Quốc tế

Nga bất lực trước thông điệp ngạo mạn từ NATO?

Nga không tin NATO có thể bảo vệ thành viên và cảnh báo khả năng Skopje trở thành "mục tiêu hợp pháp" nếu quan hệ giữa NATO và Nga xấu thêm.

NATO mở rộng sứ mệnh của mình tại Iraq / Điều loạt tàu chiến mới tới Biển Đen, Nga quyết "ăn miếng trả miếng" với Mỹ - NATO

NATO tự tin Đông tiến

Ngày 2/4, nước Cộng hòa Bắc Macedonia đã chính thức là thành viên thứ 30 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sự kiện quốc gia từng thuộc Liên bang Nam Tư cũ gia nhập NATO được giới phân tích phương Tây đánh giá là thông điệp mạnh mẽ đối với Nga.

Bắc Macedonia chỉ có một lực lượng quân sự khiêm tốn với khoảng 8.000 binh sĩ tại ngũ và 5.000 quân dự bị. Vũ khí trang thiết bị của quốc gia Balkan này cũng không “đáng kể” với vài chục chiếc xe tăng “cổ” T-72, một số ít máy bay trực thăng, xe bọc thép, súng pháo các loại.

Phương Tây thừa nhận việc kết nạp một Bắc Macedonia với quân đội nhỏ bé và trang thiết bị rất hạn chế không giúp ích nhiều về mặt quân sự, song lại có nhiều ý nghĩa theo cách lý giải của NATO.

Nga bat luc truoc thong diep ngao man tu NATO?
Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng tư cách thành viên NATO sẽ giúp tạo ra sự ổn định và thịnh vượng ở Bắc Macedonia và góp phần đảm bảo an ninh cho khu vực Tây Balkan cũng như toàn bộ châu Âu-Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá việc Bắc Macedonia gia nhập NATO sẽ làm gia tăng sự ổn định và an ninh trên khắp Balkan và đây cũng là chính sách mở cửa của NATO giúp bảo đảm tự do, dân chủ và nhân quyền.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết tư cách thành viên NATO của Bắc Macedonia sẽ "hỗ trợ hội nhập, cải cách dân chủ, thương mại, an ninh và ổn định trên toàn khu vực".

Đối với NATO, việc kết nạp Bắc Macedonia giúp liên minh này khẳng định rằng mình không lỗi thời, ngược lại NATO vẫn rất hùng mạnh và tiếp tục phát triển thịnh vượng, là tổ chức không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh cho châu Âu.

Bên cạnh đó, NATO muốn cho các ứng cử viên khác thấy rằng cánh cửa gia nhập liên minh sẽ vẫn mở rộng, miễn là các nước sẵn sàng cải cách "để đạt được các tiêu chuẩn cao của NATO".

 

Sự mở rộng nhanh chóng của NATO về phía Đông được coi là sự thất bại của Nga trước NATO và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga-NATO. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Bắc Macedonia là quốc gia thứ 14 gia nhập NATO, hầu hết các nước trong số này từng có mối liên hệ gần gũi với Liên Xô trước đây.

Nga bat luc truoc thong diep ngao man tu NATO?
NATO nói nhiều về "lợi ích" của Bắc Macedonia khi gia nhập khối

Giới phân tích phương Tây đánh giá việc kết nạp Bắc Macedonia tiếp tục là một chiến thắng của NATO trước Nga trong chiến lược lôi kéo các nước thuộc liên bang Nam Tư cũ về phía phương Tây, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của liên minh quân sự này trong việc đảm bảo an ninh và ổn định trên khắp Balkan cũng như châu Âu.

Phương Tây tự tin khi cho rằng NATO tiếp tục gửi tới Nga một thông điệp rằng Nga dù muốn hay không cũng không thể cản trở việc NATO mở rộng.

Thay vào đó, Nga chỉ có thể đứng nhìn mà không thể sở hữu cái gọi là "quyền phủ quyết ngầm" đối với việc kết nạp thành viên NATO.

NATO sẽ tiếp tục chính sách mở rộng về phía Đông, kết nạp các thành viên mới nhằm thu hẹp hơn nữa không gian ảnh hưởng của Nga và tiến tới cô lập hơn nữa nước này.

 

Phản ứng bất lực của Nga?

Bằng chiến lược "Đông tiến", từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự-quốc phòng, NATO ngày càng thu hút thêm nhiều nước thuộc "không gian hậu Xô viết" gia nhập. Năm 1999, 3 nước gồm Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary trở thành thành viên chính thức của NATO.

Năm 2004 là Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia.

Năm 2009 là Croatia, Albania. Năm 2017 là Montenegro và nay là Bắc Macedonia.

NATO đã thâu tóm gần hết "không gian hậu Xô viết", nơi luôn được coi là vùng ảnh hưởng quan trọng của Nga. Một đất nước như Bắc Macedonia gia nhập NATO tiếp thêm “động lực” không nhỏ cho các quốc gia khác trong khu vực như Gruzia và Ukraine.

 

Các nước này cũng đang định hướng về phía Tây, trong đó NATO và Liên minh châu Âu (EU) là mục tiêu theo đuổi lâu nay.

Nga bat luc truoc thong diep ngao man tu NATO?
Binh sĩ Bắc Macedonia trong thành phần liên quân tại Afghanistan

Dù luôn coi chiến lược mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng Nga rõ ràng chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Thay vào đó, Moscow chỉ có thể nhìn các nước thuộc không gian hậu Xô viết lần lượt trở thành thành viên hoặc nằm trong vùng ảnh hưởng của NATO.

Phản ứng trước bước đi mới nhất của NATO về phía Đông, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định chiến lược mở rộng của liên minh quân sự này tạo ra các đường phân cách mới giữa lúc thế giới cần đoàn kết để chống đại dịch COVID-19.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết: “Rõ ràng, việc Skopje gia nhập liên minh này không mang lại giá trị bổ sung nào cho an ninh quốc gia, khu vực cũng như châu Âu.

Bước đi này chắc chắn sẽ không đóng góp cho việc thống nhất các nỗ lực nhằm đấu tranh với những thách thức và mối đe dọa chung, bao gồm đại dịch coronavirus. Nó chỉ tạo ra những đường phân chia”.

 

Người Nga coi Bắc Macedonia “khoa trương” sự kiện gia nhập NATO là những nỗ lực “phù phiếm” bởi quốc gia Balkan này đang trong tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao Nga bình luận: “Giữa lúc tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố ở đất nước này, giới lãnh đạo Bắc Macedonia vẫn không bỏ lỡ cơ hội tuyên bố một cách khoa trương về ý nghĩa lịch sử của việc gia nhập NATO, điều được cho là sẽ đảm bảo giúp Skopje có được an ninh và ổn định”.

Nga bat luc truoc thong diep ngao man tu NATO?
Nga đang bất lực nhìn NATO Đông tiến?

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc gia nhập NATO không giúp các nhà lãnh đạo Bắc Macedonia thực hiện lời hứa với người dân nước này về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hay tăng cường nhà nước pháp quyền. Ngược lại, Skopje giờ phải tăng chi tiêu quốc phòng và mua sắm vũ khí của phương Tây, trước hết là của người Mỹ.

Nga khẳng định đây chính là cái giá mà người dân Bắc Macedonia phải trả cho việc từ bỏ chủ quyền trong lĩnh vực chính trị, quân sự và không chỉ trong những vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, NATO “còn lâu” mới có khả năng bảo vệ các thành viên của mình cũng như không giải quyết những tranh cãi dai dẳng giữa họ. Bộ này tuyên bố Nga hy vọng Bắc Macedonia sẽ tuân thủ những cam kết đối với NATO ngang bằng những văn kiện đã ký kết với Nga.

 

Đại sứ Nga tại Bắc Macedonia cũng chỉ trích gay gắt việc Bắc Macedonia gia nhập NATO và cho rằng nước này có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" nếu quan hệ giữa NATO và Nga xấu thêm.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm