Nguy cơ giảm phát do cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc
'Nghĩa địa' thiết giáp Nga được hình thành gần Staromayorsky / Quân đội Mỹ chi mạnh tay cho xe tăng Abrams lai điện
Các nhà bán lẻ giá rẻ của Trung Quốc đã giảm giá hầu hết mọi thứ từ cà phê đến ô tô và quần áo để thu hút người tiêu dùng vốn đang lo lắng vì khủng hoảng nhà đất, tỷ lệ thất nghiệp cao và triển vọng kinh tế ảm đạm.
Mặc dù sự thay đổi này đã làm tăng doanh thu cho các công ty như nền tảng thương mại điện tử giá rẻ Pinduoduo so với các đối thủ lớn hơn như Alibaba, song các nhà kinh tế học lo ngại rằng sự thành công của họ đang củng cố tâm lý giảm phát theo kiểu Nhật Bản ở người tiêu dùng.
Trong bối cảnh các nhà bán lẻ cạnh tranh về giá cả là trên hết, họ buộc các nhà cung cấp phải cắt giảm mạnh chi phí, làm giảm lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc tăng trưởng lương thấp hơn hoặc phụ thuộc nhiều hơn vào các công việc làm tự do được trả lương thấp, ảnh hưởng đến nhu cầu của các hộ gia đình.
Giáo sư kinh tế học He-Ling Shi tại Đại học Monash ở Melbourne, cho biết nếu tình trạng này kéo dài, Trung Quốc có thể rơi vào cái gọi là vòng luẩn quẩn: tiêu dùng giá trị gia tăng thấp, giảm phát, tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến tiền lương thấp, điều này càng đẩy người tiêu dùng giảm chi tiêu.
Trong mùa báo cáo lợi nhuận gần nhất, doanh thu của các nhà bán lẻ giá rẻ đã vượt qua dự báo của thị trường và các đối thủ cạnh tranh. Doanh thu của PDD Holdings, công ty sở hữu Pinduoduo, tăng vọt 131% trong khi ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc Meituan tăng trưởng 25%. Nhà bán lẻ giá rẻ Miniso và Luckin Coffee lần lượt báo cáo mức tăng trưởng 26% và 42%.
Cuộc đua lợi nhuận
Trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng gần như chạm đáy, giá cả là yếu tố quan trọng nhất.
Các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc cũng đã tham gia vào cuộc chiến giá cả trong gần hai năm do nhu cầu trong nước yếu. Trong hai tháng qua, một số đại lý ô tô và các công ty tài chính ô tô đã tung ra các chương trình cho vay không cần trả trước thậm chí lãi suất bằng 0%.
Starbucks trong những tháng gần đây đã tăng cường sử dụng phiếu giảm giá để đưa mức giá bán tiến gần đến giá của Luckin Coffee hơn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Starbucks chứng kiến doanh thu tại Trung Quốc giảm 8% trong quý I/2024. Giám đốc điều hành Starbucks Laxman Narasimhan cho rằng đây là "sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp giá trị".
Giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” giao đồ ăn Meituan, ông Wang Xing, vào tuần trước cho biết công ty đã mở rộng các chương trình cung cấp phiếu giảm giá và đưa thêm các gian bếp chỉ giao hàng có chi phí thấp hơn so với các nhà hàng ăn uống tại chỗ. Mảng đặt phòng khách sạn mới của ứng dụng này cũng đang theo đuổi chiến lược "ngôi sao thấp" nhằm hướng đến du khách nội địa tiết kiệm chi phí. Chiến lược “ngôi sao thấp” nghĩa là tập trung vào việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng quan tâm đến giá cả hơn chất lượng.
Taobao và Tmall Group thuộc Alibaba, JD.com, những công ty có mức tăng trưởng doanh thu một con số, cho biết khả năng cạnh tranh về giá sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng trong tương lai.
Cả hai công ty đều đã tung ra các đợt bán hàng dài hơn cho lễ hội mua sắm giữa năm của Trung Quốc, được gọi là "618", với mức giá thấp nhất được đảm bảo cho hàng triệu sản phẩm. Để đáp lại, Pinduoduo đã triển khai một "hệ thống theo dõi giá tự động" để cho phép người bán hàng theo dõi và đánh bại các đối thủ.
Một bản ghi nhớ nội bộ được gửi tới nhân viên bởi người sáng lập JD.com Richard Liu, trong đó cho hay công ty đang trong tình trạng mất cân đối, làm dấy lên suy đoán rằng công ty sẽ cắt giảm nhân sự để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này đi ngược lại với những gì Trung Quốc cần để phục hồi nhu cầu trong nước.
Theo Giáo sư kinh tế Albert Hu tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Âu (CEIBS) ở Thượng Hải, về lâu dài, các cuộc chiến giá cả có thể loại bỏ những đối thủ yếu hơn trong các ngành công nghiệp khác nhau, cho phép các đối thủ cạnh tranh sau đó tăng giá và tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng của các công ty giảm bớt áp lực.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các công ty này chỉ có thể làm như vậy nếu sự tăng trưởng trong các ngành khác tạo ra đủ việc làm và tăng trưởng thu nhập đủ để bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nào do cuộc chiến giá cả đối với hàng tiêu dùng gây ra. Ông nhấn mạnh giảm phát là một vấn đề nghiêm trọng. Nhật Bản đã phải vật lộn với tình trạng này trong hơn 30 năm. Yếu tố then chốt là tăng lương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025