Quốc tế

Đằng sau việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga và phản ứng của các bên

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin hôm qua (31/5) cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công hạn chế vào lãnh thổ Nga.

Ông Biden bí mật cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ? / Đằng sau việc một số vũ khí công nghệ cao của Mỹ không hiệu quả ở Ukraine

Theo nguồn tin, với chính sách mới của chính quyền ông Biden, quân đội Ukraine giờ đây có thể sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga khu vực gần biên giới với tỉnh Kharkov, miền Bắc Ukraine.

Ngay sau thông tin được truyền thông Mỹ đăng tải, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi đang tham dự một hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Cộng hòa Séc cũng đã chính thức thừa nhận thông tin mà báo chí đề cập:

“Trong vài tuần qua, giới chức Ukraine đã đến gặp chúng tôi và yêu cầu được phép sử dụng vũ khí mà chúng tôi cung cấp để chống lại các cuộc tấn công vào nước này. Điều đó đã được trình lên Tổng thống. Và như truyền thông đưa tin, Tổng thống đã chấp thuận việc sử dụng vũ khí của chúng tôi cho mục đích đó”.

Binh lính Ukraine. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine. Ảnh: Reuters

Đây được cho là sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của lãnh đạo Nhà Trắng, vốn kiên định với việc không cho Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga, trong khi một số đồng minh châu Âu như Pháp và Đức gần đây cũng đã ủng hộ ý định để Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công đất Nga.

Ngay sau xác nhận của phía Mỹ, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Nga đã biết về những nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

“Những gì chúng tôi biết, nhìn chung là có những nỗ lực tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp. Đối với chúng tôi, điều này là đủ, và nó nói lên mức độ mà Mỹ tham gia vào cuộc xung đột này”.

Phát biểu bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine không phải là động thái leo thang căng thẳng với Nga và rằng đây là quyền của Ukraine. Tuy nhiên, trái với quan điểm của người đứng đầu NATO, nhiều nước thành viên lại có quan điểm hoàn toàn khác.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz dù ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine song khẳng định, NATO cần tránh leo thang căng thẳng với Nga:

"Trong khi hỗ trợ Ukraine, chúng ta cũng đồng thời phải nhận thức được cách ngăn chặn sự leo thang có thể gây ra chiến tranh giữa Nga và NATO. Tôi muốn nói rõ rằng điều này không thể đạt được nếu không có sự thận trọng và bình tĩnh. Không thể đạt được mà không cần xem xét trước mọi biện pháp có thể và ý nghĩa của nó trong bối cảnh có những mối đe dọa leo thang tiềm tàng này. Không thể đạt được điều đó nếu không tham khảo ý kiến ​​kỹ lưỡng của các đồng minh. Bất kể áp lực có lớn đến đâu, chúng ta cũng luôn hành động thận trọng để giải quyết các vấn đề trong tình thế nguy hiểm. Chúng ta phải tránh một cuộc chiến lớn - cuộc chiến giữa Nga và NATO”.

Trước đó, giới chức Italy nhiều ngày qua liên tục kêu gọi các nước phương Tây từ bỏ ý định này. Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng, phương Tây cần phải hành động hết sức thận trọng. Lặp lại quan điểm trên, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh rằng, việc gia tăng căng thẳng với Nga là sai lầm trong một tình huống vốn đã nóng bỏng và kịch tính.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Italy, điều cần thiết hiện nay là phải để ngỏ khả năng đàm phán về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine trong những tháng tới.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm