Quốc tế

NATO cấp tập đáp trả việc Nga triển khai tổ hợp tên lửa “sát thủ”

Khối liên minh quân sự NATO cho biết họ sẽ có các biện pháp đáp trả việc Nga triển khai tổ hợp dùng bệ phóng tên lửa "sát thủ" Iskander-M, bao gồm các hệ thống dùng tên lửa gây tranh cãi 9M729.

Israel hoàn tất thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cải tiến / Dấu hiệu hạ nhiệt từ Trung Đông

NATO cấp tập đáp trả việc Nga triển khai tổ hợp tên lửa “sát thủ” - 1 Tên lửa 9M729 của Nga mà Mỹ cáo buộc vi phạm hiệp ước hạt nhân (Ảnh: Telegraph)

Khối liên minh quân sự NATO cảnh báo sẽ đáp trả việc Nga triển khai tổ hợp dùng bệ phóng Iskander-M, bao gồm các hệ thống sử dụng tên lửa 9M729. Đây là tên lửa mà Mỹ cáo buộc là Nga đã vi phạm hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), dẫn tới việc Washington hủy bỏ thỏa thuận này vào năm 2019.

“Với các tổ hợp SSC-8 (NATO gọi là 9M729), chúng tôi sẽ triển khai các hệ thống phòng không và chống tên lửa, vũ khí thông thường, cũng như tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu và kéo dài thời gian cảnh báo”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời kênh truyền hình Đức NTV ngày 13/1.

Theo ông Stoltenberg, các biện pháp này đã được bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO thông qua và sẽ được triển khai vào năm 2020.

Tổng thư ký NATO cáo buộc Nga vi phạm INF khi triển khai 9M729 và cho rằng đây là chiến lược của Moscow nhằm đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại bao gồm vũ khí hạt nhân tối tân.

NATO đã lo ngại về việc Nga triển khai các bệ phóng Iskander-M tại Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm ở khu vực Baltic.

 

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng biện pháp đáp trả hiện tại của NATO hiện chỉ mang tính phòng thủ và cho biết khối liên minh chưa có kế hoạch triển khai tên lửa hạt nhân mặt đất tới các quốc gia ở châu Âu.

9M729 từng là vũ khí gây tranh cãi giữa Mỹ và Nga khi Mỹ viện dẫn rằng tên lửa này có tầm bay vượt 500 km, cáo buộc Moscow vi phạm INF. Nga đã bác cáo buộc, công khai các chỉ số của 9M729 và cho phép phái đoàn quân sự nước ngoài, cũng như giới truyền thông “mục sở thị” tên lửa này.

Moscow sau đó “tố” ngược Washington lấy 9M729 ra làm lý do để hủy bỏ INF. Nga cáo buộc Mỹ triển khai trái phép các máy bay không người lái chiến đấu, sản xuất các tên lửa vi phạm INF, và việc triển khai các hệ thống tên lửa Aegis Ashore vừa có khả năng phòng thủ vừa có thể tấn công ở Ba Lan và Romania.

Trong suốt năm 2019, quân đội Nga đã nâng cấp các hệ thống tên lửa chiến thuật sử dụng bệ phóng Iskander-M. Với khả năng mang cả đầu đạn thường và hạt nhân, hệ thống này có tầm hoạt động tối đa 500 km.

Chi tiêu quốc phòng của NATO trong những năm gần đây đã ở mức 1.000 tỷ USD, trong khi ngân sách cho quân đội của Nga có xu hướng giảm dần theo từng năm. Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) ước tính Nga năm 2018 chi 61,4 tỷ USD ngân sách quốc phòng, giảm so với con số 66,3 tỷ USD năm 2017.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm