Quốc tế

Mìn biển - vũ khí bất đối xứng mà Australia cần phải sở hữu?

Khi những tranh cãi xung quanh quyết định về tàu ngầm của Canberra và thông báo của AUKUS đã dịu bớt, giới chuyên gia và truyền thông đề cập đến vai trò của mìn biển đối với Hải quân Hoàng gia Australia.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung "nóng" ngay khi chưa bắt đầu / Máy bay chở khách tích hợp tên lửa hành trình - ứng viên thay thế B-52H

“Hướng Mỹ”

Tác giả Greg Sheridan của tờ The Australian khá đúng khi viết khá nhiều về việc Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) cần phải sở hữu một loạt các loại vũ khí không đối xứng nhằm tăng khả năng tự lực cũng như khả năng sát thương. Hai tuần trước, Bộ Quốc phòng Australiađã đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin từ ngành công nghiệp liên quan đến việc mua sắm các loại mìn biển hiện đại trong tương lai gần. Dự án SEA 2000 - Mìn biển, đang được triển khai và gấp rút xúc tiến.

Mìn biển được cho là loại vũ khí có uy lực lớn, lợi hại và linh hoạt trong sử dụng; Nguồn: aspistrategist.org.au.
Mìn biển được cho là loại vũ khí có uy lực lớn, lợi hại và linh hoạt trong sử dụng; Nguồn: aspistrategist.org.au.

Không có vấn đề gì khi Australia chủ trương dựa vào Mỹ trong chiến lược phòng thủ tổng thể của mình. Tuy nhiên, việc cho tất cả trứng vào một giỏ sẽ nảy sinh vấn đề, nếu mọi thứ trở nên tồi tệ và khi đối tác của Australia quá bận rộn. Vì vậy, để nâng cao khả năng tác chiến phi đối xứng, Australia phải tái hoạch định chính sách của mình. Và như Sheridan đã chỉ ra, những mảng hợp tác nói trên rất dễ bị tổn thương do một loạt các điểm yếu về khả năng cung ứng, hỗ trợ và khả năng sống sót (nếu mọi thứ đều được chế tạo tại một nơi khác).

Trong 70 năm qua, khi Australia đứng dưới cái ô của Hiệp ước ANZUS, cơ cấu lực lượng của ADF ngày càng trở nên “hướng Mỹ”. Khi tách mình ra khỏi ảnh hưởng của Anh, vốn vẫn mang dấu ấn đậm trong Thế chiến II, nhiều thế hệ lãnh đạo ADF đã đẩy mạnh việc bắt tay với các lực lượng Mỹ. Hải quân Australia tham gia đầy đủ vào nhóm tác chiến (nhóm sẵn sàng đổ bộ) của Mỹ, trong không quân đã xuất hiện của một loạt các loại máy bay, và lục quân ở một mức độ thấp hơn với pháo binh và xe tăng do Mỹ sản xuất.

Mìn biển là vũ khí bất đối xứng mà Australia cần phải có

Mìn hải quân là một thiết bị nổ tự chế được đặt trong nước để gây sát thương hoặc phá hủy tàu nổi hoặc tàu ngầm. Dự án SEA 2000 đặt mục tiêu trang bị các loại mìn biển sử dụng từ tàu ngầm, tàu nổi và từ trên không. Việc tranh cãi diễn ra trong một thời gian dài, sau khi nỗ lực mua sắm mìn đã bị gác lại vào đầu những năm 1990. Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) không đặc biệt quan tâm đến các loại mìn biển. Mìn biển không được đánh giá hoành tráng như "hải quân lớn, nước xanh" - có được một tàu khu trục mới.

Những gì liên quan đến mìn - việc bố trí mìn hoặc các thiết bị phòng chống mìn vốn là một điểm yếu trong nhiều năm đối với cả RAN và Hải quân Mỹ. Tuy vậy, mìn biển chính xác là vũ khí bất đối xứng mà Australia cần phải có. Bãi mìn buộc đối phương vào thế ba lựa chọn: thực hiện một nỗ lực quét mìn tốn kém và tốn thời gian, chấp nhận thương vong khi thử thách bãi mìn, hoặc sử dụng vùng nước không có mìn - nơi có mật độ hỏa lực tập trung cao nhất.

 

Là một quốc gia hàng hải, các phương thức tiếp cận trên biển của Australia rất đa dạng. Nhiều loại mìn có khả năng đặc biệt và sự hiện diện các bãi mìn hoặc được thiết lập để bảo vệ các tuyến đường biển của Australia hoặc để làm gián đoạn hoạt động của kẻ thù chống lại nước này là một khả năng phi đối xứng mà giới quân sự nước này cần phải tính đến.

Một số nhân vật thuộc lực lượng hải quân có thể cho rằng, tất cả những gì Australia cần làm là có được một số ít mìn và tuyên truyền rằng Australia có chúng, để kẻ thù tiềm năng của Australia phải chùn bước. Quan niệm như vậy là sai lầm. Australia cần có một kho mìn thủy phong phú và luyện tập cách bố trí thành thạo chúng từ các nền tảng trên không, trên mặt đất và dưới biển, cũng như chứng tỏ cho giới quan sát thấy năng lực thực sự của Australia trong việc sở hữu những loại vũ khí có uy lực lớn, đầy lợi hại nhưng linh hoạt này. Nếu làm khác và khả năng mìn biển của Australia yếu, Australia sẽ chỉ là một con hổ giấy.

ADF sẽ cần sự kết hợp của các loại mìn cũng như các loại thủy lôi tiên tiến hơn được trang bị trên tàu mặt nước (tàu tuần tra xa bờ…), máy bay (P-8, các trực thăng hạng nặng) và tàu ngầm. Các loại mìn hiện đại có chứa chất nổ mạnh được kích nổ bằng ngòi nổ điện tử hiệu quả hơn nhiều so với các loại mìn chứa thuốc súng thời kỳ đầu yêu cầu kích nổ bằng phương pháp vật lý. Công nghệ mới hơn liên quan đến việc sử dụng các phương tiện tự hành dưới nước đã được cải tiến cũng cho phép ADF thu được các loại mìn di động thông minh có thể phóng từ tàu ngầm và tự động điều hướng đến các tuyến đường thủy và bến cảng của đối phương.

Nếu có một giải pháp có thể chắc chắn ngăn chặn các tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương tiếp cận bến cảng hoặc sử dụng các tuyến đường biển của Australia, đó là tạo ra các bãi mìn. Ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất, mìn vẫn cung cấp sự linh hoạt trong việc tạo ra một biện pháp răn đe đủ mạnh mà không gây ra một cuộc đối đầu toàn diện.

Như một trong nhiều ví dụ, các bãi mìn có thể được bố trí ở vùng biển nhà không cho kẻ thù bén mảng đến. Các bãi mìn bảo vệ hiện đại có thể được điều khiển từ xa (tắt và kích hoạt theo lệnh) để các tàu chiến đồng minh, thân thiện, cả thương mại và hải quân đi qua an toàn. Tất nhiên, trong thời gian xung đột, chúng có thể được bố trí ở bất cứ đâu, với nhiều lựa chọn chiến lược và chiến thuật khác nhau. Tác động tâm lý lên đối thủ một khi mìn thủy “xung trận” là rất lớn.

 

Cũng giống như cách mà ngành công nghiệp đã đáp lại lời kêu gọi về các sáng kiến ​​tên lửa tiên tiến (được chính phủ khuyến khích), lời hiệu triệu đó cũng cần được đưa ra để ngành công nghiệp tham gia vào việc phát triển và cung cấp các hệ thống mìn biển và các thiết bị, phương tiện hỗ trợ. Quan trọng là cần có sự thay đổi mang tính cách mạng trong cách tư duy từ chính RAN.

Hiện tại việc sử dụng mìn còn hạn chế và chiến thuật mìn nói chung còn sơ sài. Ngay cả các sĩ quan chuyên môn về chiến tranh bom mìn cũng ít được tiếp xúc với các chiến thuật và kỹ năng liên quan. Chỉ đạo từ cấp cao nhất là cần thiết để đảm bảo rằng mìn biển và vai trò của chúng trong cả phòng thủ và tấn công đều được tính đến; các cấp chỉ huy phải được đào tạo bài bản về chiến tranh, chiếc lược và chiến thuật sử dụng loại vũ khí lợi hại này.

Nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu phát triển và sản xuất, mua sắm mìn, ngành công nghiệp phải được khuyến khích tham gia, và hải quân phải đẩy mạnh và xây dựng một cách tiếp cận đúng đắn... giúp ADF sớm sở hữu loại vũ khí và chiến thuật bất đối xứng này. Khả năng triển khai và ứng dụng mìn thủy sẽ bổ sung đáng kể vào khả năng phòng thủ của Australia dưới cả góc độ răn đe và sát thương, trong trường hợp xảy ra chiến sự.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm