Quốc tế

Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa cấp chiến thuật

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã thử nghiệm thành công khả năng phối hợp chiến đấu giữa 2 tổ hợp tên lửa phòng không-phòng thủ tên lửa PAC-3 Patriot và THAAD. Trong vụ thử nghiệm, hệ thống radar của THAAD đã phát hiện và chỉ thị mục tiêu gia lập để tổ hợp PAC-3 phóng đạn tiêu diệt.

S-400 Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị tên lửa đánh chặn đặc biệt / Ấn Độ sẵn sàng triển khai tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân

Đây có thể coi là bước tiến dài trong quá trình tích hợp các thành phần phòng thủ tên lửa vào một hệ thống chỉ huy-tác chiến hợp nhất.

Những thành công đầu tiên

Trang tin quân sự Defense News đăng tải, vụ thử nghiệm kết hợp giữa tổ hợp PAC-3 Patriot và THAAD được tiến hành hôm 1/10 tại bãi thử White Sands, bang New Mexico. Theo đó, hệ thống radar trinh sát AN/TPY-2 của tổ hợp THAAD đã phát hiện và bám bắt mục tiêu giả lập Black Dagger để chỉ thị cho tổ hợp PAC-3 Patriot phóng đạn tiêu diệt thành công.

Vụ thử đánh dấu bước tiến lớn trong việc tích hợp các thành phần phòng thủ tên lửa riêng lẻ vào mạng lưới chỉ huy hợp nhất. Trong nhiều thử nghiệm trước đó, quân đội Mỹ đã từng nhiều lần kết hợp khả năng tác chiến giữa PAC-3 Patriot và THAAD, nhưng đều thất bại. Trong vụ thử nghiệm gần nhất tổ chức hồi tháng 2/2020, do không tương thích về phần mềm đã khiến radar của tổ hợp THAAD không dẫn bắn chính xác cho tổ hợp PAC-3 Patriot.

Hai tổ hợp tên lửa phòng không-phòng thủ tên lửa PAC-3 Patriot và THAAD.

Tuy nhiên, với vụ phóng thử thành công đầu tiên, MDA có vẻ đã khắc phục được vấn đề về tương thích phần mềm giữa THAAD và PAC-3 Patriot, khi chúng là sản phẩm của 2 hãng chế tạo quân sự khác nhau và không được thiết kế để làm chung nhiệm vụ.

“Vụ thử thành công đã chứng minh khả năng tương tác giữa các thành phần phòng thủ tên lửa trong một hệ thống hợp nhất. Điều này có vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ trước các mối nguy cơ trong tương lai”, lãnh đạo MDA, Phó đô đốc John Hill tuyên bố.

Theo lãnh đạo MDA, vấn đề tích hợp các thành phần phòng thủ tên lửa di động của Mỹ phát sinh dựa trên những kinh nghiệm thực tế tại bán đảo Triều Tiên. Các tổ hợp PAC-3 Patriot triển khai tại Hàn Quốc không thể tương thích với tổ hợp THAAD được triển khai sau đó. Điều này làm giảm năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên do THAAD có hệ thống radar mạnh mẽ và ưu việt hơn nhiều so với PAC-3, nhất là trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Trong khi đó, đối phó với các mục tiêu bay thấp và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, PAC-3 lại có lợi thế hơn THAAD. Chính vì thế, việc kết hợp 2 tổ hợp vũ khí này trong một mạng lưới chỉ huy-tác chiến hợp nhất là cần thiết.

Các chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá, khi phối hợp với THAAD, đạn tên lửa đánh chặn của PAC-3 sẽ tối ưu được tầm bắn tối đa so với việc sử dụng hệ thống radar có trong trang bị tổ hợp. Điều này được chứng minh trong một vụ thử tại White Sands năm 2018, đạn tên lửa của tổ hợp PAC-3 MSE đã bắn trúng mục tiêu ở tầm xa kỷ lục. Dù các thông tin về vụ thử không được công bố, nhưng nhiều chuyên gia có mặt tại hiện trường tiết lộ, tầm bắn kỷ lục của đạn tên lửa đánh chặn MSE có được khi kết hợp với radar của tổ hợp THAAD.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga Konstantin Makienko cho biết, Liên Xô đã từng thử nghiệm khả năng kết hợp giữa tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur (bảo vệ khu vực Moscow). Do sự khác biệt về nền tảng, quá trình tích hợp trên mất nhiều thời gian và công sức. Chính vì thế, Mỹ sẽ cần nhiều thời gian hơn để tối ưu được khả năng tác chiến hỗn hợp giữa THAAD và PAC-3 trong mạng lưới hợp nhất.

 

Củng cố năng lực phòng không chiến thuật

Không chỉ đầu tư cho lực lượng phòng không tầm trung-xa, trước các mối nguy cơ đến từ tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái, quân đội Mỹ gần đây cũng tập trung lấp đầy năng lực phòng không chiến thuật tầm thấp với vai trò tạo ô che chắn cho lực lượng chiến đấu trên bộ.

Hồi tháng 4/2020, quân đội Mỹ đã giới thiệu tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp IM-SHORAD với vai trò bảo vệ các đơn vị mặt đất trên đường hành quân. Tới tháng 10/2020, hãng chế tạo General Dynamics Land Systems cho biết đã nhận đơn hàng trị giá 230 triệu USD để cung cấp lô xe IM-SHORAD đầu tiên (28 xe) cho Lục quân Mỹ trong năm 2021. Đơn hàng tiếp theo dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2022.

Tổ hợp IM-SHORAD.

Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, IM-SHORAD đáp ứng được sự thiếu hụt các loại vũ khí phòng thủ tên lửa tầm thấp của Quân đội Mỹ. Trước đây, Quân đội Mỹ sử dụng tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp Avenger, nhưng nó đã không chứng minh được hiệu quả thực chiến. Toàn bộ tổ hợp IM-SHORAD được đặt trên khung gầm xe bọc thép bánh hơi Stryker, vốn là khung gầm cơ sở của nhiều dòng vũ khí hiện có của quân đội Mỹ. Cấu hình đa năng của vũ khí phòng không này là sự kết hợp giữa 2 cụm module 4 tên lửa Stinger, 2 tên lửa chống tăng Hellfire và pháo bắn nhanh 30mm. Với hỏa lực trên, IM-SHORAD không chỉ đáp ứng khả năng phòng không, mà còn đảm nhiệm vai trò thứ yếu là chống tăng và áp chế hỏa lực mặt đất khi cần.

“Do có ưu thế mạnh mẽ về không quân, quân đội Mỹ đang tồn tại lỗ hổng lớn về năng lực phòng không tầm thấp để bảo vệ đội hình bộ binh. Các tổ hợp phòng không tầm ngắn hiện có của Mỹ thua xa dòng tên lửa phòng không Tor của quân đội Nga hiện nay”, chuyên gia Konstantin Makienko đánh giá.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm