Nga đã thu về bao nhiêu tiền nhờ bán vũ khí cho Venezuela?
Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ gánh hậu quả “nghiêm trọng” nếu mua S-400 của Nga / Nga quyết làm tất cả những gì có thể để ngăn Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela
Venezuela hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu vũ khí chủ yếu do Nga sản xuất. Nhiều hợp đồng quân sự quy mô lớn được Venezuela ký kết với Nga trước khi quốc gia Mỹ Latinh rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự nhận làm Tổng thống Venezuela.
Quân đội Venezuela sử dụng xe tăng T-72B1 do Nag sản xuất trong một cuộc diễu binh. |
Mới đây, trong bài phát biểu về kế hoạch mua thêm vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang quốc gia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đã nhắc tới vũ khí Nga.
“Chúng tôi sẽ đầu tư cho các binh sĩ, quân đội và dân quân những trang thiết bị quân sự hiện đại nhất. Venezuela sẽ có mọi thứ từ tên lửa vác vai Igla của Nga trang bị cho lực lượng dân quân và quân đội sẽ có những thế hệ tên lửa hiện đại nhất bởi Venezuela muốn có hòa bình”, Tổng thống Maduro phát biểu trước quân đội quốc gia vào ngày 10/2.
Kể từ năm 2005, Venezuela được cho đã mua số vũ khí trị giá hơn 4 tỷ USD từ Nga bao gồm gần 50 trực thăng, 24 chiến đấu cơ và 100.000 khẩu súng trường Kalashnikov.
Thậm chí, công ty sản xuất súng Kalashnikov Concern, đơn vị sản xuất súng AK-47 tại Nga hiện có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất súng mới ở Venezuela vào cuối năm nay, theo hãng tin Interfax. Nhà máy này sẽ cho ra đời hàng chục ngàn khẩu súng mỗi năm cho Nga.
“Nhà máy đóng vai trò quan trọng chiến lược cho nền độc lập của Venezuela và các lực lượng vũ trang Venezuela”, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, Tổng Tư lệnh Vladimir Padrino Lopez chia sẻ với Interfax hồi tháng 4/2018 ở Moscow.
Ngoài lĩnh vực hợp tác quốc phòng, chính quyền của Tổng thống Maduro hiện được xem là con nợ lớn của Nga. Theo AP, Nga đã đổ hơn 17 tỷ USD vào Venezuela thông qua các khoản cho vay và đầu tư kể từ năm 1999. Mặc dù, Venezuela đã trả được phần lớn khoản nợ cho Nga nhưng hiện Venezuela vẫn nợ Nga khoảng 3,15 tỷ USD.
Hồi tháng 11/2017, Nga và Venezuela đã ký kết thỏa thuận trả số nợ trên trong vòng 10 năm.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela, Mỹ, Canada và nhiều quốc gia khác trong khối Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm Tổng thống Venezuela lâm thời. Thậm chí, Mỹ còn áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm gây khó cho chính quyền của Tổng thống Maduro trong hoạt động tiếp cận các nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Cụ thể, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên công ty dầu mỏ quốc gia của Venezuela PDVSA. Theo chia sẻ hồi tháng trước của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với PDVSA sẽ khiến chính quyền của ông Maduro thất thu tới 11 tỷ USD trong hoạt động xuất khẩu vào năm tới cũng như ngăn cản ông Maduro tiếp cận khối tài sản ở PDVSA trị giá 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều nước lớn như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lại khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Maduro.
Thậm chí, phe đối lập ở Venezuela cho hay ông Maduro đang tìm nhiều cách khác để trả nợ cho các đồng minh như bằng vàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo