Mỹ và Nga đang 'cuốn' cả thế giới vào cuộc đua vũ trang ngoài không gian
Trung Quốc khoe mẫu tàu sân bay siêu tưởng, chế áp không gian / Nhật Bản thành lập lực lượng phòng thủ không gian
Hãng thông tấn Spunik Nga ngày 19/4 cho biết, Lực lượng Vũ trụ Mỹ mới thành lập gần đây có kế hoạch mua 48 hệ thống gây nhiễu không gian trong vòng 7 năm tới, các hệ thống này sẽ cho phép Mỹ có thể hack toàn bộ vệ tinh Nga trong trường hợp “xung đột nước lớn”.
Hệ thống gây nhiễu liên lạc Block 10.2 (CCS). Nguồn: Sohu. |
Từ việc phê chuẩn thành lập Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trụ đến phát triển khả năng chiến đấu trên không gian, Mỹ có thể được coi là đang tạo ra một cuộc đua trên con đường quân sự hóa không gian. Hiện tại, Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trụ Mỹ đã bố trí 16 hệ thống gây nhiễu liên lạc Block 10.2 (CCS) và CCS là hệ thống tấn công duy nhất trong kho vũ khí của Lực lượng Không gian Mỹ.
Mỹ chính thức giới thiệu CCS vào năm 2004 và đưa ra bản nâng cấp Block 10.1 vào năm 2014. Năm 2019, tập đoàn Harris cũng đã nhận được hợp đồng trị giá 72 triệu USD để phát triển phiên bản mới, biến thể Block 10.3.
Hệ thống CCS có thể can thiệp vô hiệu hóa các vệ tinh của Nga. Nguồn: Sohu. |
Thiếu tá Seth Horner, Giám đốc chương trình CCS B10.2 nói: "CCS đã có những nâng cấp gia tăng từ đầu những năm 2000, được tích hợp các kỹ thuật mới, băng tần, làm mới công nghệ và những chỉnh sửa rút ra từ các lần nâng cấp trước đó". Nâng cấp cụ thể này bao gồm các khả năng phần mềm mới để chống lại các mục tiêu và mối đe dọa đối thủ mới.
Cơ chế hoạch động và sức mạnh cụ thể của hệ thống CCS vẫn được Mỹ bảo mật rất cao nhưng theo một số ít thông tin cho biết, đây là hệ thống có thể làm gián đoạn việc truyền tín hiệu từ vệ tinh liên lạc của đối phương. Điều này có thể mang lại cho lực lượng Mỹ những lợi thế quý giá trên chiến trường bằng cách phá vỡ khả năng liên lạc và chia sẻ thông tin bằng các hệ thống dựa trên vệ tinh của các đơn vị quân địch.
Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh không gian trong tương lai. Nguồn: Sohu. |
Ngoài ra, Tập đoàn L3Harris Technologies của Mỹ cũng đang phát triển hệ thống nhiễu khác có tên mã là "Cánh đồng cỏ", dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 10/2022, đến năm 2027 sẽ cung cấp 28 hệ thống "Cánh đồng cỏ" cho Quân đội Mỹ. Nếu hệ thống gây nhiễu này được hoàn thành đúng hạn, điều này có nghĩa là các vệ tinh Nga có nguy cơ bị "hack" bất cứ lúc nào.
Khi sức mạnh quân sự của Lực lượng Vũ trụ Mỹ không ngừng mở rộng, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu lo lắng về an ninh vũ trụ. Mặc dù Nga có khả năng chống vệ tinh mạnh mẽ, nhưng cùng với việc Mỹ đẩy nhanh bố trí hệ thống gây nhiễu không gian, thì sức mạnh của Nga đã không còn đủ để đảm bảo các hệ thống của mình hoạt động bình thường.
Hệ thống chống vệ tinh Nudol, siêu vũ khí của Nga trong tương lai. Nguồn: Sohu. |
Theo thống kê, với trang bị hiện có, Nga đang cho thấy thất thế trước Mỹ trong cuộc chiến không gian. Hiện tại số lượng các vật thể quân sự trong không gian của Mỹ nhiều hơn Nga đáng kể. Nhóm vật thể này trong không gian của Mỹ có khoảng 500 vệ tinh, mỗi năm nước Mỹ phóng thêm gần 30 vệ tinh. Trong khi đó, Nga năm 2006 có 58 vệ tinh hoạt động, 40 trong số đó hoạt động cho mục đích quân sự và 18 hoạt động với hai mục đích.
Đến năm 2015, theo ước tính Nga có khoảng 120-160 vệ tinh. Trong số này không có thông tin về việc có bao nhiêu vệ tinh đã loại ngừng hoạt động và cũng không biết có bao nhiêu vệ tinh sử dụng với mục đích quân sự hay dân sự.
Để rút ngắn khoảng cách với Mỹ, Nga cũng đang tăng cường chế tạo các hệ thống vũ khí có thể vươn tới không gian. Gần đây, Nga đã thử thành công tên lửa chống vệ tinh "Nudol", theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ, Nga đã bắn thử một tên lửa đánh chặn chống vệ tinh vào ngày 15/4, tên lửa này có khả năng phá hủy các vệ tinh có quỹ đạo thấp, Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ đang theo dõi và giám sát chặt chẽ loại tên lửa này của Nga.
Tàu vũ trụ Boeing X-37 được coi là có thể diệt vệ tinh ở cự ly gần. Nguồn: Sohu. |
Theo một số nguồn tin, để theo dõi các hành động của đối phương, quân đội Nga sử dụng vệ tinh trinh sát quang ảnh Bars-M, chúng được dùng để chụp ảnh có độ phân giải cao của bề mặt Trái đất. Trên quỹ đạo hiện có 2 loại vệ tinh này, theo kế hoạch sẽ có tổng cộng 6 hệ thống vệ tinh này trên quỹ đạo. Bars-M là thiết bị quang học rất nhạy cảm. Trên vệ tinh này có một cặp kính viễn vọng, bộ phát laser, thiết bị hiệu chuẩn, máy đo khoảng cách bằng laser, gương phản xạ và cảm biến định hướng của vệ tinh.
Mới đây nhất Nga tuyên bố hệ thống phòng không S-500 của họ có khả năng tiêu diệt các vệ tinh tầm thấp và vũ khí không gian được phóng từ máy bay siêu thanh và các cuộc tấn công của UAV siêu thanh. Tuy nhiên, Mỹ lại đang sở hữu loại tàu vũ trụ Boeing X-37. Đây là máy bay thử nghiệm bay trong quỹ đạo, chúng được cho là có thể bay ở độ cao từ 200 đến 750 km, có khả năng thay đổi quỹ đạo nhanh chóng và cơ động cao, đặc biệt chúng có thể tiêu diệt vệ tinh ở cự ly gần.
Có thể nói, Mỹ đang sử dụng mối đe dọa về lợi ích không gian như một cái cớ để xây dựng Bộ Tư lệnh Không gian để đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa không gian. Hành động của Mỹ cũng “cuốn” Nga vào cuộc đua này, do nếu không phát triển lực lượng không gian như Mỹ thì thế cân bằng quân sự sẽ bị phá vỡ, và Nga sẽ bị Mỹ “qua mặt”. Điều này làm thế giới đối mặt với cuộc chạy đua vũ trang mới - chạy đua không gian, cuộc chạy đua này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi thế giới vẫn chưa thực sự hoàn thiện luật pháp trong lĩnh vực không gian.
End of content
Không có tin nào tiếp theo