Mỹ lo sợ thế giới sẽ trở về thời kỳ đồ đá
Mỹ và Nhật Bản thử nghiệm tên lửa / Tướng Iran chỉ thẳng điểm yếu "chí tử" của Hải quân Mỹ, Tổng thống Trump đừng ảo tưởng mà gây chiến
Con đường đưa Mỹ về thời đồ đá
Quân đội Mỹ cho biết Nga đã tiến hành một vụ thử tên lửa diệt vệ tinh vào ngày 15/4 và gọi đây là ví dụ về những mối đe dọa mà nước Mỹ phải đối mặt trong không gian. Theo giới phân tích, vũ khí mới được Nga thử nghiệm là hệ thống tên lửa diệt vệ tinh Nudol, được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk, nằm cách thủ đô Moscow 800 km về phía Bắc.
Tướng John Raymond, người đứng đầu Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom, cho hay: "Vụ thử tên lửa đánh chặn trực tiếp vệ tinh (DA-ASAT) của Nga là ví dụ mới cho thấy những mối đe dọa đối với các hệ thống không gian vũ trụ của Mỹ và của các đồng minh là thực tế, nghiêm túc và ngày càng gia tăng".
Tướng John Raymond, người đứng đầu Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom của Mỹ |
Trong thông báo cùng ngày, Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom Mỹ cho biết vụ phóng thử nghiệm cho thấy các tên lửa của Nga có khả năng tiêu diệt các vệ tinh bay trên quỹ đạo thấp gần Trái Đất. Thông báo lưu ý rằng Mỹ sẵn sàng "ngăn chặn hành động xâm lược và bảo vệ các đồng minh" và lợi ích của Mỹ trước những hành động thù địch trên không gian vũ trụ.
Trong khi đó, Reuters bình luận, động thái của Nga được tiến hành giữa lúc có những cảnh báo Mỹ cùng nhiều quốc gia khác như Nga và Trung Quốc đang tăng cường các động thái quân sự của mình ở quỹ đạo thấp của Trái Đất và gần Mặt Trăng.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nói rằng vũ khí diệt vệ tinh sẽ phá hủy hoàn toàn các mục tiêu, thiết lập chướng ngại vật trong không gian bằng cách tạo ra một đám những mảnh vỡ có thể va chạm với các vật thể khác, đặc biệt là có nguy cơ gây ra một phản ứng chuỗi đối với các vật thể được phóng qua quỹ đạo của Trái Đất.
Tướng Raymond cáo buộc vụ thử vừa qua của Nga là bằng chứng cho thấy "sự đạo đức giả của Nga khi ủng hộ các đề xuất kiểm soát vũ khí trong không gian... trong khi nước này rõ ràng không có ý định chấm dứt các chương trình vũ khí đối kháng trong không gian của mình".
Người Mỹ lo bị đột kích không gian và viễn cảnh trở về thời kỳ đồ đá |
Cựu quan chức Nhà Trắng Douglas McKinnon, đồng thời từng có 3 năm làm việc tại Lầu Năm Góc với tư cách là cố vấn và trợ gúp cho chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo, mới đây thậm chí còn cảnh báo Mỹ có thể đột ngột đánh mất tất cả hệ thống thông tin liên lạc, quân đội bị đột kích và hệ thống ngân hàng của Mỹ bị quay trở về Thời kỳ Đồ đá.
Trong cảnh báo này, McKinnon đặc biệt lưu ý tới chương trình không gian do quân đội kiểm soát của Trung Quốc cùng với những mô phỏng cho kịch bản tiềm tàng này, đặc biệt trong thời gian cả thế giới đang đối mặt với thách thức do dịch COVID-19 gây ra.
Cựu quan chức Mỹ thừa nhận Trung Quốc và Nga hiểu rằng không có quốc gia nào phụ thuộc vào các vệ tinh của mình, trong quỹ đạo gần và tĩnh, để phục vụ sự tồn tại của bản thân, như là Mỹ. Trong nhiều năm, Nga và Trung Quốc đã nhận dạng được các vệ tinh của Mỹ để tấn công và cách thức hiệu quả nhất để vô hiệu hóa chúng, hoặc thậm chí là công khai tiêu diệt chúng.
Tham vọng bá chủ
Tuy nhiên, cáo buộc của tướng Mỹ cũng giống như câu chuyện “con gà và quả trứng” bởi cả Nga, Mỹ và Trung Quốc cùng một số quốc gia khác đang thể hiện tham vọng đối với lĩnh vực không gian, trong đó có quân sự. Mỹ và Trung Quốc đều đã thực hiện các vụ thử tên lửa diệt vệ tinh tương tự. Gần đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, Ấn Độ đã tiến hành vụ thử tên lửa diệt vệ tinh nhằm vào một vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, tạo ra một đám những mảnh vụn hiện vẫn đang lơ lửng trong quỹ đạo.
Đây không phải lần đầu tiên không gian vũ trụ được coi là một lĩnh vực tiềm năng cho mục tiêu quốc phòng, đặc biệt là trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. “Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược” (SDI) là một chương trình được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1983 dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Mục tiêu của chương trình này là phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo được thiết kế nhằm bắn rơi các tên lửa hạt nhân trong không gian, đặc biệt để đối phó với mối đe dọa tấn công tên lửa tiềm tàng từ Liên Xô.
Tổng thống Mỹ R. Reagan phát động "Chiến tranh giữa các vì sao" |
Chương trình này được đặt tên là “Chiến tranh giữa các vì sao” bởi nó dự kiến sẽ sử dụng các công nghệ có nền tảng không gian như laser, tia X trong hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, sự thiếu chi phí và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đồng nghĩa với việc SDI đã không bao giờ được xây dựng.
Ý tưởng thống trị và phòng vệ không gia đã thu hút thêm sự chú ý trong những năm gần đây, song phải đến năm 2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump mới khởi động ý đồ phát triển một nhánh quân sự khác là “Lực lượng Không gian”. Ông cho biết ý tưởng về lực lượng không gian này lúc đầu chỉ là lời nói đùa, song sau đó ông đã quyết định rằng đây là một “ý tưởng tuyệt vời”.
Đầu năm 2019, Mỹ tiết lộ tài liệu đánh giá toàn diện chương trình phòng thủ tên lửa của mình theo cái mà họ tuyên bố là cần thiết cho một “cách tiếp cận toàn diện với phòng thủ tên lửa chống lại các mối đe dọa tên lửa khu vực và các nhà nước bị đặt ngoài vòng pháp luật.
Tài liệu này cũng thừa nhận “không gian là một lĩnh vực đấu tranh mới, với Lực lượng Không gian làm chỉ huy”, đồng thời nói rằng lực lượng này sẽ “đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong không gian”.
Tổng thống Mỹ D. Trump hồi sinh cuộc chiến không gian với việc thành lập Quân chủng Vũ trụ của Mỹ |
Ở chiều ngược lại, người Nga cũng lo ngại không kém. Hồi tháng 12 năm ngoái, trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Mỹ lên kế hoạch hoạt động quân sự trên vũ trụ và tuyên bố Moscow sẽ thiết lập sự hiện diện ở đó.
Viện dẫn việc Mỹ mới thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ, ông Putin nhấn mạnh: “Lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ đã công khai coi vũ trụ như một chiến trường và có kế hoạch tiến hành các hoạt động ở đó. Tình hình đòi hỏi chúng ta phải chú ý tăng cường củng cố nhóm quỹ đạo, cũng như toàn bộ lĩnh vực tên lửa và vũ trụ”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố: “Chiến lược này thực tế đang bật đèn xanh cho nguy cơ phát triển các năng lực tấn công hạt nhân trong không gian. Việc thực thi các ý tưởng này chắc chắn sẽ dẫn tới sự khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực nhất đối với an ninh và ổn định thế giới”.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những nỗ lực của NATO trong việc quân sự hóa không gian vũ trụ”. Bình luận được đưa ra sau khi NATO tuyên bố không gian là “lĩnh vực hoạt động” thứ 5 đối với liên minh quân sự này, bên cạnh hàng không, đất liền, biển và mạng.
Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng nhiều nước khác đều đã công khai tham vọng không gian |
Phát biểu tại một cuộc họp của các ngoại trưởng ngày 20/11/2019, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Đưa không gian trở thành một lĩnh vực hoạt động sẽ giúp chúng ta đảm bảo tất cả các khía cạnh đều được chú trọng nhằm bảo đảm sự thành công của các sứ mệnh của chúng ta. Tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào việc củng cố việc phát triển các hệ thống không gian quân sự".
Theo ông Stoltenberg, hiện có khoảng 2.000 vệ tinh đang quay xung quanh Trái Đất, trong đó khoảng một nửa là thuộc sở hữu của các nước NATO. Dù ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO không có ý định đưa vũ khí vào không gian và sẽ tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó nên tảng là Hiệp ước Không gian Vũ trụ 1967, thì Nga và Trung Quốc cũng không thể yên tâm.
Giới phân tích cho biết Nga lo ngại Mỹ và NATO mở ra một lĩnh vực hoạt động mới trong không gian, bởi Nga có thể dễ dàng bị bỏ xa khi cạnh tranh với chuyên môn công nghệ, sự tiên tiến và kho vũ khí của các nước NATO cộng lại trong không gian.
End of content
Không có tin nào tiếp theo