Mỹ lấy gì đối phó với Iskander-M?
Lộ vũ khí Mỹ đối phó với Iskander-M / Cận cảnh màn phóng tên lửa Iskander bản đặc biệt lần đầu tiên của Nga
Kênh truyền hình Zvezda của Nga dẫn bình luận của chuyên gia Dmitry Drozdenko, hiện Mỹ cùng phương Tây không có hệ thống phòng thủ nào đủ mạnh để có thể ngăn chặn đòn tấn công từ tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Ở vào thời điểm hiện nay và cả trong tương lai, Mỹ và NATO không thể làm gì để đối phó với tổ hợp Iskander-M vì tính cơ động, kích thước nhỏ gọn, cũng như khả năng gần như tàng hình khi tấn công mục tiêu.
"Thực tế là không đủ thời gian để theo dõi tên lửa được phóng ra và thông qua quyết định. Một điểm cộng nữa của hệ thống tên lửa này là khả năng phóng cả tên lửa có cánh.
Trên thực tế khi đồng thời hai loại tên lửa khác nhau được phóng ra thì rất khó để bắt được chúng, bởi vì chúng bay theo các quỹ đạo khác nhau", ông Drozdenko tuyên bố.
Mặc dù vậy, Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định, Mỹ và khối quân sự này ở châu Âu đã có sẵn biện pháp đối phó bằng cách đã triển khai những khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot phiên bản đánh chặn đạn đạo đến Litva.
Cùng với đó, Ba Lan cũng đã quyết định chi 1,5 tỷ USD để mua về những hệ thống Patriot PAC-3 phiên bản mạnh nhất hiện nay. Với sự chuẩn bị này, Mỹ và đồng minh tại Baltic tin rằng có thể chặn đứng đòn tấn công của Iskander-M một khi xảy ra xung đột.
Theo trang Army Recognition, về lý thuyết, những khẩu đội Patriot được điều động đến châu Âu lần này hoàn toàn đủ sức đối phó với hệ thống Iskander-M, bởi trong thời gian qua, nhà sản xuất Lockheed Martin và phòng thủ Mỹ đã phối hợp cho Patriot nhiều lần thử sức đánh chặn tên lửa đạn đạo với tỷ lệ thành công trên 90%.
Để có được đòn đánh chính xác trong những cuộc thử nghiệm, Mỹ đã lần đầu tiên phóng thử thành công tổ hợp tên lửa phòng không PAC-3 Patriot nâng cấp sử dụng đạn tên lửa mới với tên gọi Patriot Advanced Capability Missile Segment Enhancement (MSE).
Theo những thông tin ban đầu về phiên bản mới, PAC-3MSE tập trung cải thiện hiệu năng đánh chặn các mục tiêu đạn đạo, trong đó có tên lửa của đối phương, so với phiên bản PAC-3 tiêu chuẩn.
Trên phiên bản PAC-3MSE với nhiều cải tiến về đạn tên lửa. Đặc biệt là sử dụng thế hệ đạn tên lửa có tốc độ bay lớn và nguyên lý tấn công chạm đích Hit-to-Kill (dùng xuyên phá động năng để tiêu diệt mục tiêu).
Đây là phương thức tấn công đạt hiệu quả cao đối với các mục tiêu nhỏ, có sơ tốc cao như tên lửa đạn đạo của đối phương.
Ngoài ra, kết cấu động cơ đẩy nhiên liệu rắn hai tầng cho phép tăng gấp đôi tầm bắn hiệu dụng của đạn tên lửa đánh chặn. Đạn tên lửa đánh chặn mới cũng nhỏ gọn hơn cho phép tăng số lượng đạn tên lửa đánh chặn trang bị trên các bệ từ 4 lên 16 đạn.
Việc nâng cấp sẽ giúp các hệ thống Patriot có khả năng bảo vệ được 360 độ, trong khi vẫn duy trì được khả năng cơ động, cũng như giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng xuống còn 50%.
Dù Mỹ đang rất tin vào khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo của những khẩu đội Patriot nâng cấp mới nhưng chính giới quân sự phương Tây cũng phải thừa nhận rằng, cần có thêm thời gian để kiểm chứng hoặc qua thực chiến mới có thể khẳng định được sức mạnh và độ tin cậy của Patriot có như tuyên bố hay không.
End of content
Không có tin nào tiếp theo