Quốc tế

Nga đã có bùa trị “đội quân ma” của Mỹ?

Trong khi Mỹ bóng gió thiết lập “đội quân ma” là các đơn vị tác chiến tự động, Nga đã đi trước và có trong tay các mẫu vũ khí hiện đại.

Mỹ tin có thể đánh bại hệ thống phòng không Nga / Vaccine Sputnik V của Nga hiệu quả 83% trong ngăn ngừa biến thể Delta

“Đội quân ma” của Mỹ

Trang Sputnik của Nga dẫn thông tin từ tạp chí khoa học và công nghệ Popular Mechanics tiết lộ Mỹ đang chạy đua công nghệ với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực phương tiện mặt đất tự động. Theo đó, quân đội Mỹ hiện đang nghiên cứu ba loại đơn vị tác chiến tự động, khác nhau về kích thước, trang bị kỹ thuật và nhiệm vụ thực hiện.

Theo Popular Mechanics, hướng đi này đặc biệt quan trọng vì các thiết bị tương tự đang được phát triển ở Nga và Trung Quốc. Nguồn tin nhấn mạnh quốc gia đầu tiên cung cấp cho quân đội robot chiến đấu cần thiết sẽ có lợi thế đáng kể.

Nga da co bua tri “doi quan ma” cua My?
Một mẫu robot chiến đấu của quân đội Mỹ

Thiếu tướng Ross Coffman, Giám đốc Đội Phương tiện Chiến đấu Thế hệ Tiếp theo - Chức năng chéo, thuộc Bộ Chỉ huy Tương lai Quân đội Mỹ đã so sánh những diễn biến mới với "đội quân ma" của Mỹ trong Thế chiến II: "Khi ở trong bóng tối và nghe thấy tiếng những cỗ máy này tiếp cận, trong khi hoàn toàn không xác định được vị trí của chúng, điều đó vô cùng đáng sợ".

“Đội quân ma” là cụm từ chỉ một đơn vị lính Mỹ trong Thế chiến II, có nhiệm vụ ngụy trang thành nhóm quân đồng minh khác để đánh lạc hướng kẻ thù. Những người lính này sử dụng xe tăng giả, xe tải và phát sóng vô tuyến giả. Thông tin về đơn vị này được mật hóa ở cấp độ cao, chỉ được chính phủ công khai vào năm 1996.

Theo các tài liệu giải mật, đơn vị cấp tiểu đoàn tối mật của Mỹ tham gia chiến đấu bằng kỹ xảo dàn dựng, sử dụng xe tăng bơm hơi có kích thước như thật, phù hiệu giả, âm thanh và đường truyền vô tuyến giả để đánh lừa lực lượng Đức trên chiến trường.

Lực lượng đặc biệt số 23 này có khoảng 1.100 người, bao gồm các nghệ sĩ, sĩ quan quân đội chuyên nghiệp và chuyên gia âm thanh. Lực lượng “đánh lừa” chuyên nghiệp của Mỹ đã thực hiện khoảng 20 nhiệm vụ từ tháng 5/1944 đến năm 1945, được cho là đã giúp cứu sống hàng chục nghìn binh lính Đồng minh.

Nga da co bua tri “doi quan ma” cua My?
Một mẫu xe tăng giả được "đội quân ma" của Mỹ sử dụng trong Thế chiến II

“Cảm hứng” để người Mỹ thành lập “đội quân ma” là chiến thuật đánh lừa mà Anh từng tiến hành ở Bắc Phi hồi năm 1942. Trong chiến dịch Bertram, Anh đã ngụy trang và “trưng” hơn 2.000 phương tiện giả khiến người Đức cho rằng Anh đang củng cố một vị trí ở phía Nam, trong khi trên thực tế Anh lại điều động lực lượng lên phía Bắc.

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của “đội quân ma” là đánh lừa Đức trong chiến dịch đổ bộ Normandy. Tháng 5/1944, đội quân này tới Anh và đóng quân gần thành phố Stratford-on-Avon. Họ đã xây dựng các căn cứ quân sự và sân bay giả khiến Đức tin rằng quân Đồng minh sẽ đổ bộ gần thành phố Calais (Anh) hoặc Na Uy chứ không phải Normandy.

Trong chiến dịch Normandy, đội quân này thậm chí đã dàn dựng thành công một cảng di động giả để thu hút hoả lực của quân Đức. Bằng cách ghi âm tiếng nổ động cơ xe tăng, tiếng ồn của binh sĩ và phát lại bằng thiết bị âm thanh tối tân thời bấy giờ, “đội quân ma” còn khiến lực lượng phòng thủ của Đức lầm tưởng đã bị một đội quân đông đảo hơn nhiều lần bao vây.

Nga đã có “bùa trị ma”

Theo lời Thiếu tướng Mỹ Ross Coffman, hiện chưa rõ người Mỹ muốn tái hiện “đội quân ma” để nghi binh như trong Thế chiến II hay ứng dụng trong thực chiến. Trong khi đó, người Nga đã đi trước khi tập trung phát triển và đang dần hình thành các đơn vị robot chiến đấu cho quân đội.

Truyền thông Nga hồi tháng 5 vừa qua dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergei Shoigu cho biết quân đội Nga sẽ sớm có robot chiến đấu tự hành, có thể hoạt động độc lập trên chiến trường. Trang Zvezda dẫn lời ông Shoigu nói: “Đây không chỉ là nguyên mẫu thử nghiệm mà còn là robot có thể xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng vì chúng có thể tự chiến đấu”.

 

Nga da co bua tri “doi quan ma” cua My?
Robot chiến đấu tự hành Uran-9 của Nga

Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh Nga đã nỗ lực lớn để phát triển các vũ khí tương lai có tích hợp trí tuệ nhân tạo. Robot chiến đấu của Nga sẽ có thể tự tiếp cận tình huống chiến đấu, là một phần trong kho vũ khí hiện đại mà quân đội Nga đang tập trung phát triển.

Theo giới phân tích, một trong những loại robot chiến đấu mà ông Shoigu muốn nói tới là Uran-9. Đây là hệ thống vũ khí robot đa nhiệm, có bề ngoài giống một chiếc xe tăng nhỏ trang bị pháo 30mm, súng phun lửa và 4 tên lửa chống tăng. Được thiết kế để trinh sát và hỗ trợ hỏa lực, Uran-9 có thể hỗ trợ binh sĩ trên chiến trường để giảm thiểu thương vong.

Các thông nguồn mở cho biết, Uran-9 là mẫu vũ khí do Cục sản xuất thiết bị kỹ thuật 766 của Nga phát triển. Robot nặng 10 tấn, dài 4,5 m, rộng 2 m, cao 1,4 m và có tốc độ tối đa 40 km/h.

Về hoả lực, một số nguồn tin cho biết Uran-9 được trang bị hệ thống vũ khí có điều khiển toàn diện bao gồm 4 tên lửa chống tăng 9S120 "Bumblebee-M", 4 tên lửa phòng không 9K33 SA-18 và 1 pháo 2A72 cỡ nòng 30mm với cơ số đạn 200 viên và súng máy 7,62mm.

Ngoài ra, Nga cũng đang phát triển mẫu Uran-6 với khả năng rà phá bom mìn tự động. Robot này giống xe ủi đất, nặng 6 tấn, có nhiệm vụ tạo lối đi an toàn cho binh sĩ khi băng qua bãi mìn. Điểm đáng lưu ý là cả Uran-9 và Uran-6 đều đã được Nga sử dụng trong các chiến dịch thực chiến ở Syria.

 

Nga da co bua tri “doi quan ma” cua My?
Robot rà phá bom mìn Uran-6 của Nga

Quân đội Nga được cho là đang phát triển một cỗ máy chiến đấu mạnh hơn nữa dựa trên xe tăng T-72 và T-14 Armata. Nga đã tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo cho T-14 nhằm phát hiện thành công các mục tiêu khác nhau ở địa hình phức tạp.

Về phía hải quân, Nga đang phát triển tàu ngầm không người lái Poseidon. Đây là loại tàu ngầm hạt nhân lớn có lò phản ứng hạt nhân mini, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Nga đã công khai các cuộc thử nghiệm loại vũ khí này lần đầu năm 2019. Tàu ngầm có khả năng tiếp cận lãnh thổ đối phương từ sâu dưới nước và có chế độ “tàng hình”.

Giới chức Mỹ từng công khai bày tỏ lo ngại nguy cơ mẫu vũ khí mới này sẽ tạo ra “sóng thần phóng xạ” lên bờ biển nước Mỹ.

Hãng tin TASS của Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho biết: "Quá trình sản xuất hàng loạt đã bắt đầu. Không còn là thử nghiệm, mà đó là những con robot có thể xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng bởi khả năng chiến đấu độc lập. Nó chính xác là thứ vũ khí của tương lai".

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm