Nga gây bất ngờ khi đưa máy bay siêu thanh Tu-144 'diễu phố'
Tu-144 là máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên trên thế giới được chế tạo vào thời Liên Xô, tuy nhiên chiếc phi cơ này có số phận khá hẩm hiu và đã bị cho ngừng bay từ rất lâu. Mới đây, một chiếc đã được Nga mang ra làm tượng đài, sau thời gian dài niêm cất.
Công nghệ khung vỏ Su-57 bị nhận xét... tụt hậu 2 thập kỷ so với F-35 / Bất ngờ sức mạnh loại xe tăng Nga vừa cấp cho Syria để hủy diệt phiến quân
Mới đây vào ngày 16/7, một chiếc máy bay chở khách siêu thanh Tu-144 sơn cờ Liên Xô trên cánh đuôi đứng đã được tháo dỡ cánh và vận chuyển đến thành phố Zhukovsky, gần thủ đô Moskva của Nga.
Máy bay sẽ được hoán cải công năng thành tượng đài của thành phố. Theo thông báo, lễ khai trương sẽ được tổ chức vào đêm trước khi diễn ra triển lãm hàng không MAKS 2019 vào đầu tháng 8.
Được biết đây là một trong 16 khung thân Tu-144 từng được sản xuất và ở trong tình trạng niêm cất bảo quản suốt hàng chục năm qua, sau khi nó thực hiện chuyến bay cuối cùng.
Máy bay chở khách siêu thanh Tu-144 được chế tạo dưới sự chỉ đạo của phòng thiết kế Tupolev Liên Xô, do công trình sư lỗi lạc Alexei Tupolev đứng đầu.
Chiếc Tu-144 đầu tiên cất cánh vào ngày 31/12/1968 ở Moskva. Máy bay lần đầu vượt bức tường âm thanh ngày 5/6/1969. Đến ngày 15/7/1969 nó trở thành chiếc máy bay chở khách đạt tốc độ nhanh nhất thế giới, lên tới 2.500 km/h.
Bề ngoài giống với Concorde của châu Âu, Tu-144 được thiết kế lớn hơn có thể chứa 140 hành khách. Thiết kế của nó lấy cảm hứng từ những nghiên cứu trước đó dựa trên mẫu máy bay ném bom Tu-125 và Tu-135.
Cũng giống như Concorde, các động cơ của Tu-144 được đặt thành cặp gần bộ phận lái ở đuôi dưới mỗi cánh, trong khi thân trước sử dụng một cơ cấu mũi chúc xuống để cải thiện tầm nhìn của phi công khi cất và hạ cánh.
Dự án phát triển chiếc Tu-144 bị cáo buộc có liên quan đến vụ gián điệp công nghiệp chống lại nhà sản xuất máy bay Concorde là Aérospatiale của Pháp, mặc dù chiếc Tu-144 được xuất xưởng trước.
Tuy đã được giới thiệu đến công chúng vào năm 1965, nhưng đa phần thế giới vẫn không được nhìn kỹ chiếc máy bay mới cho tới khi một chiếc Tu-144 xuất hiện ở cuộc triển lãm hàng không Paris năm 1973.
Đáng tiếc rằng vụ tai nạn nghiêm trọng ngay khi bay biểu diễn dẫn đến cái chết của 6 người trên máy bay và 8 người trên mặt đất đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động tiếp theo của Tu-144.
Sau nhiều sửa đổi như lắp thêm cánh mũi có thể thụt vào để cải thiện tính năng bay tốc độ thấp, thiết kế đường dẫn vào mới, tăng sải cánh, phần thân được kéo dài hơn và bỏ ghế phóng của phi công vốn có ở mẫu đầu tiên thì chiếc Tu-144 đã có vẻ đáng tin cậy.
Chiếc Tu-144 đầu tiên được đưa vào sử dụng vào cuối năm 1975 và bắt đầu một loạt các chuyến bay chở hàng và thư từ giữa Moskva và Alma Ata. Hai năm sau, việc vận chuyển hành khách cũng bắt đầu giữa các thành phố đó, nhưng các chuyến bay chỉ kéo dài trong 7 tháng.
Sau khi xảy ra tai nạn thảm khốc thứ hai dẫn tới việc kết thúc sự vận hành của loại Tu-144, 7 chiếc Tu-144 còn lại hoặc bị đưa vào kho hoặc được trao cho các viện bảo tàng.
Tu-144 có màn quay lại bầu trời một cách hoành tráng vào năm 1996, nhưng cũng chỉ thực hiện được 32 chuyến bay và dừng hẳn hoạt động vào tháng 4/1999.
Mặc dù không thực sự thành công khi khai thác thương mại nhưng Tu-144 vẫn xứng đáng được xem là một thành tựu lớn của công nghiệp hàng không Liên Xô.
Theo Việt Dũng/anninhthudo.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo