NATO “tiến thoái lưỡng nan” trong cuộc đối đầu Nga - Ukraine
Quân đội Syria phát hiện loạt vũ khí Israel do phiến quân bỏ lại / Vì sao vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei rúng động thị trường thế giới?
Quân đội Ukraine tập trận gần biên giới Nga hôm 3/12. (Ảnh: AFP)
Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine liệu có nổ ra trên biển Đen hay không? Thậm chí liệu Nga và NATO có thể xung đột với nhau hay không?
Theo nhà báo Jonathan Marcus của BBC, kịch bản trên có lẽ sẽ không xảy ra, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, việc lực lượng biên phòng Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ Ukraine tại eo biển Kerch hôm 25/11 chắc chắn sẽ đưa vấn đề an ninh trên biển Đen lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của NATO tại cuộc họp của liên minh ở Brussels, Bỉ trong tuần này.
Biển Đen từ lâu đã đóng vai trò chiến lược quan trọng. Khu vực này từng là nơi diễn ra cuộc xung đột lớn giữa các cường quốc phương Tây như Pháp, Anh và Nga từ giữa thế kỷ 19. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đây là con đường ngắn nhất để Liên Xô tiếp cận Iran và Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, nằm ngang lối thoát phía nam của biển Đen ra Địa Trung Hải, đối mặt với Nga qua biển Đen về phía bắc của nước này.
Đối với Nga, biển Đen thường được xem như một “sân sau” của nước này. Việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và Liên Xô tan rã càng làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Nga và các nước.
Tấn công hay phòng thủ?
Eo biển Kerch nối biển Azov và biển Đen. (Ảnh: BBC)
Nga từng liên quan tới các cuộc xung đột vũ trang nhằm vào hai quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ trước đây là Georgia và Ukraine. Nga từng sáp nhập bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ Ukraine cho là của nước này, vào năm 2014. Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng nổi dậy có vũ trang ở đông Ukraine. Nga cũng bị cho là hậu thuẫn cho lực lượng ly khai khỏi chính quyền Georgia.
Nga đang được báo động về điều mà Moscow xem là sự hiện diện ngày càng tăng của NATO trong khu vực. 3 quốc gia gần Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria đều là thành viên của liên minh quân sự này. NATO đã tiến hành các hoạt động giám sát trên không, giúp Romania bảo vệ lãnh thổ bằng cách ngăn không cho máy bay Nga tiếp cận không phận.
Ngoài ra, các tàu chiến của NATO cũng tăng cường tuần tra trên biển Đen. Romania hiện đặt một căn cứ phòng thủ tên lửa đạn đạo do Mỹ chế tạo. NATO cùng các thành viên trong khối đang phát triển quan hệ quân sự với các nước đối tác như Georgia và Ukraine.
Xét từ lập trường của NATO, các động thái trên góp phần mang lại sự ổn định và là biện pháp răn đe trong bối cảnh Nga ngày càng cứng rắn hơn. Chẳng hạn, Ukraine sẵn sàng vào cuộc để bảo đảm rằng biển Azov không trở thành “ao nhà” của Nga. Trong khi đó, cả khối NATO nói chung đều có ý định thách thức sự áp đảo của Nga tại biển Đen.
Còn xét từ quan điểm của Nga, những động thái của NATO đều cho thấy ý đồ chiếm đất ngày càng mở rộng của NATO, cũng như tham vọng của liên minh quân sự này nhằm đẩy biên giới NATO tiến về gần Nga hơn bao giờ hết. Do khu vực này đóng vai trò lịch sử quan trọng với các chính quyền Nga, nên nguy cơ căng thẳng giữa Moscow và NATO là rất lớn.
Thế khó của NATO
Tàu Nga và Ukraine rượt đuổi ở eo biển Kerch ngày 25/11. (Ảnh: TASS)
NATO đang phải đối mặt với một vấn đề.
Một mặt, chính phủ các nước thành viên NATO kêu gọi sự ổn định và hạ nhiệt căng thẳng với Nga. Mặt khác, họ vẫn tiến hành các động thái mà Nga cho là khiêu khích như tập trận quân sự hay trừng phạt kinh tế. Việc phân định rạch ròi giữa hành động phòng thủ và khiêu khích là điều không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nếu chỉ gây sức ép, NATO không thể thay đổi được hành vi của Nga.
Lấy trường hợp của Ukraine làm ví dụ. Các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể lay chuyển suy nghĩ của Tổng thống Vladimir Putin và cũng không đảm bảo rằng Nga sẽ sớm trả lại Crimea cho Ukraine chỉ vì trừng phạt. Nga dường như sẵn sàng chấp nhận “nỗi đau” bị trừng phạt để đảm bảo các lợi ích của nước này tại các khu vực gần cận.
Toan tính trên khiến NATO khó đưa ra phản ứng trong cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Nga và Ukraine. Giới phân tích đã đề xuất hàng loạt biện pháp, bao gồm việc triển khai các tàu của NATO tới biển Azov. Tuy nhiên, đây được xem là hành động bất hợp pháp vì Azov là biển nội địa, không phải tuyến hàng hải quốc tế, nên các tàu của NATO không thể ra vào tự do. Hơn nữa, đề xuất triển khai tàu cũng bất khả thi vì Nga có thể dễ dàng phong tỏa eo biển Kerch.
Một số biện pháp khác nhằm vào Nga cũng được đề xuất như tăng cường trừng phạt kinh tế, thậm chí đòi bồi thường cho những tổn thất về kinh tế mà Ukraine phải gánh chịu khi Nga kiểm soát các cảng biển của Ukraine tại biển Azov.
Sẽ có những ý kiến tại Ukraine và Mỹ cho rằng nên tăng cường việc cấp vũ khí cho Kiev. Mặc dù các nước NATO đã tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện cho quân đội Ukraine, song họ gần như không đả động tới viẹc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cung cấp một số lượng hạn chế các vũ khí chống tăng Javelin nhằm khắc phục nhược điểm phòng thủ lớn trong lực lượng bộ binh Ukraine. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng Kiev cần được cung cấp thêm các tên lửa chống hạm đặt trên bờ biển để giúp nâng cao sự cân bằng về hải quân tại các vùng biển gần.
Tuy vậy, không có giải pháp nào là hoàn hảo cho tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây. Nhiệm vụ trước mắt chỉ là đảm bảo rằng mọi chuyện sẽ không diễn biến phức tạp thêm. NATO đang phải đối mặt với tình thế lưỡng nan, đó là làm thế nào để trấn an các đồng minh và bạn bè tại biển Đen mà không khiến cho mọi vấn đề liên quan tới Nga trở nên tồi tệ hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này