Quốc tế

Nga đang phát triển thế hệ tàu ngầm thông thường sử dụng công nghệ AIP mới

Hãng thông tấn TASS của Nga đăng tải, tàu ngầm thông thường chạy diesel-diện trang bị công nghệ cung cấp động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) đang được Tập đoàn đóng tàu hợp nhất của Nga (UAC) phát triển và chế tạo. Dự kiến, tàu ngầm trang bị công nghệ AIP đầu tiên của Nga có thể xuất hiện vào năm 2023.

Nga muốn "hồi sinh" máy bay ném bom động cơ hạt nhân / Hệ thống Koral của Thổ Nhĩ Kỳ bị MiG-29 Nga 'thiêu cháy' tại Libya?

Đại diện UAC, Alexei Rakhmanov cho biết, nguyên mẫu tàu ngầm áp dụng công nghệ AIP mới đang được thực hiện theo thỏa thuận với Tổ hợp thiết kế hàng hải Rubin và Bộ Công Thương Nga ký cuối năm 2019.

“Công việc đang diễn ra đúng kế hoạch và dòng tàu ngầm mới có thể ra mắt vào năm 2023”, ông Alexei Rakhmanov nhấn mạnh.

Hiện tại, nhiều chuyên gia quân sự Nga nhận định, công nghệ AIP của Nga sẽ được trang bị đầu tiên trên lớp tàu ngầm 677 Lada và biến thể xuất khẩu Amur-1650. Quá trình phát triển công nghệ AIP của Nga đang đẩy nhanh với sự hỗ trợ tài chính từ phía Ấn Độ. Theo thỏa thuận ký đầu tháng 9/2029, Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển công nghệ AIP trên tàu ngầm theo nguyên tắc đồng đẳng. Hai bên sẽ cùng bỏ nguồn tài chính phát triển công nghệ và có quyền sở hữu sáng tạo tương đương nhau trong chương trình phát triển tàu ngầm mới.

Tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Lada nhiều khả năng sẽ được trang bị công nghệ AIP mới.

Theo các thông tin được công bố, công nghệ AIP mới của Nga cho phép tàu ngầm có thể sạc pin năng lượng đủ để hoạt động liên tục trong vòng 14 ngày. Nếu hệ thống AIP hoạt động đúng như thiết kế, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ tàu ngầm thông thường thế hệ mới của Nga.

So với tàu ngầm truyền thống, công nghệ AIP mang lại nhiều lợi thế cho các dòng tàu ngầm được trang bị. Công nghệ này giúp tàu ngầm không cần nổi lên mặt nước để chạy động cơ diesel để sạc lại hệ thống pin năng lượng, mà có thể thực hiện công đoạn này khi tàu ngầm đang lặn. Dù chưa thể thay thế hoàn toàn động cơ đốt trong truyền thống, nhưng công nghệ AIP giúp tàu ngầm có thể lặn lâu hơn và khó bị phát hiện hơn trước các phương tiện săn ngầm của đối phương.

Hiện tại, trên thế giới có một số trường phái công nghệ AIP nổi bật như: Động cơ tuần hoàn Stirling của Thụy Điển; hệ thống pin tế bào tự tạo ra năng lượng và động cơ sử dụng hydrogen của Đức… Mỗi công nghệ AIP đều có lợi thế riêng và đang được hải quân nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Công nghệ AIP sẽ giảm sự phụ thuộc của tàu ngầm chạy diesel-điện vào hệ thống pin nhiên liệu lưu trữ. Quá trình nổi lên mặt nước chạy động cơ diesel nạp pin là thời điểm tàu ngầm dễ bị phát hiện và tấn công nhất.

Không chỉ có Viện Rubin, Tổ hợp thiết kế Malakhit cũng đang phát triển hệ thống AIP trang bị trên tàu ngầm. Tuy nhiên, quá trình phát triển vẫn đang dừng ở nguyên mẫu công nghệ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm