Nga "nóng mặt" trước quyết định của Mỹ, cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân
Đằng sau việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga và phản ứng của các bên / Bên trong 3 mặt trận nóng nhất cuộc xung đột ở Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 31/5 tuyên bố Moscow đã biết về những nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ cho mục đích phản công bên trong lãnh thổ Nga đã đánh dấu một sự thay đổi quan trọng, sau những cảnh báo từ Moscow rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Sự chấp thuận được đưa ra sau nhiều ngày Tổng thống Biden phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh phương Tây và Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng việc trì hoãn sử dụng vũ khí phương Tây đã phải trả giá bằng mạng sống.
Hệ thống pháo của Nga khai hỏa (Ảnh: Sputnik).
Chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga giáp khu vực Kharkov để tự vệ trước các cuộc tấn công của Moscow.
Trong chuyến thăm Uzbekistan hồi đầu tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước phương Tây không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công Nga.
"Sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng", tổng thống Nga cho biết.
Ông Putin cũng đưa ra lời đe dọa ngầm đối với các thành viên châu Âu nhỏ hơn của NATO, nói rằng họ "nên biết rằng họ đang đùa với lửa" vì họ có diện tích lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc.
Trước quyết định của ông Biden, các đồng minh phương Tây khác gồm Anh, Pháp, Hà Lan và tổng thư ký NATO cũng cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí phương Tây để chống lại các mục tiêu quân sự ở Nga.
Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh nước này, gọi quyết định của Tổng thống Biden là "sự leo thang nghiêm trọng của xung đột".
"Nga coi tất cả vũ khí tầm xa mà Ukraine sử dụng đều đã được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát. Đây không phải là hỗ trợ quân sự, đây là tham gia vào một cuộc chiến chống lại chúng tôi", ông Medvedev nói, đồng thời cảnh báo Nga sẽ phá hủy bất kỳ vũ khí phương Tây nào được sử dụng để tấn công nước này "cả ở Ukraine và lãnh thổ của các quốc gia khác".
Ông Medvedev cho rằng phương Tây sẽ mắc "sai lầm nghiêm trọng" khi tin rằng Nga chưa sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại Ukraine. Ông cũng nói về khả năng tấn công các quốc gia đối thủ bằng vũ khí hạt nhân chiến lược. Ông tuyên bố "đây không phải là lời hăm dọa hay nói đùa".
Sự chấp thuận của các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Pháp đang có kế hoạch đưa các huấn luyện viên quân sự tới Ukraine, khiến nước này trở thành nước đầu tiên công khai triển khai quân trên bộ ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể công bố động thái này vào tuần tới trong chuyến thăm của Tổng thống Zelensky.
Tổng thống Putin cho biết động thái của Pháp sẽ khiến tình hình leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu và một số quan chức cấp cao ở Moscow cho biết các huấn luyện viên Pháp sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Lực lượng Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần Ukraine vào tuần trước, mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Động thái này được cho là cảnh báo của Nga về việc phương Tây không nên leo thang căng thẳng hơn nữa.
Kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, Washington đã bày tỏ lo ngại nguy cơ kích động Nga đáp trả hạt nhân và lôi kéo Mỹ cũng như NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Moscow.
Tuần trước, Nga đã thể hiện sự tức giận trước hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các trạm radar của Moscow.
"Đó là những địa điểm nhạy cảm vì Nga có thể nhận thấy rằng khả năng răn đe chiến lược của họ đang bị nhắm tới, điều này có thể làm suy yếu khả năng của Nga trong việc duy trì răn đe hạt nhân chống lại Mỹ", một quan chức Mỹ nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo