Quốc tế

Tướng Iran chỉ thẳng điểm yếu "chí tử" của Hải quân Mỹ, Tổng thống Trump đừng ảo tưởng mà gây chiến

Ngay sau đe dọa cứng rắn của Tổng thống Trump cho phép Hải quân Mỹ khai hỏa, tướng Iran đáp trả đanh thép rằng Washington sẽ thua tan nát nếu liều lĩnh gây chiến trên vịnh Ba Tư.

Israel vạch trần chiêu trò của Iran khi đánh cắp bí mật công nghệ tên lửa / Lực lượng vũ trang thân Iran phá hủy xe thiết giáp Mỹ

Vội vàng tuyên chiến với Iran, ông Trump không tự lượng sức?

Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ được phép tiêu diệt và phá hủy bất cứ tàu chiến Iran nào dám quấy rồi các tàu quân sự Mỹ hoạt động trên vịnh Ba Tư cũng như Eo biển Hormuz.

"Tôi đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ tiêu diệt và phá hủy bất kỳ tàu chiến Iran nào nếu họ dám quấy nhiễu tàu của chúng tôi", Tổng thống Trump đăng trên Twitter cá nhân.

Trước đó, Hải quân Mỹ đã cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có các hành động gây hấn nghiêm trọng khi điều động 11 tàu tấn công nhanh dàn đội hình, bao vây đe dọa nhóm tàu chiến Mỹ trên Vịnh Ba Tư hôm 15/4.

Tướng Iran chỉ thẳng điểm yếu chí tử của Hải quân Mỹ, TT Trump đừng ảo tưởng mà gây chiến - Ảnh 1.

Các tàu tấn công nhanh Iran áp sát tàu Tuần duyên Mỹ trên vịnh Ba Tư hôm 15/4. Ảnh: The Maritime.

Ngay sau đó, Chuẩn tướng Abolfazl Shekarchi - người phát ngôn các Lực lượng vũ trang Iran đã đáp trả đanh thép: "Thay vì bắt nạt người khác, người Mỹ nên dồn tất cả mọi nguồn lực mà họ có để cứu chữa những binh sĩ đang mắc Covid-19".

Sputnik dẫn thông báo mới nhất của Lầu Năm Góc cho biết, tính tới hết ngày 22/4 đã có 5.734 binh sĩ Mỹ mắc Covid-19.

Tuyên bố trên của tướng Shekarchi cũng cho thấy Iran không sợ lời đe dọa của Tổng thống Trump bởi đã quá quen với việc này, kể cả trong trường hợp Hải quân Mỹ nổ súng tấn công các tàu chiến của mình thì họ đã có sẵn nhiều phương án để đối phó.

Một số nhà quan sát cũng nhận định, tuyên bố tiêu diệt và phá hủy tàu chiến Iran của ông Trump, dù được xem là cứng rắn, nhưng lại không đúng thời điểm (một tuần sau sự việc xảy ra), khiến nó mất đi tính răn đe đối với Iran.

Trong trường hợp đáp trả các hành động gây hấn trên vịnh Ba Tư, Mỹ có thể sẽ thực hiện một cuộc tấn công vào Iran nhưng họ cũng sẽ lựa chọn chuỗi "mục tiêu mềm" ít có giá trị chiến lược đối với Tehran nhằm tránh cuộc chiến leo thang hay vượt qua tầm kiểm soát.

 

Tướng Iran chỉ thẳng điểm yếu chí tử của Hải quân Mỹ, TT Trump đừng ảo tưởng mà gây chiến - Ảnh 3.

Một nhóm tàu chiến Mỹ và đồng minh di chuyển qua vịnh Ba Tư vào tháng 5/2019. Ảnh: AP.

Bản thân Tổng thống Trump cũng đang bị bủa vây bởi hàng loạt các vấn đề nội bộ nước Mỹ, từ dịch Covid-19, suy thoái kinh tế cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm, do đó ông chủ Nhà Trắng không cần tới một cuộc chiến với Iran vào lúc này.

Ông Trump cũng hiểu việc hướng dư luận trong nước ra bên ngoài bằng một cuộc chiến để quên đi vấn đề khó khăn kinh tế đã không còn phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá nước Mỹ.

Tuy nhiên, phản ứng trên của Tổng thống Trump được xem là hành động cần thiết để Tehran thấy được lập trường của Mỹ trong việc duy trì an ninh hàng hải trên vịnh Ba Tư cũng như Eo biển Hormuz. Mặt khác, đó cũng là một "'lằn ranh đỏ" mà Mỹ đặt ra với Iran nếu các hành động gây hấn vẫn tiếp diễn.

