Quốc tế

Mối quan hệ Nga – Trung - Ấn: Ba cạnh của một tam giác sắt

Trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29/6/2019 có diễn ra cuộc gặp giữa 3 vị nguyên thủ đến từ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc đến giải cứu Venezuela bất chấp lệnh phong tỏa từ Mỹ / Mỹ cấm bay đồng loạt hơn 123 “ngựa thồ” C-130 vì lỗi nứt cánh

Đây là cuộc gặp thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh dịch chuyển các mối quan hệ toàn cầu hiện nay.

3 đối thủ lớn của một siêu cường

Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều là những quốc gia khổng lồ. Về diện tích, nước Nga chiếm 1/9 lãnh thổ toàn cầu, thừa hưởng nguồn lực to lớn về khoa học kỹ thuật và uy tín quốc tế từ thời Liên Xô để lại, dù chưa lấy lại vị thế siêu cường dẫn dắt thế giới như Liên Xô trước đây nhưng vẫn luôn là một cường quốc với tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu.

Ấn Độ và Trung Quốc tuy mới chỉ vươn lên trong hơn 20 năm qua nhưng với dân số khổng lồ và đà phát triển kinh tế mạnh mẽ đều đang gia tăng ảnh hưởng của mình ra khỏi phạm vi khu vực và vươn tầm thế giới.

Điểm đặc biệt ở 3 quốc gia này là họ đều nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Mỹ, siêu cường lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.

Nếu 20 năm trước, Trung Quốc chỉ là công xưởng của các công ty Mỹ còn Ấn Độ chỉ được biết đến như nơi cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các tập đoàn Mỹ thì nay họ đã trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với vị thế siêu cường kinh tế của Mỹ. Chính vì thế Mỹ đã phải quay lại, cố gắng kìm hãm hai cường quốc mới nổi này nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2016, với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, ông đã đưa nước Mỹ đi “gây sự” với tất cả những quốc gia nào được cho là đối thủ tiềm tàng.

Cuộc chiến thương mại khổng lồ Mỹ - Trung đã trở thành vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Dù không nghiêm trọng bằng, những tranh chấp thương mại nảy sinh trong thời gian gần đây giữa Mỹ và Ấn Độ cũng đã khiến cho mối quan hệ này rời xa khỏi hai chữ “thân thiện”.

Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề G20.

Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề G20.

Trong khi đó, Nga cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng do những áp đặt trừng phạt của Mỹ và đồng minh, sau sự kiện sáp nhập Crimea. Chỉ tính riêng trong nhóm các nước G20, đây chắc chắn là 3 quốc gia có mối quan hệ khó khăn nhất với Mỹ thời gian gần đây.

Thực ra, một khuôn khổ hợp tác giữa 3 quốc gia khổng lồ ở gần nhau này từ lâu đã được tính đến và khởi động lần đầu từ 13 năm trước, tuy nhiên sau đó bị gián đoạn.

Cho đến năm ngoái, bên lề hội nghị cấp cao của G20 ở Argentina, cơ chế này được vận hành trở lại, dù vẫn không chính thức. Lần này ở Osaka là lần thứ ba chỉ trong một năm, 3 “ông lớn” gặp nhau sau khi vừa có cuộc gặp chung giữa họ trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi đầu tháng.

Vị trí của nước Nga

Dù không phải là siêu cường kinh tế nhưng tiềm lực toàn diện của nước Nga vẫn đảm bảo họ là đối thủ chính của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện thời, những bất đồng với Mỹ chủ yếu đến từ thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, tất cả đều thấy rằng trong tương lai những vấn đề sẽ càng lớn hơn. Họ đều cần có một đối tác đủ mạnh mẽ và có thể tin tưởng được làm chỗ dựa cho mình.

 

Ấn Độ có quan hệ truyền thống rất tốt đẹp với Nga. Ngoài việc là đối tác quốc phòng lớn nhất của nhau thì việc Nga luôn sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ trong các vấn đề tranh chấp với Pakistan trước thái độ hai mặt của Mỹ khiến cho Ấn Độ hoàn toàn dành sự tin tưởng với Nga trong mối quan hệ này. Sự hợp tác kinh tế trước đây là chưa lớn nhưng khi có lòng tin, mọi việc sẽ rất dễ dàng.

Mối quan hệ Nga và Trung Quốc dĩ nhiên còn ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, với tư cách là hai đối thủ lớn nhất của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu hiện nay, việc họ xích lại gần nhau không có gì là lạ. Trung Quốc đã đứng sau Nga trong nhiều điểm nóng toàn cầu những năm gần đây, từ Iran, Iraq tới Syria và cả Venezuela hiện tại.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc nhằm giúp Nga giải quyết các vấn đề kinh tế sau lệnh cấm của Mỹ và EU đã gắn kết hai quốc gia này lại với nhau. Sự vươn lên của Trung Quốc, có thể nói, đã tiếp thêm cho Nga một đồng minh vô cùng quý giá trong nhiều vấn đề quốc tế, đủ để đương đầu với Mỹ.

Nếu Mỹ có EU, Nhật và các đối tác truyền thống khác thì nay Nga và Trung Quốc cũng đã tạo thành một đối cực đáng chú ý mà Mỹ luôn cần cân nhắc. Song, liên minh quyền lực ấy vẫn luôn chờ đợi sẽ có thêm người đứng cùng phía với mình.

Và lần này là Ấn Độ

 

Cho đến gần đây, Ấn Độ vẫn xem xét khuôn khổ ba bên này một cách thận trọng, bởi những khúc mắc nhất định với Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thời Tổng thống Trump khiến chính quyền New Delhi dường như rất muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Thậm chí, quyết tâm này còn nhiều hơn kể từ khi Washington tiến hành một cuộc chiến thương mại nhỏ chống lại Ấn Độ.

Trong năm qua, mối quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ đã diễn ra vô cùng khó khăn. Tháng 3 năm ngoái, Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nhôm và thép từ Ấn Độ. Tháng trước, Mỹ tuyên bố rút lại tình trạng thương mại ưu đãi mà nước này dành cho Ấn Độ.

Theo chương trình này, các khoản thuế được miễn cho việc nhập khẩu sản phẩm từ Ấn Độ. Thời điểm của quyết định này lại diễn ra cùng ngày với việc chính phủ của Thủ tướng Modi tuyên thệ nhậm chức. Điều đó có thể xem như một gáo nước lạnh dội thẳng vào những nỗ lực phát triển kinh tế của vị thủ tướng có đường lối dân tộc mạnh mẽ này. Ngay sau đó, Ấn Độ đã công bố mức thuế trả đũa đối với 29 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20.

Từ lâu, chính quyền Tổng thống Trump đã luôn sử dụng các biện pháp liên quan đến thương mại như một ngón đòn để áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác. Ấn Độ, với thái độ cương quyết của mình khi đối đầu với Pakistan, đã khiến cho Mỹ không hài lòng.

 

Chính vì thế, Trung Quốc và Ấn Độ quyết định xích lại gần nhau và cuộc họp ở Osaka được chính Thủ tướng Ấn Độ khởi xướng trong hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Kyrgyzstan cách đây 2 tuần.

Sự thay đổi của Mỹ, với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, đang thúc đẩy các quốc gia mới nổi phải đoàn kết để cùng nhau vượt qua cơn bão. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài dai dẳng. Từ giờ trở đi, các cuộc họp như ở Osaka sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.

Một cơ chế hợp tác mới giữa 3 cường quốc lớn sẽ mở ra trật tự quan hệ mới, đủ sức đương đầu với những áp lực từ phía Mỹ và những đồng minh của họ. Nói như Tổng thống Nga sau khi kết thúc cuộc gặp giữa 3 vị nguyên thủ vào ngày 28/6 vừa rồi: “Nga, Ấn Độ, Trung Quốc cùng nỗ lực tăng cường ổn định chiến lược”.

Một “tam giác sắt” dường như đã được định hình, trên lằn ranh địa chính trị toàn cầu.

Theo Tử Uyên/An ninh Thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm