Mỹ chi 17,7 tỷ USD đóng 2 tàu ngầm hạt nhân
Lựa chọn bất ngờ mới của Nhà Trắng về con đường vũ khí hạt nhân với Nga? / Nga thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân chiến lược, chuẩn bị đưa vào biên chế
Nếu đề xuất được thông qua, Hải quân Mỹ sẽ xúc tiến đàm phán với General Dynamics về việc đóng mới 2 tàu ngầm lớp Columbia mang số hiệu SSBN 826 và SSBN 827. Việc đặt ky đóng mới các tàu ngầm hạt nhân lớp Colombia mới có thể tiến hành ngay trong tháng 10/2020.
Để sẵn sàng cho việc khởi công đóng mới tàu ngầm lớp Columbia, Hải quân Mỹ cần nguồn ngân sách 8,2 tỷ USD ngay trong năm 2020 vì nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, nguồn tài chính dành cho tàu ngầm lớp Colombia bắt đầu được phân bổ từ năm tài khóa 2021.
Thiết kế tàu ngầm Columbia. |
Dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng đề xuất mua sắm tàu ngầm hạt nhân Columbia đang nhận được sự ủng hộ của Tiểu ban Trang bị quốc phòng thuộc Thượng viện Mỹ. Đề xuất mua sắm quân sự cả gói thay vì phân bổ hằng năm được cho là cách làm tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ, David Norquist cho biết, Hải quân Mỹ đang được ưu tiên nâng cao cả về chất lượng và số lượng tàu chiến trong bối cảnh quân đội Mỹ đang phải thắt lưng, buộc bụng.
Một khi đề xuất chi 17,7 tỷ USD đóng cặp tàu lớp Columbia đầu tiên được thông qua, đây sẽ là loại tàu ngầm đắt đỏ bậc nhất trong không chỉ lịch sử Hải quân Mỹ mà với cả lịch sử Hải quân thế giới.
Theo Navy Recognition, Mỹ sẽ đóng 12 tàu loại này, chiếc đầu tiên sẽ được biên chế vào năm 2031. Tàu ngầm Columbia có tổng chiều dài 171 m, sử dụng một loạt tổ hợp động lực hiện đại, bao gồm lò phản ứng hạt nhân, động cơ điện và hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet).
Hệ thống hỏa lực chính của lớp tàu này sẽ là 16 ống phóng tên lửa đạn đạo Trident IID5 – loại tên lửa có thể mang nhiều loại đầu đạn, trong đó có đầu đạn hạt nhân. Với trang bị này, Hải quân Mỹ tin rằng tàu lớp Columbia sẽ là mẫu tàu ngầm phát ra tiếng ồn thấp nhất và khó phát hiện nhất thế giới.
Dù được Mỹ đánh giá rất cao nhưng công nghệ Mỹ dùng cho tàu ngầm Columbia - đặc biệt là hệ thống đẩy pump-jet không hẳn sẽ hoạt động tốt như tuyên bố mà ngược lại, đây có thể là nhược điểm lớn nhất của lớp tàu ngầm thế hệ mới của Mỹ.
Giới chuyên gia cho biết, trong hàng hải, pump-jet được đánh rất cao vì nó đem lại tốc độ cao, tạo ít tiếng ồn – nhờ đó tăng khả năng tàng hình đối với phương tiện tàu bè quân sự trước hệ thống định vị thủy âm (sonar). Sơ đồ bố trí cơ học của hệ thống đẩy pump-jet có thể gồm một chân vịt đặt trong một ống phun hoặc một máy bay ly tâm và một ống phun.
Pump-jet hoạt động theo nguyên tắc có thể mô tả như sau: chân vịt đóng vai trò cánh bơm hút nước biển qua lối vào (thường tại đáy tàu) sau đó bánh cánh tăng áp suất lên để tạo lưu động dòng nước, nước được đẩy phụt qua ống phun và ống phun biến đổi áp suất nước thành tia tốc độ cao, chính sự gia tốc của dòng nước tạo thành lực đẩy giúp tàu di chuyển.
Hệ thống này được đánh giá là có rất nhiều ưu điểm gồm: tiếng ồn nhỏ khi hoạt động; đạt được tốc độ cao hơn trước khi hiện tượng xâm thực hình thành do tăng áp suất nội động lực; Sức cản thấp đặc biệt khi hoạt động ở tốc độ cao; hoạt động tốt ở vùng nước nông…
Nhưng thực tế cho thấy hệ thống pump-jet không thực sự hiệu quả như vậy bởi tốc độ đạt được của loại động cơ này chỉ tương đương với động cơ chân vịt thường (Hải quân Nga đã sử dụng hệ thống đẩy pump-jet trên duy nhất 1 chiếc tàu ngầm Kilo Alrosa).
Một trong những vấn đề lớn với hệ thống đẩy này là chi phí rất cao, ngoài ra hiệu suất của pump-jet kém hơn chân vịt khi tàu chạy tốc độ thấp và rất hay bị rong biển, rác, mảnh vụn trôi nổi... bị hút và quấn quanh chân vịt.
Đây chính là lý do khiến Nga chỉ đóng duy nhất một chiếc tàu ngầm với hệ pump-jet. Hiện không rõ nhà sản xuất và Hải quân Mỹ dùng cách nào ngăn rác lọt vào hệ thống đẩy của tàu ngầm Columbia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo