Nga nói Mỹ sợ "xấu hổ" về vũ khí siêu thanh
Nga phạt 7 năm tù nếu vi phạm cách ly / Mỹ có thể xem xét "nới lỏng" trừng phạt Iran
Mỹ "phả hơi thở nóng" vào Nga
Ngày 20/3, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này đã thử nghiệm thành công thiết bị lượn siêu thanh thông thường, gọi tắt là C-HGB, và coi loại vũ khí này có khả năng "áp đảo" hệ thống phòng thủ của đối phương.
Theo Lầu Năm Góc, tên lửa thử nghiệm có tốc độ di chuyển siêu thanh, nhanh hơn tốc độ âm thanh 5 lần - hay 5M, để tới được điểm va chạm.
Trang Quốc phòng của Mỹ đánh giá các hệ thống vũ khí như trên sẽ giúp quân đội Mỹ có khả năng tấn công nhanh mới chống lại những đối thủ “tiến bộ” khác như Trung Quốc và Nga.
Hình ảnh từ cuộc thử nghiệm C-HGB ngày 19/3 của Mỹ |
Trong thông cáo, Lầu Năm Góc nêu rõ: “Các vũ khí siêu thanh có khả năng bay ở tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh, cơ động cao và hoạt động ở nhiều độ cao khác nhau. Điều này sẽ giúp tấn công các mục tiêu từ khoảng cách hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dặm trong một vài phút và đánh bại nhiều loại mục tiêu có giá trị cao”.
Theo trang Quốc phòng, Lục quân và Hải quân Mỹ tiến hành thử nghiệm C-HGB vào lúc 22h30 ngày 19/3 tại căn cứ tên lửa trên đảo Kauai thuộc Hawaii. Nguyên mẫu này đã bay ở tốc độ siêu thanh và đánh trúng điểm va chạm được tính toán.
Phó Đô đốc Jonny Wolfe, Giám đốc chương trình các hệ thống chiến lược của Hải quân Mỹ, cho biết: “Trong cuộc thử nghiệm mới nhất, C-HGB đã được gia tăng các nhiệm vụ và đều hoàn thành. Chúng tôi đã phê chuẩn thiết kế và giờ sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo hướng tới hiện thực hóa khả năng tấn công bằng vũ khí siêu thanh”.
Trong khi đó, báo chí Nga cho biết tên lửa siêu thanh mới đang được Mỹ phát triển trong khuôn khổ chương trình “Tấn công Nhanh Truyền thống” (CPS) và Hải quân Mỹ dự định chi hơn 1 tỷ USD vào năm 2021.
Khái niệm CPS liên quan đến việc tiêu diệt các mục tiêu quan trọng bằng vũ khí phi hạt nhân ở bất cứ đâu trên thế giới trong vòng 1 giờ sau khi nhận được lệnh, đặc biệt là không cần sử dụng tới các căn cứ quân sự bên ngoài Mỹ.
Vũ khí siêu thanh bố trí trên biển của Mỹ gồm tên lửa nhiên liệu rắn 2 tầng và đầu đạn có điều khiển C-HGB. Trước đó, cuộc thử nghiệm loại tên lửa này được thực hiện vào tháng 10/2017 trên Thái Bình Dương. Xuất phát từ bệ phóng trên mặt đất, tên lửa và đầu đạn C-HGB đã bay xa hơn 2.000 hải lý.
Tổng quan thiết kế của hệ thống siêu thanh C-HGB |
Cuối tháng 2 vừa qua, Lầu Năm Góc đã giới thiệu mô hình block C-HGB và tiết lộ một số đặc điểm. Theo đó, tầm bắn theo một số ước tính có thể lên tới 4.000 km, và tốc độ đầu đạn đạt hơn 8 Mach (khoảng 9.800 km/h).
Còn theo trang Quốc phòng, C-HGB bao gồm đầu đạn thông thường, hệ thống dẫn đường và bảo vệ nhiệt. Các nhà công nghiệp Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với quân đội để phát triển các khả năng của C-HGB, trong đó Hải quân đóng vai trò chỉ đạo về thiết kế còn Lục quân chỉ đạo về sản xuất.
Cả Hải quân và Lục quân Mỹ sẽ đều sử dụng C-HGB và tự mình phát triển các hệ thống vũ khí đi cùng cũng như hệ thống phóng bố trí trên tàu hoặc trên đất liền. Sự phối hợp này được cho là nhằm tiết kiệm chi phí, trong khi Không quân Mỹ sẽ độc lập phát triển vũ khí siêu thanh phóng từ trên không.
Trung tướng lục quân Mỹ Neil Thurgood đánh giá cuộc thử nghiệm ngày 19/3 là bước tiến then chốt nhằm nhanh chóng cung cấp cho quân đội khả năng tấn công bằng vũ khí siêu thanh.
Kết quả đáng xấu hổ của Mỹ?
Phản ứng trước thông tin trên của Bộ Quốc phòng và giới chức quân sự Mỹ, nhà bình luận quân sự Nga Viktor Baranets tuyên bố trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh Nga đã bỏ xa Mỹ và biến Mỹ thành nước phải chạy đuổi theo.
Ông khẳng định Mỹ đã tiến hành các công việc theo hướng này khoảng 30 năm nay nhưng không thể đạt được thành tựu như của Nga.
Nhà bình luận Nga nhấn mạnh thực tế là vũ khí siêu thanh của Mỹ không thể bay nhanh hơn 7-8M, trong khi vũ khí của Nga có thể đạt tốc độ lên tới 20M, thậm chí lên tới 27M.
Một vụ bắn thử tên lửa siêu thanh Avangard của Nga (có tốc độ trên 20M) |
Ông nói: “Trở lại với C-HGB, câu chuyện rõ ràng chỉ là cuộc thử nghiệm một sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, để không phải xấu hổ trước toàn thể thế giới – mà người Mỹ thì than ôi lại không thích điều đó – họ hoặc là hoàn toàn không đề cập gì tới tốc độ mà tên lửa đạt được, hoặc đơn giản là phải nói dối. Đây là điều điển hình trong trò tuyên truyền quân sự của Mỹ”.
Ông Baranets cho rằng có thể phải tới đầu những năm 2030, Mỹ mới có thể đưa vũ khí siêu thanh vào tác chiến. Tốc độ của tên lửa mới có thể chỉ đạt quanh ngưỡng 15M.
Hồi đầu tháng 3, Phó Giám đốc Chương trình Vũ khí Siêu thanh của Bộ Quốc phòng Mỹ Mike White cho biết trong năm nay, nước này sẽ thực hiện các vụ thử vũ khí siêu thanh.
Phát biểu với báo giới, ông White tiết lộ: "Chúng tôi sẽ tiến hành phóng thử loại vũ khí được chế tạo cho Hải quân và Lục quân từ chương trình tấn công nhanh phi hạt nhân" và vụ thử sắp tới sẽ được gọi là "vụ phóng thử thứ hai".
Quan chức Mỹ thậm chí còn nhấn mạnh Mỹ đã đi trước hàng thập kỷ so với các nước khác về công nghệ siêu âm. Ông nêu rõ: "Thật ra người Nga và người Trung Quốc đã làm điều đó cách đây vài năm. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu công việc của mình và đang chú trọng tăng tốc ở giai đoạn chuyển sang sử dụng trên thực tế".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ John Hayten mới đây thừa nhận rằng sự phát triển của Lầu Năm Góc trong lĩnh vực siêu thanh đã thất bại và sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục vị trí. Ngược lại, quân đội Nga đã đưa vào sử dụng một số loại vũ khí siêu thanh.
Cuối năm 2019, trung đoàn đầu tiên trang bị tổ hợp chiến lược Avangard, có khả năng tăng tốc hơn 20M (24.740 km/h), với khả năng cơ động và dễ dàng qua mắt mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
Mỹ quyết tâm theo đuổi cuộc đua vũ khí siêu thanh với Nga và Trung Quốc |
Bên cạnh đó, tên lửa siêu thanh Kinzhal cũng đã được lực lượng phòng không-vũ trụ (VKS) của Nga sử dụng và các phi công quân sự thường xuyên tiến hành huấn luyện tác chiến bằng vũ khí mới.
Hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Nga có một lợi thế mạnh trong việc phát triển vũ khí mới và đất nước ông đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới triển khai vũ khí siêu thanh.
Phát biểu tại một cuộc họp với giới lãnh đạo quân đội ngày 24/12/2019, ông Putin nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử, Nga đang dẫn đầu thế giới trong việc phát triển một loại vũ khí hoàn toàn mới, không giống như trong quá khứ khi họ phải đuổi theo Mỹ.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đứng sau Mỹ trong việc nghiên cứu và sản xuất bom nguyên tử và chế tạo máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ông nói: "Hiện nay chúng ta ở trong vị thế duy nhất trong lịch sử hiện đại, khi họ (Mỹ) đang cố gắng đuổi kịp chúng ta...Không quốc gia nào có vũ khí siêu thanh, chứ đừng nói đến vũ khí siêu thanh có tầm bắn liên lục địa".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này