Hải quân Mỹ chưa sẵn sàng đối đầu với Iran trên vịnh Ba Tư

 

Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, truyền thông Mỹ dẫn lời một số quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn chưa nhận được bất cứ mệnh lệnh cụ thể nào từ ông chủ Nhà Trắng về việc tiêu diệt và phá hủy các tàu chiến Iran gây hấn.

Trong khi đó, một quan chức quân đội Mỹ cho hay, kể từ cuộc chạm trán ngày 15/4, chưa có thêm vụ việc nào tương tự xảy ra giữa Hải quân Mỹ và Iran trên vịnh Ba Tư.

Theo New York Times, những tuyên bố của Tổng thống Trump trên Twitter luôn đi ngược lại với chính sách truyền thống của chính phủ Mỹ liên quan đến việc điều động quân đội cho đến các quy tắc và hoạt động của lực lượng này.

Tướng Iran chỉ thẳng điểm yếu chí tử của Hải quân Mỹ, TT Trump đừng ảo tưởng mà gây chiến - Ảnh 4.

Ở thời điểm hiện tại Hải quân Mỹ vẫn xử lý khá tốt các tình huống có thể dẫn tới xung đột với tàu chiến Iran trên vịnh Ba Tư. Ảnh: Geelong Advertiser.

Cụ thể, các đơn vị quân đội Mỹ trên bộ và trên biển phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về tiếp cận và giao chiến (ROE), tức Hải quân Mỹ phải thực hiện đầy đủ các bước cảnh báo bằng âm thanh, pháo sáng, và bằng các đợt cơ động của tàu trước khi thực sự nổ súng - đây thường là biện pháp cuối cùng trong tình huống đụng độ.

 

Xét ở nhiều khía cạnh, mệnh lệnh của ông Trump đã giản lược toàn bộ quá trình này và có thể dẫn tới thương vong không đáng có cho binh sĩ Mỹ trên tuyến đường biển vốn đã đông đúc và phức tạp như vịnh Ba Tư.

Điều này còn chưa kể tới việc đại dịch Covid-19 đang khiến Hải quân Mỹ suy giảm năng lực tác chiến toàn cầu khi có tới bốn tàu sân bay và nhiều tàu chiến các loại bị virus corona tấn công, không thể hoạt động.

Một cuộc chiến trên biển với Iran lúc này sẽ trở thành gánh nặng bởi lực lượng này không đủ quân cũng như vũ khí trang bị để điều động và phân bổ cho các điểm nóng khác.

Trong trường hợp Mỹ tập trung đủ lực lượng để gây chiến với Iran thì khả năng họ giành được chiến thắng tuyệt đối là khá thấp, bởi phía Đông vịnh Ba Tư và cửa ngõ dẫn vào Eo biển Hormuz đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran. Chỉ cần tàu chiến Mỹ trong khu vực khai hỏa thì ngay lập tức chúng sẽ trở thành mục tiêu bị đáp trả.

Do đó, việc tàu hải quân Mỹ gây chiến với Iran trên vịnh Ba Tư không hề là lựa chọn khôn ngoan, bởi họ có nhiều cách khác để tấn công Tehran mà không cần phải phơi mình ra làm bia tập bắn cho tên lửa chống hạm đối phương.

 

Ở thời điểm hiện tại một số quan chức Lầu Năm Góc có thể đồng tình với quan điểm sử dụng vũ lực của ông Trump, tuy nhiên để gây chiến với Iran thì tổng thống cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua chứ không thể nói suông hay ra lệnh trực tiếp cho hải quân.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng cần có thời gian chuẩn bị lực lượng để đối phó với mọi tình huống nếu như xung đột leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuyên bố ngày 22/4 của ông Trump cũng khiến chúng ta nhớ lại căng thẳng suýt đẩy Mỹ và Iran đến bờ vực chiến tranh khi Thiếu tướng Qasem Soleimani – Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran bị máy bay không người lái Mỹ giết chết trong một vụ không kích ở Iraq vào tháng 1/2020.

Iran đã thực hiện đòn trả đũa bằng một vụ tập kích tên lửa quy mô lớn vào các căn cứ quân sự ở Iraq, khiến cả trăm lính Mỹ bị chấn động não, thiệt hại về vật chất khá lớn, thế nhưng Mỹ vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt" không đáp lại hành động được cho là hết sức cứng rắn này của Tehran. Vì thế, căng thẳng giữa hai nước cũng lắng xuống ngay sau đó.

Tựu chung lại, căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện tại khó có thể leo thang thành xung đột lớn thay vào đó hai bên sẽ trả đũa lẫn nhau bằng những hoạt động quân sự có quy mô hạn chế như vụ ám sát tướng Soleimani. Khi Washington hay Tehran đạt được những thứ mà họ muốn thì cũng là lúc căng thẳng hạ nhiệt.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm