đã có 8 nước châu Âu đưa ra quyết định tiêm mũi vaccine thứ 3, nhiều nước khác dự kiến sẽ đưa ra các quyết định tương tự.

Ngày 26/8, Lực lượng đặc trách phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 820 tử vong vì virus SARS-CoV-2. Đây là số ca tử vong cao chưa từng có tại Nga trong bối cảnh gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, trong khi tốc độ tiêm chủng ở nước này đang chững lại. Tính đến nay, tổng số ca tử vong ở Nga đã lên tới 179.243 trường hợp, cao nhất châu Âu.

Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 19.630 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên trên 6,8 triệu người. Tuy vậy, trong một tín hiệu tích cực, với thêm 19.661 bệnh nhân bình phục, hiện đã có tổng cộng 6.092.818 người khỏi bệnh.

Xét theo tổng số ca mắc COVID-19, Nga đang là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng thứ 4 trên thế giới kể từ khi nước này trải qua làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta gây ra vào giữa tháng 6 năm nay.

Số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở Australia trong ngày 26/8 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh ở thành phố Sydney. Theo đó, New South Wales, bang đông dân nhất Australia với thủ phủ là Sydney, ghi nhận 1.029 ca mắc mới trong ngày qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch.

 

Trước đó, chính quyền bang New South Wales đã gia hạn lệnh ở nhà đến ngày 10/9 do lo ngại biến thể Delta lây lan. Ổ dịch bùng phát ở thành phố Sydney hồi giữa tháng 6 vừa qua đã khiến hơn 15.000 người bị lây nhiễm.

Bang New South Wales của Australia sẽ áp dụng nới lỏng hạn chế cho người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ từ ngày 13/9 tới đây. Các gia đình tại các khu vực có nguy cơ cao nhất tại Sydney vẫn được phép rời khỏi nhà trong 1 giờ nếu có người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tại các khu vực khác, những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được tụ tập không quá 5 người. Hiện bang New South Wales đã tiêm cho hơn 6 triệu người trong tổng số hơn 8,2 triệu dân.

Dù siết chặt phòng dịch từ tháng 6, số ca nhiễm tại Australia vẫn tăng trong những ngày qua. Ngày 26/8, nước này ghi nhận hơn 1.400 ca mắc mới COVID-19.

Viện Y tế quốc gia Bỉ (Sciensano) cho biết, số ca tử vong trung bình do virus SARS-Cov-2 đang tăng mạnh. Cụ thể, từ ngày 16 - 22/8, nước này ghi nhận trung bình 5,7 ca tử vong/ngày vì COVID-19, tăng 74% so với tuần trước, nâng tổng số người chết kể từ đầu đại dịch ở Bỉ lên 25.348 người. Từ đầu đại dịch tới nay, Bỉ có tổng cộng trên 1,17 triệu ca nhiễm, trong đó 25.348 người tử vong.

Ngày 26/8, Bộ Y tế Malaysia cho biết, việc tiêm mũi vaccine thứ 3 (mũi tăng cường) cho những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19 không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta nếu toàn bộ người dân chưa tiêm chủng đầy đủ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận Malaysia đang quan tâm tới vấn đề khi nào triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng.

 

Ngày 26/8, Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc. Cụ thể, theo Bộ Y tế Malaysia, Bộ này đã báo cáo 24.599 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, đưa tổng số ca mắc tới nay ở Malaysia là trên 1,64 triệu trường hợp.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, tỷ lệ sử dụng giường (BOR) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc hiện chỉ còn 29%. Phát biểu tại cuộc gặp trực tuyến với 100 nhà kinh tế Indonesia, Tổng thống Jokowi cho hay, tỷ lệ BOR quốc gia ở mức 68% vào cuối tháng 12/2020, sau đó giảm xuống còn 29% vào giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, vào giữa tháng 7 vừa qua, các ca mắc COVID-19 tăng vọt do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan. Ngày 18/7, tỷ lệ BOR quốc gia đã lên tới 80%, thậm chí 100% tại một số khu vực.

Tại Philippines, Bộ Y tế đã ghi nhận 16.313 ca mắc mới trong ngày 26/8, nâng tổng số người nhiễm lên 1.899.200 trường hợp. Bộ trên cũng thông báo 236 ca tử vong, nâng tổng số lên 32.728 bệnh nhân.

Vụ trưởng Vụ Dịch tễ thuộc bộ trên, bà Alethea De Guzman, cho biết, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Philippines đang tiếp tục tăng. Riêng tại vùng đô thị Manila, số ca nhiễm mới tăng 16% so với tuần trước. Bà xếp vùng đô thị Manila, gồm thủ đô và 16 thành phố với hơn 13 triệu dân, vào khu vực nguy cơ cao. Quan chức này cảnh báo, Manila "sẽ có thể chứng kiến đỉnh dịch mới trong vài ngày hoặc trong tuần tới".

Theo bà Alethea De Guzman, biến thể Delta đã được phát hiện tại 16/17 khu vực. Các biến thể Alpha và Beta cũng xuất hiện tại 7 nơi trên cả nước. Bà cho biết thêm, tuần đầu tháng 8, số ca nhiễm tăng cao bất thường tại Manila.

 

Thái Lan đã ghi nhận 18.501 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 26/8. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 20.000 ca. Nước này đang cân nhắc nới lỏng một số biện pháp phòng dịch tại thủ đô Bangkok và một số tỉnh.

Theo Trung tâm Ứng phó với dịch COVID-19 (CCSA), tổng số ca nhiễm trên cả nước hiện là 1,12 triệu người, trong đó có 10.314 trường hợp tử vong. Phát biểu với báo giới, Trợ lý phát ngôn viên của CCSA Apisamai Srirangsan cho biết, số ca nhiễm mới giảm dần trong khi số ca phục hồi cao hơn số ca nhiễm mới mỗi ngày là cơ sở để Chính phủ cân nhắc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa.

Báo Khmer Times ngày 26/8 dẫn lời Bộ Y tế Campuchia cho biết, lý do khiến thống kê chính thức về số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở nước này thường thấp hơn dự kiến và không tương ứng với số liệu của các tỉnh cộng lại là vì thống kê trên đã không tính đến số ca mắc mới tại các tỉnh sau 18h hôm trước. Bộ Y tế Campuchia đã nhận ra sai số này và đang tìm cách để đưa ra con số thống kê hàng ngày phù hợp hơn.

Ngày 26/8, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 6 ca tử vong và 423 trường hợp mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 111 người nhập cảnh và 312 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 90.958 ca mắc COVID-19, trong đó 86.993 người đã khỏi bệnh và 1.841 người tử vong.

Trong bối cảnh các ca lây nhiễm cộng đồng tăng trở lại những ngày gần đây, các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ đã được thông báo áp dụng trở lại tại một số tỉnh của Lào. Theo đó, chính quyền tỉnh Luang Namtha vừa có công văn gửi tỉnh Bokeo về việc tạm dừng hoạt động giao thông giữa hai tỉnh này có thời hạn ít nhất cho đến ngày 8/9 tới. Quyết định được đưa ra ngay khi lịch trình di chuyển của ca lây nhiễm cộng đồng được ghi nhận ở tỉnh Bokeo có đến tỉnh Luang Namtha và tiếp xúc với nhiều người, khiến nhà chức trách phải dồn lực truy vết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Malaysia ghi nhận số ca mắc/ngày cao kỷ lục, thủ đô Philippines đối mặt với đỉnh dịch mới - Ảnh 2.

Malaysia báo cáo 24.599 ca mắc mới vào ngày 26/8, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. (Ảnh: AP)

Ngay sau khi ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Luang Prabang ra thông báo không cho phép tổ chức hội họp dưới mọi hình thức trên toàn tỉnh. Một số bản của thành phố Luang Prabang cũng bị phong tỏa kể từ ngày 25/8, cấm người dân ra vào những khu vực đỏ mà không được phép, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng dồn toàn lực lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc những trường hợp có liên quan.

Bộ Y tế Lào ngày 26/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 195 ca mắc mới COVID-19 và 1 người tử vong. Trong số các ca nhiễm mới có 149 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 46 trường hợp lây nhiễm trong nước. Các ca lây nhiễm trọng cộng đồng tiếp tục được ghi nhận rải rác ở nhiều tỉnh của Lào.

Các chuyên gia y tế của Nhật Bản cảnh báo, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thủ đô Tokyo đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát và nguy cơ khủng hoảng về y tế là hiện hữu nếu không được ngăn chặn hiệu quả.

Tại Hội nghị về giám sát của thủ đô Tokyo (Nhật Bản) diễn ra ngày 26/8, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực y tế đều chung quan điểm rằng, dịch COVID-19 tại thủ đô của Nhật Bản trong vài tuần qua dường như đã rơi vào trạng thái mất kiểm soát và sự lây lan dịch bệnh đang tương đương ở mức thảm họa thiên tai. Nếu không ngăn chặn hiệu quả, hệ thống y tế của Tokyo có thể phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí trường hợp bất lực không thể cứu được người dân sẽ gia tăng nhanh chóng.

 

Trong ngày 26/8, thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao với 4.704 người, số ca bệnh nặng là 276 bệnh nhân, chỉ giảm 1 trường hợp so với ngày 25/8. Bên cạnh đó, 15 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 có liên quan đến Paralympic Tokyo 2020 cũng được ghi nhận trong ngày, nâng tổng số người mắc COVID-19 có liên quan đến sự kiện thể thao này từ ngày 12/8 đến nay là 184. Ban Tổ chức Paralympic cũng xác nhận trường hợp đầu tiên trong số này phải nhập viện điều trị là người nước ngoài, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Ngày 26/8, Trung Quốc đã mở lại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này, sau khi phải đóng cửa gần 1 tháng. Do dịch COVID-19, nhà chức trách địa phương đã hủy toàn bộ chuyến bay tại sân bay này từ cuối tháng 7 vừa qua. Trung Quốc bắt đầu phát hiện các nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại sân bay này nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 20/7 khi xét nghiệm định kỳ. Tuy nhiên, đến ngày 19/8, Nam Kinh đã dỡ bỏ toàn bộ các khu vực được xếp loại có nguy cơ trung bình và cao đối với COVID-19.

Cùng ngày, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo, kể từ ngày 30/8, những người giúp việc tới từ Indonesia và Philippines đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được nhập cảnh vào hòn đảo này. Theo người phát ngôn chính quyền Hong Kong (Trung Quốc), những người giúp việc đến từ Indonesia và Philippines sẽ được vào Hong Kong nếu có hồ sơ tiêm vacine được các cơ quan liên quan xác nhận. Quan chức trên cho biết, Hong Kong đã ký các thỏa thuận công nhận hồ sơ tiêm vaccine ngừa COVID-19 song phương với Indonesia và Philippines. Chính sách này nhằm làm giảm tình trạng thiếu hụt người giúp việc ở Hong Kong(Trung Quốc) trong bối cảnh các hạn chế đi lại do dịch COVID-19 đã khiến nhiều người không thể trở về gia đình họ từng làm trước đây.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm