Mỹ đối mặt nguy cơ lạm phát đình trệ vào năm 2024
Tiêm kích F-22 rất đắt đỏ, tại sao Quân đội Mỹ vẫn không tiếc tiền đầu tư? / Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả đũa khi UAV Anka-S tối tân nhất bị tiêm kích F-35 bắn hạ?
Ảnh minh họa
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei mới đây, Robert Kahn, Giám đốc điều hành mảng kinh tế vĩ mô toàn cầu tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nói rằng mặc dù những dự đoán về suy thoái kinh tế ở Mỹ năm nay tỏ ra không chính xác do chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, nhưng khả năng lạm phát đình trệ có thể xảy ra vào năm 2024.
Ông Kahn, người trước đây từng là nhà kinh tế cấp cao tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tin rằng FED "khá lạc quan" với kỳ vọng về một nền kinh tế "hạ cánh mềm". Nhưng ông cảnh báo về một kịch bản tiêu cực do nhu cầu giảm mạnh khi giá dầu cao và những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Lý giải cho câu hỏi tại sao nền kinh tế Mỹ vẫn phát triển mạnh ngay cả khi lạm phát cao và lãi suất tăng nhanh, ông Kahn cho biết, đầu tiên và quan trọng nhất là chính sách tài khóa ở Mỹ. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát chính sách tài khóa của Mỹ đã mở rộng hơn hầu hết các quốc gia khác và điều đó đã hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu. Chính sách tiền tệ cũng khá nới lỏng trong một thời gian dài, trước khi FED bắt đầu thắt chặt. Ông nói: "Chính sách tiền tệ hoạt động có độ trễ. Vì vậy, tôi có thể nói rằng chính sách đó đã hỗ trợ khá nhiều cho nhu cầu của Mỹ cho đến gần đây. Tuy nhiên, nhiều yếu tố trong số này đang bắt đầu đi đến hồi kết".
Nhân tố cuối cùng hỗ trợ nền kinh tế là người tiêu dùng Mỹ- trung tâm của triển vọng tăng trưởng. Tuy vậy, đang xuất hiện những tín hiệu cho thấy ngày càng nhiều hộ gia đình bắt đầu cảm thấy cần hạn chế chi tiêu bởi giá dầu tăng cao, mức thanh toán cho các khoản vay sinh viên cao hơn, chi phí thẻ tín dụng leo thang,... Bởi vậy, ông Kahn dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại một chút trong những quý tới.
Trong khi nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái trong năm nay, song họ lại đánh giá sai sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cắt giảm tiết kiệm để thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng một phần trong số đó là khoản tiết kiệm được tích lũy trong những năm đầu của đại dịch, phản ánh việc mở rộng chính sách tài khóa vào thời điểm đó. Phần còn lại trong số đó là năng suất trong nhiều lĩnh vực cao hơn mong đợi và thị trường việc làm tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp mức lương và thu nhập hộ gia đình đồng loạt tăng cao hơn.
Tổng thống Mỹ đã quyết định giãn việc thanh toán các khoản vay dành cho sinh viên và điều đó cũng giúp thúc đẩy chi tiêu. Nhưng hàng triệu người Mỹ sẽ nhận hóa đơn, yêu cầu thanh toán các khoản nợ sinh viên kể từ tháng Mười sau khi việc đình chỉ trả nợ, kéo dài 3 năm rưỡi do đại dịch đã hết hạn.
Theo ông Kahn, có khả năng nền kinh tế Mỹ xảy ra lạm phát đình trệ vào năm 2024, với lạm phát cao cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp. Ông nói: "Trong vài năm qua, chúng ta đã thấy rằng đại dịch đã tạo ra những cú sốc có tác động lâu dài đến chuỗi cung ứng và do đó ảnh hưởng đến giá cả. Việc trở lại điều kiện bình thường là rất khó khăn và tốn thời gian. Ví dụ, chúng ta đang chứng kiến các cuộc đình công ở nhiều nơi trong nền kinh tế Mỹ khi người lao động mong muốn được tăng lương. Trong khi đó, một số gián đoạn trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn. Tất cả những điều đó cho thấy tiến trình giảm lạm phát cũng có thể không đồng đều".
Nhu cầu giảm mạnh, người tiêu dùng mất niềm tin vào triển vọng kinh tế, giá dầu cao và những diễn biến bất lợi ở bên ngoài, bao gồm từ Trung Quốc, sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái mạnh hơn. Và chính sách tiền tệ không thế giải quyết vấn đề này do lo ngại về lạm phát. Vì vậy, kịch bản tiêu cực có thể xảy ra là hoạt động kinh tế giảm mạnh, nhưng lạm phát vẫn cao và đó là lạm phát đình trệ.
Bên cạnh đó vẫn còn một số ngân hàng vừa và nhỏ ở Mỹ có thể gặp khó khăn và họ phải sáp nhập hoặc nhờ Chính phủ can thiệp. Nhưng theo ông, hiện đó không phải là một rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu hay nền kinh tế Mỹ. Ông lạc quan rằng nước Mỹ có thể giải quyết được điều đó.
Đề cập về tình trạng dư thừa nghiêm trọng nguồn cung bất động sản thương mại tại Mỹ như các văn phòng, nhà kho, cửa hàng bán lẻ... do đại dịch làm thay đổi cách làm việc của mọi người, ông Kahn cho biết vấn đề này đang trở nên đặc biệt đáng lưu tâm. Ở một số thành phố, lao động rời đi nên nhu cầu giảm.
Fed từng nêu rõ ngân hàng này sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi họ tự tin rằng lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu 2%. Vì vậy, theo giới chuyên gia, trong năm lãi suất ở Mỹ sẽ ở mức tương đương hiện nay (5,25-5,5%), thậm chí có thể cao hơn một chút. Và đó sẽ là lực cản đối với lĩnh vực bất động sản thương mại.
Trước đó hãng tin Bloomberg cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ có thể sớm xảy ra do cuộc đình công của người lao động ngành công nghiệp ô tô tiếp diễn, việc thanh toán nợ sinh viên được nối lại và nguy cơ đóng cửa chính phủ chưa thực sự được đẩy lùi. Bloomberg nhấn mạnh chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ tác động đầy đủ vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Nhiệm kỳ lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump đánh dấu kỷ nguyên mới cho tiền điện tử
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?