Nga chật vật chế tạo từng tiêm kích Su-57 trong khi F-35 đủ đơn hàng cho 14 năm
Vì sao Nga tái sản xuất hàng loạt xe tăng T-80 thay vì đặt niềm tin vào T-90M? / Bí ẩn vật liệu 'vua của kim loại' giúp máy bay đạt tốc độ hơn 3.600 km/h
Hiện tại Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) dù rất nỗ lực nhưng vẫn chỉ đủ khả năng bàn giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga khoảng 2 đến 4 tiêm kích Su-57 Felon mỗi năm.
Cần nhấn mạnh, đây thậm chí là phiên bản chưa đạt tới mọi thông số kỹ thuật đúng theo thiết kế, chiếc Felon chưa có động cơ đạt chuẩn và hệ thống điện tử hàng không vẫn phải cải thiện thêm.
Thậm chí trong thời gian sắp tới, tiến độ chế tạo Su-57 khó mà hoàn thành mục tiêu như Bộ Quốc phòng Nga đã giao cho UAC, khi lệnh cấm vận nghiêm ngặt khiến nhà sản xuất không thể nhập những linh kiện cần thiết trong nước chưa chế tạo được.
Trong khi Su-57 Felon ở trong tình trạng khó khăn thì đối thủ của nó - chiếc F-35 Lightning II đang gặp một rắc rối khác tuy nhiên lại trái ngược hoàn toàn, đó là không sản xuất kịp để đáp ứng đơn đặt hàng.
F-35 hiện chính là tiêm kích bán chạy nhất trên thị trường vũ khí thế giới khi ngày càng có nhiều người mua mới. Trong lúc này, số lượng đơn đặt hàng đã vượt quá khả năng sản xuất của Lockheed Martin.
Hiện tại các nhà máy của Lockheed Martin có thể sản xuất 156 chiếc F-35 mỗi năm, sản lượng như vậy là khá ấn tượng khi đặt cạnh dây chuyền lắp ráp F-16 với 48 chiếc/năm, nhưng vẫn là quá nhỏ so với 2.500 máy bay đã được đặt hàng.
Đại diện của Tập đoàn Lockheed Martin cho biết họ đang nâng cấp các cơ sở sản xuất, tốc độ lắp ráp F-35 sẽ tăng lên lên 180 chiếc/năm, nhưng ngay cả như vậy vẫn phải mất 14 năm mới hoàn thành mọi hợp đồng đã có.
Không chỉ có vậy, những khách hàng mới liên tục được thêm vào danh sách chờ, trong khi nhiều nước mua hiện tại đang mở rộng quy mô phi đội tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của họ.
Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ, Tập đoàn Lockheed Martin - đơn vị chịu trách nhiệm chính không thể tự mình tăng sản lượng, bởi F-35 Lightning II là một sản phẩm hợp tác với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Đó là Northrop Grumman - doanh nghiệp chuyên sản xuất các bộ phận khung thân, hay Pratt & Whitney - nhà chế tạo động cơ, cho đến các nhà thầu nhỏ hơn cung cấp những linh kiện cấu thành ít quan trọng và giá trị không cao.
F-35 là chiếc tiêm kích rất đặc biệt, khi đây là một dự án đa quốc gia, với rất nhiều nước đóng góp kinh phí cho chương trình và sẽ đảm nhiệm sản xuất một số thành phần riêng lẻ.
Không chỉ có vậy, việc mở rộng sản xuất yêu cầu phân bổ thêm khoản ngân sách khổng lồ, theo ước tính của các chuyên gia phân tích kinh doanh trong ngành hàng không, lợi nhuận chỉ có được sau 5 - 6 năm nếu nhu cầu giữ ở mức như hiện tại.
Tuy vậy những khó khăn của nhà sản xuất F-35 cũng mở ra cơ hội cho những đối thủ khác chen chân nhằm chiếm lĩnh thị trường ngách.
Hiện tại đối thủ cạnh tranh với F-35 được xác định là KF-21 của Hàn Quốc, TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ, J-31 của Trung Quốc, hay thậm chí là chiếc Su-75 Checkmate đình đám mà Nga giới thiệu cách đây ít lâu.
Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật có thể không bằng F-35 Lightning II nhưng giá rẻ và thời gian giao hàng nhanh sẽ là ưu thế cạnh tranh chủ đạo đối với những chiến đấu cơ thế hệ 5 nói trên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo