Quốc tế

Mỹ tung chiến lược mới quyết “hất cẳng” Nga, Trung Quốc khỏi lục địa đen

Chiến lược mới về Châu Phi của chính quyền Tổng thống Trump tập trung chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại “lục địa đen”.

Chiến thuật “cương nhu” kết hợp của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ / Lộ kế hoạch của Lầu Năm Góc về các hệ thống nhạy cảm

Các quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết, để tăng cường sự cạnh tranh, Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các quốc gia được coi là dễ tổn thương trước các thỏa thuận từ Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, Mỹ có kế hoạch mở rộng đầu tư, song song với việc tiếp tục rút quân và đánh giá lại sự hỗ trợ nước ngoài dành cho Châu Phi.

 Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: National Interest.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: National Interest.

Chiến lược mới ưu tiên lợi ích của Mỹ

Trong bài diễn văn tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ở Washington D.C ngày 13/12, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, chính sách mới sẽ đặt các lợi ích của Mỹ tại châu Phi lên hàng đầu và chấm dứt các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc "kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm". “Chiến lược mới là kết quả của một quá trình nghiên cứu chuyên sâu, phản ánh các nguyên lý cốt lõi trong học thuyết về chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Điều quan trọng là chiến lược này phù hợp với các cam kết tranh cử trước đó của ông, đặt lợi ích của người Mỹ lên trên hết, ngay tại nước Mỹ và tại nước ngoài. Theo cách tiếp cận mới, mỗi quyết định chúng tôi đưa ra, mỗi chính sách chúng tôi theo đuổi và mỗi USD chúng tôi viện trợ sẽ giúp tăng cường những lợi ích của Mỹ trong khu vực”.

Ông Bolton cũng cảnh báo phương Tây cần phải thức tỉnh trước mối đe dọa của Nga và Trung Quốc – hai quốc gia mà Mỹ cho là trong nhiều thập kỷ qua đã lợi dụng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mối quan hệ về chính trị và sự hỗ trợ về an ninh để mở rộng ảnh hưởng trên khắp lục địa đen. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã dùng những lời lẽ gay gắt tố cáo những nỗ lực của Nga và Trung Quốc trong việc tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi. “Các đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ là Nga và Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng về tài chính và chính trị trên khắp khu vực Châu Phi. Họ đang cố tình đẩy mạnh đầu tư vào khu vực để nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng về tài chính và chính trị trên khắp Châu Phi, giành lợi thế cạnh tranh với Mỹ”. Ông cũng cho rằng “các hoạt động mà Trung Quốc và Nga đang theo đuổi đã kiềm hãm sự tăng trưởng kinh tế tại Châu Phi, đe dọa sự độc lập về tài chính của các quốc gia Châu Phi, ngăn chặn cơ hội đầu tư của Mỹ và sự can thiệp của quân đội Mỹ, đe dọa nghiêm trọng đến các lợi ích an ninh Mỹ”.

Theo ông Bolton, tầm nhìn của Mỹ là giúp Châu Phi trở thành một “khu vực độc lập, tự lực tự cường không phụ thuộc hay bị chi phối và không mắc nợ bất cứ bên nào”. Đặc biệt cách tiếp cận mới của chính quyền ông Trump dường như nghiêng nhiều về cam kết Mỹ sẽ có thể thúc đẩy quan hệ giao thương với những quốc gia trong khu vực dễ bị tổn thương bởi “các hành vi thương mại của Nga và Trung Quốc”.

Việc chống lại các mối đe dọa khủng bố tại Châu Phi là ưu tiên thứ hai trong chiến lược mới của Mỹ, phù hợp với Chiến lược Quốc phòng quốc gia của Tổng thống Donald Trump. Ông Bolton cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ chính phủ các nước Châu Phi củng cố năng lực của các lực lượng và các cơ quan an ninh. Mục đích là để các quốc gia này có thể tự mình chiến đấu với những phần tử cực đoan, khủng bố.

 

Rào cản không dễ vượt qua

Ngay sau tuyên bố của ông John Bolton, đã có nhiều tranh cãi về việc liệu chiến lược mới đối với Châu Phi của chính quyền Tổng thống Trump có được triển khai hiệu quả hay không, bởi không giống như Châu Á và Châu Âu, Mỹ từ trước đến nay có vẻ như dồn ít tâm huyết vào khu vực Châu Phi. Theo đánh giá của các cựu quan chức ngoại giao và các chuyên gia trong khu vực, chiến lược mà Mỹ công bố đối với khu vực Châu Phi được cho là đã “quá lỗi thời”.

Lệnh cấm đi lại cũng như những lời chỉ trích của ông Trump đã tạo ra mâu thuẫn giữa Mỹ và Châu Phi. Hồi đầu năm 2018, trong một cuộc họp tại Nhà trắng về vấn đề nhập cư, ông Trump đã làm dậy sóng dư luận khi gọi những người tị nạn tại các quốc gia Châu Phi là “dơ bẩn” .

Bên cạnh đó, phải mất hơn một năm để ông Trump gặp một nguyên thủ quốc gia Châu Phi và lấp đầy các vị trí ngoại giao chủ chốt của Mỹ về Châu Phi, hiện giờ một số chức vụ đại sứ vẫn bị bỏ trống. Chính phủ các nước Châu Phi cho rằng việc bổ nhiệm chậm chạp những vị trí bỏ trống là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng không mấy coi trọng châu Phi. Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền ông Trump chỉ đưa ra một vài tuyên bố về châu Phi, trong khi dành phần lớn thời gian tập trung vào các vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tái áp đặt trừng phạt Iran. Không giống như hai người tiền nhiệm, Tổng thống Trump không công bố bất cứ sáng kiến nào về Châu Phi.

Theo hai quan chức Mỹ, chiến lược mới của nước này không kêu gọi dành nhiều ngân quỹ cho hoạt động ngoại giao, thu thập thông tin tình báo hoặc viện trợ của Mỹ tại Châu Phi, thay vì đó tập trung sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn. Nhà Trắng dự kiến đưa một số quốc gia làm “con cờ chính” trên bàn cờ của mình. Các chuyên gia dự đoán, danh sách này sẽ có Kenya – đồng minh lâu đời của Mỹ. Đối với các nỗ lực chống khủng bố, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tìm cách tiếp tục hợp tác với các đối tác quan trọng như Somalia, Lybia và Mali.

 

Giới phân tích cho rằng, khi Nhà Trắng không có kế hoạch mở rộng các nguồn lực của Mỹ tại Châu Phi, thì không rõ làm thế nào chính quyền ông Trump có thể chống lại ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc hoặc các đối thủ cạnh tranh khác.

Tụt hậu so với Nga-Trung về ảnh hưởng kinh tế

Nhiều chuyên gia nhận định, Mỹ đang bị tụt hậu so với Nga và Trung Quốc tại khu vực Châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng tiềm lực kinh tế để thúc đẩy các lợi ích an ninh. Trung Quốc cũng xây một căn cứ quân sự tại Djibouti cách không xa căn cứ quan trọng của Mỹ - nơi đóng vai trò là bệ phóng cho các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ.

Các nhà lập pháp và các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đặc biệt lo ngại về tương lai của căn cứ này và cho rằng Trung Quốc có thể theo dõi các hoạt động của quân nhân Mỹ từ một cảng quan trọng ở Djibouti – trước đây do một công ty ở Dubai điều hành. Điều này có thể tạo cho họ một bước tiến quan trọng tại tuyến đường đến kênh đào Suez - lối vào phía nam của Biển Đỏ.

Trung Quốc đã xây dựng các con đường, đặt cáp quang và tham gia vào những dự án cơ sở hạ tầng lớn khác trong thập kỷ qua, nhưng những hoạt động này thường đi kèm với các điều khoản cho vay. Những khoản vay khiến chính quyền các nước châu Phi chìm trong nợ nần song lại tạo cho Bắc Kinh đòn bẩy quyết định trong những năm tới. Nhà phân tích Joshua Meservey của tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation đánh giá “các công ty nhà nước này tư nhân của Bắc Kinh có “quyền lực phi thường” tại châu Phi và Trung Quốc là “quốc gia bên ngoài quan trọng bậc nhất ở khu vực”.

 

Trong khi Trung Quốc được ghi nhận là đối tác thương mại hàng đầu của Châu Phi thì Nga, trong thời gian qua đã nhanh chóng vun đắp quan hệ trên khắp lục địa với việc cử các phái đoàn cấp cao đến Châu Phi để đàm phán về những hợp đồng bán vũ khí hay các thỏa thuận hợp tác quân sự. Vào tháng 9/2018, Nga đã công bố thỏa thuận xây dựng căn cứ hậu cần ở Eritrea trên Biển Đỏ và các công ty Nga cũng giành được những hợp đồng khai thác khoáng sản tại Sudan.

Ví dụ điển hình nhất về sự gia tăng ảnh hưởng của Nga là Cộng hòa Trung Phi, nơi các cố vấn quân sự và dân sự Nga đang hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh chính phủ Cộng hòa Trung Phi, còn các quan chức Nga đang đàm phán để tiếp cận với những mỏ khoáng sản của nước này.

Trung Quốc và Nga cũng đang tìm cách gặt hái những lợi ích ngoại giao từ việc xây dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước Châu Phi, bởi phiếu bầu của các nước này tại Liên Hợp Quốc có thể tạo sức nặng đối trọng với lá phiếu của Mỹ và các chính phủ phương Tây khác.

Thụt lùi về quân sự

Trong khi Nga đang xem xét mở rộng sự hiện diện và sự hỗ trợ về quân sự đối với các nước Châu Phi thì quân đội Mỹ bắt đầu cắt giảm quân số tại lục địa đen trong bối cảnh thay đổi ưu tiên chiến lược và sự chậm chạp trong các nỗ lực chống khủng bố.

 

Hoạt động quân sự của Mỹ tại Châu Phi được đánh giá lại sau khi xảy ra vụ phiến quân Hồi giáo phục kích và sát hại 4 lính Mỹ tại Cộng hòa Niger vào tháng 10/2017. Trong những tháng gần đây, Mỹ cũng đang cân nhắc kế hoạch rút bớt các lực lượng đặc nhiệm tại Châu Phi trong khuôn khổ chiến lược “tối ưu hóa” của Bộ Quốc phòng. Các quan chức quốc phòng cho biết, kế hoạch vẫn chưa được phê chuẩn, kêu gọi cắt giảm 50% binh sỹ Mỹ tại Tây Phi.

Một quan chức Mỹ, đồng thời là chuyên gia về Châu Phi cho biết, việc cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực mà còn làm tổn hại quan hệ của Mỹ đối với chính phủ các nước Châu Phi và làm giảm khả năng thu thập thông tin tình báo của Washington.


Theo VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm