Mỹ xem lại thỏa thuận mua tên lửa 'Vòm Sắt' của Israel
Israel thử nghiệm hệ thống vũ khí laser tân tiến / Israel tuyên bố mua thêm máy bay F-35I
Dù đã đạt thỏa thuận với phía Israel về việc mua sắm 2 tiểu đoàn Iron Dome, nhưng trong quá trình thử nghiệm, vũ khí phòng thủ tên lửa của Israel đã không thể tích hợp với hệ thống chỉ huy chiến đấu hợp nhất của Quân đội Mỹ.
“Chúng tôi không thể tích hợp Iron Dome vào hệ thống phòng không hợp nhất do các vấn đề về tương tác hệ thống và hàng loạt vấn đề liên quan tới phần mềm điều khiển khác”, tướng Mike Murray, lãnh đạo chương trình phát triển Quân đội tương lai giải trình trước tiểu ban Chiến lược tác chiến không-bộ thuộc Hạ viện Mỹ.
Theo đánh giá của tờ báo The Times of Israel, vấn đề chính của phía Mỹ là không được tiếp cận mã nguồn điều khiển của tổ hợp Iron Dome. Lầu Năm Góc cần nắm được chúng để lập trình lại tương thích với hệ thống chỉ huy hợp nhất của quân đội. Tuy nhiên, mã nguồn liên quan tới bí mật công nghệ nên rất khó để thuyết phục phía Israel chuyển giao.
Hệ thống Iron Dome bắn một tên lửa đánh chặn vào ngày 9/8/2018. Ảnh: Flash90 |
Hiện tại, Quân đội Mỹ đang sở hữu 2 tiểu đoàn Iron Dome, nhưng lại không thể sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất với chức năng phòng thủ tên lửa.
“Chúng tôi có trong tay 2 tiểu đoàn Iron Dome có khả năng tác chiến độc lập rất tốt, nhưng lại không thể tích hợp chúng vào hệ thống phòng không chung”, tướng Mike Murray cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm loại vũ khí mới thay thế cho Iron Dome. Gói thầu tìm mua loại vũ khí mới như vậy sẽ được công bố vào năm 2023 và các thông tin cụ thể chưa được tiết lộ.
Trước đó, vào đầu năm 2019, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ mua hệ thống đánh chặn Iron Dome của Israel để bảo vệ binh sĩ tại các khu vực chiến sự, nhằm đáp ứng nhu cầu ngắn hạn về phòng thủ gián tiếp
Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng tới 150km vuông, mỗi tiểu đoàn Iron Dome bao gồm một trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi và dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.
Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở việc, tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn tiêu diệt mục tiêu. Ngoài khả năng phòng thủ tên lửa, Iron Dome cũng có chức năng phòng không chống lại các mục tiêu bay thông thường.
Iron Dome được giới phân tích đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất thế giới. Các tổ hợp Iron Dome trong biên chế quân đội Israel tỷ lệ thành công tới hơn 90% khi triển khai hoạt động tại Dải Gaza, địa điểm thường xuyên bị tấn công bởi đạn cối, rocket và đạn pháo từ vùng lãnh thổ Palestines.
Trong khi đó, Mỹ, Nga và Trung Quốc đầu tư mạnh vào các hệ thống phòng không cao cấp để bắn hạ máy bay tàng hình trong cuộc chiến tranh công nghệ cao, không quốc gia nào thực sự đánh chặn nhiều tên lửa, cối và đạn pháo như Israel.
Vào thời điểm Mỹ công bố mua hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome, giới phân tích nhận xét, việc quân đội Mỹ mua hệ thống Iron Dome để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, trong khi đánh giá lại các lựa chọn với vũ khí trong nước.
Quân đội Mỹ thường triển khai hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ các cơ sở đóng quân ở trong và ngoài nước. Hệ thống Patriot từng đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo Scud của Iraq trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, dù một số quan chức đã hạ thấp tỷ lệ thành công trong một tiết lộ gần đây.
Tuy nhiên, hệ thống này được đánh giá là không hiệu quả, đặc biệt là khi được chuyển giao cho khách hàng nước ngoài. Đơn cử là trường hợp của Saudi Arabia, hệ thống Patriot mà Mỹ bán cho nước này đã thất bại trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi bắn vào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo