Mỹ tấn công “đầu rồng” Huawei, thủ phủ công nghệ Trung Quốc điêu đứng
Ngôi sao nhạc rock, diễn viên, danh hài chạy đua vào quốc hội Ukraine / Iran khoe tên lửa “sát thủ” giữa lúc căng thẳng với Mỹ
Tại các nhà hàng và quán cafe ở trung tâm Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ cao tại khu vực phía nam Trung Quốc, chủ đề chính của các cuộc trò chuyện đã chuyển từ thông tin trong các ngành công nghiệp sang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chiến dịch gây sức ép của Washington nhằm vào Huawei - tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
Thâm Quyến là nơi nhiều công ty lớn của Trung Quốc đặt trụ sở, trong đó có hãng truyền thông xã hội khổng lồ Tecent, tập đoàn viễn thông ZTE và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI. Người dân địa phương vẫn nói đùa rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay dường như là cuộc chiến giữa Mỹ và Thâm Quyến.
Trong 40 năm qua, Thâm Quyến đã chuyển mình từ một làng chài “chìm trong giấc ngủ” gần Hong Kong thành một thành phố sầm uất với hơn 12 triệu dân, nơi ngành công nghệ cao chiếm tới hơn 1/3 GDP của thành phố này. Do tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ, nên nhiều người bắt đầu lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại đối với tương lai của Thâm Quyến.
“Chiến tranh thương mại sẽ có tác động lâu dài, bao gồm lên doanh số và toàn bộ thị trường”, Lin, một nhân viên của công ty công nghệ, nhân định.
Chính quyền Trung Quốc đang có các kế hoạch lớn để phát triển Thâm Quyến và đưa thành phố này trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới trong Dự án Khu vực Vịnh Lớn. Dự án này được thiết kế để tạo ra một trung tâm kinh tế “đối trọng” với San Francisco và Tokyo Bay bằng cách kết nối các thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông với Hong Kong và Macau.
Tuy nhiên, đối mặt với hàng rào thuế quan ngày càng cao do Mỹ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và lệnh cấm vấn của Washington nhằm vào Huawei, chìa khóa cho mạng lưới 5G của Trung Quốc, các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu và công ty công nghệ của Trung Quốc đều đang nghĩ tới một tương lai bất ổn cho Thâm Quyến.
Nhắm mục tiêu vào “đầu rồng”
“Trọng tâm là Huawei. Huawei là công ty quan trọng nhất ở trên cùng của chuỗi giá trị, là lãnh đạo và trung tâm của ngành công nghi. Đó là đầu rồng của chúng tôi”, một nhà nghiên cứu chính sách làm việc với chính quyền Thâm Quyến nhận định.
Theo một báo cáo hiếm hoi do Cơ quan thống kê Thâm Quyến công bố năm 2016, Huawei là công ty đóng góp nhiều nhất cho GDP của Thâm Quyến, chiếm 7% trong tổng GDP, tương đương 143 tỷ Nhân dân tệ (20,6 tỷ USD). Con số này xấp xỉ tổng mức đóng góp của 20 công ty xếp sau Huawei vào GDP Thâm Quyến, bao gồm ZTE, Tencent, nhà sản xuất chip Foxconn và hãng sản xuất xe BYD.
Mặc dù các con số chính thức không được công bố từ năm 2016 do tính nhạy cảm, nhiều người tin rằng tầm quan trọng của Huawei với nền kinh tế Thâm Quyến đã tăng lên và hiện tại Huawei đã đóng góp hơn 10% GDP của thành phố này.
Huawei và các chi nhánh của công ty này đã tạo ra nhiều việc làm nhất cho Thâm Quyến, với khoảng 80.000 người làm việc tại trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến và thêm 30.000 người khác tại cơ sở nghiên cứu và phát triển mới của Huawei ở thành phố Đông Quản láng giềng.
Nhà nghiên cứu chính sách của Thâm Quyến cho biết chính quyền thành phố này sẽ “làm tất cả mọi thứ có thể” để giúp đỡ các công ty công nghệ trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, Washington đã ra lệnh cấm Huawei nhập khẩu các linh kiện từ Mỹ và không cho phép công ty này tham gia vào mạng lưới 5G của Washington do lo ngại vấn đề an ninh, thậm chí kêu gọi các đồng minh hành động tương tự. Do vậy, những gì chính quyền Thâm Quyến có thể làm để giúp đỡ Huawei hiện không nhiều.
“Chìa khóa (giải quyết các vấn đề của Huawei) không nằm ở Thâm Quyến. Vấn đề nằm ở Washington. Thâm Quyến không thể giúp giải quyết sự gián đoạn xảy ra với chuỗi cung ứng và các thị trường nước ngoài”, nhà nghiên cứu chính sách Thâm Quyến nhận định.
Ngoài Huawei, các công ty khác cũng bị “dính đạn” khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt, trong đó của DJI - công ty cung cấp gần 80% máy bay không người lái được sử dụng tại Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù không nêu cụ thể tên của DJI, song Bộ An ninh Nội địa Mỹ gần đây đã cảnh báo các công ty Mỹ về nguy cơ an ninh gây ra bởi máy bay không người sản xuất tại Trung Quốc.
Xét về quy mô và tầm quan trọng, Huawei vẫn là ưu tiên số một của chính quyền Thâm Quyến.
“Trong khi vẫn chú ý tới các công ty khác, chúng tôi chắc chắn sẽ tập trung mọi nỗ lực nhằm giúp đỡ Huawei”, nhà nghiên cứu chính sách cho biết.
"Đuôi rồng" gặp khó khăn
Đồng bằng Châu Giang xung quanh Thâm Quyến là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất công nghệ cao. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ khu vực đều dễ bị tổn thương trước các động thái của Mỹ.
Các thành phố lân cận của Thâm Quyến đều là một phần trong hệ sinh thái trị giá 3.000 tỷ Nhân dân tệ, hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu của Thâm Quyến, vốn đạt 1,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2018.
Theo Allen Zhang, nhà sáng lập của hãng sản xuất tai nghe Crazybayby, chuỗi cung ứng là “nhân tố quan trọng nhất biến Thâm Quyến thành thủ phủ sản xuất”.
“Có nhiều thành phố vệ tinh xung quanh Thâm Quyến như Đông Quản, Huệ Châu, Trung Sơn và chúng có thể tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cung cấp gần như tất cả mọi thứ, từ nguyên liệu thô cho tới các linh kiện máy tính với giá rất rẻ”, ông Zhang cho biết.
Trong bối cảnh bị cấm mua các linh kiện, công nghệ, phần mềm từ Mỹ, Huawei đang phải liên hệ với các nhà cung cấp ngoài Mỹ để kiểm tra xem liệu họ có sử dụng linh kiện và công nghệ của Mỹ hay không. Nếu có, họ không thể cung cấp linh kiện và công nghệ cho Huawei theo lệnh cấm của Mỹ.
Theo Qiu Dongmin, cố vấn cấp cao ở Đông Quản, tác động lên chuỗi cung ứng sẽ rõ ràng hơn trong từ 2-4 tháng tới.
“Tác động của các lệnh trừng phạt (Mỹ) lên ngành kinh doanh điện thoại di động của Huawei chưa thể cảm nhận ngay vì hầu hết đơn hàng điện thoại đã được Huawei và các công ty lớn đặt từ tháng 4-6. Tuy nhiên, từ tháng 8-10, các nhà cung cấp thường sẽ nhận thêm đơn hàng từ Huawei và các nhà sản xuất khác để đáp ứng nhu cầu đối với các dòng điện thoại bán chạy nhất của các hãng này. Đây sẽ là giai đoạn chính cần theo dõi đối với toàn bộ chuỗi cung ứng ở Thâm Quyến, Đông Quản và Huệ Châu”, ông Dongmin nhận định.
Ông Qiu tin rằng Huawei không thể kiểm tra từng nhà cung cấp xem họ có sử dụng các công nghệ và linh kiện của Mỹ hay không.
“Các nhà cung cấp không muốn cho Huawei biết tất cả chi tiết kỹ thuật của họ. Tôi tin rằng các công ty công nghệ có thể cần một tháng để có bức tranh rõ ràng hơn. Một điều chắc chắn là tất cả mọi người đều đang lo lắng. Một số công ty lo ngại về tương lai của họ, một số khác lo ngại về việc họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ”, ông nói.
Không chỉ các nhà cung cấp mà các nhà xuất khẩu tại Thâm Quyến cũng chịu tác động của chiến tranh thương mại. Theo dữ liệu từ hải quan Thâm Quyến, trong quý đầu năm nay, 17% kim ngạch thương mại của thành phố này là từ Mỹ, với tổng giá trị 57,4 tỷ Nhân dân tệ. Tuy nhiên con số này giảm 5,9% so với quý trước đó.
“Các công ty có thể phải cắt giảm lao động, thậm chí một số công ty nhỏ có thể phải đóng cửa. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra”, Guo Wanda, phó giám đốc điều hành Viện Phát triển Trung Quốc tại Thâm Quyến, dự đoán, đồng thời nhận định các thành phố gần Thâm Quyến cũng sẽ chịu tác động mạnh hơn từ lệnh áp thuế của Mỹ vì các khu vực này có nhiều nhà xuất khẩu hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này