Quốc tế

Nhà Trắng lo ngại đà tiến công của Nga sẽ thay đổi cục diện ở Ukraine

Giữa bối cảnh Nga tiến công chậm mà chắc đi cùng với những bước nhảy về công nghệ trong việc đối phó với các vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden ngày càng lo ngại về việc Tổng thống Putin có đủ đà tiến công để thay đổi hướng đi của cuộc xung đột.

Tổng thống Putin tiết lộ giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine / Uy lực vũ khí giúp Nga đạt bước tiến ở Kharkov

Mối lo ngại của Nhà Trắng

Cách đây 18 tháng, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tranh luận về việc liệu các lực lượng của Nga ở Ukraine có sụp đổ và bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi nước này hay không.

Hiện nay, sau nhiều tháng Nga tiến công chậm mà chắc, đi cùng những bước nhảy về công nghệ trong việc đối phó với vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Biden ngày càng lo ngại về việc Tổng thống Putin có đủ đà tiến công để thay đổi hướng đi của cuộc xung đột.

Trong những ngày gần đây, quân đội Nga đã mở cuộc tiến công mới gần thành phố Kharkov lớn thứ hai của Ukraine, buộc Kiev phải chuyển hướng các lực lượng bị dàn mỏng để bảo vệ khu vực mà họ từng giành lại từ Moscow trong chiến thắng vào mùa thu năm 2022.

Pháo và UAV mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã bị các hệ thống tác chiến điện tử của Nga vô hiệu hóa. Những trì hoãn trong việc cung cấp cho Kiev gói hỗ trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD do bất đồng trong Quốc hội Mỹ đã mở ra cơ hội cho Nga để từng bước giành lợi thế.

Các binh lính Ukraine. Ảnh: New York Times

Các binh lính Ukraine. Ảnh: New York Times

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, các quan chức Mỹ đã tự tin cho rằng nhiều thành quả của Nga có thể đảo ngược khi gói hỗ trợ trên được cung cấp đầy đủ, có thể là vào tháng 7/2024 và Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tìm cách để điều thêm binh lính tới tiền tuyến. Tuy nhiên, họ không thể đưa ra dự đoán về tình hình chiến tuyến hoặc liệu Tổng thống Zelensky có thể tiến hành cuộc phản công bị trì hoãn đã lâu vào năm tới hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/5 cho biết "rõ ràng sẽ có cái giá phải trả" cho việc trì hoãn cung cấp vũ khí trong một thời gian dài. Ông khẳng định trong chương trình Face the Nation của CBS rằng "chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để thúc đẩy việc hỗ trợ tới đây".

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden tiếp tục bác bỏ đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng đưa quân đội phương Tây tới Ukraine.

Trong những cuộc thảo luận kín, một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã bày tỏ lo ngại rằng, trong khi Mỹ học hỏi được những bài học quan trong từ xung đột và về các công nghệ thì Nga cũng vậy. Mối lo ngại lớn nhất của họ là khi Nga thay thế được những vũ khí bị xóa sổ trong 27 tháng xung đột thì các lực lượng của Moscow sẽ giành thêm lãnh thổ ngay thời điểm Tổng thống Biden chuẩn bị gặp các đồng minh thân cận nhất tại cuộc họp của G7 ở Italy vào tháng tới. Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Biden có lặp lại tuyên bố mà ông đưa ra ở Phần Lan vào mùa hè năm ngoái không, đó là Tổng thống Putin "thua trong cuộc xung đột này".

 

Một số nhà phân tích chuyên nghiên cứu về Nga không mấy bất ngờ về những bước ngoặt đang diễn ra hiện nay.

"Nga thường khởi đầu cuộc xung đột một cách tồi tệ và kết thúc một cách mạnh mẽ", Stephen J. Hadley, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cho hay tại một hội nghị của Harvard.

Đằng sau việc Nga giành được lợi thế ở Ukraine

Ông Mr. Hadley cho rằng việc Moscow giành được lợi thế chiến trường không xuất phát từ một lý do đơn lẻ. Thay vào đó, nhiều bước tiến đã giúp Nga đạt được bước tiến quân sự này.

Do sự trì hoãn hỗ trợ quân sự từ Mỹ, Nga đã có thể đạt được lợi thế to lớn về pháo binh, áp đảo hoàn toàn Ukraine. Việc Kiev thiếu các hệ thống phòng không cũng cho phép Nga sử dụng không lực mà không bị đáp trả khi tấn công vào các phòng tuyến của Ukraine bằng bom lượn. Tuy nhiên, với nhiều hệ thống phòng không được cung cấp hơn, Ukraine sẽ có thể di chuyển các chiến đấu cơ ra xa hơn, khiến Nga gặp khó khăn khi tấn công từ trên không.

Sự trì hoãn hỗ trợ của Mỹ cũng đi cùng với sự trì hoãn trong một thời gian dài của Ukraine về việc thông qua luật huy động quân sự nhằm đưa thêm binh lính tới chiến trường. Ukraine hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng và đang chật vật trong việc huấn luyện cho các tân binh.

 

Dù vậy, Michael Kofman - một chuyên gia về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington nhận định, những lợi thế trên của Nga sẽ không kéo dài mãi và các lực lượng của Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tiến công vào mùa hè này.

"Năm 2024, quân đội Nga sở hữu lợi thế về trang thiết bị cũng như sự chủ động chiến lược mặc dù nó có lẽ không mang tính quyết định. Năm nay chính là cơ hội cho Nga. Nhưng nếu các lực lượng của Moscow không thể biến những lợi thế này thành thành quả trên chiến trường và tạo đà tiến công thì có khả năng cánh cửa cơ hội đó sẽ bắt đầu khép lại vào năm 2025".

Dù có phải tạm thời hay không thì đà tiến công mới của Nga được thể hiện rõ nhất tại Kharkov. Năm 2022, nó từng là tâm điểm giao tranh và liên tục hứng chịu các cuộc pháo kích.

Trong một cuộc phản công bất ngờ vào mùa thu năm 2022, quân đội Ukraine đã giành được thành phố này và đẩy lùi Nga khỏi khu vực, đồng thời tuyên bố kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn. Kể từ đó, Ukraine đã sử dụng các vùng lãnh thổ giành lại được gần Kharkov để tiến hành các cuộc tấn công vào Nga. Những cuộc tấn công trên đã khiến Moscow nỗ lực chiếm lại vùng đất này trong những tuần gần đây để tạo một vùng đệm khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới. Gần đây, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine đã gọi bước tiến của Nga gần Kharkov là "mang tính quyết định".

Một số chuyên gia khác thì thận trọng cho rằng mục tiêu chiến lược thực sự của Nga trong việc giành lại lãnh thổ quanh Kharkov là buộc các lực lượng của Kiev phải di chuyển tới thành phố này để từ đó làm suy yếu tiền tuyến của Ukraine ở những nơi khác. Điều đó có thể tạo cơ hội cho một cuộc tiến công khác của Nga vào tháng 6/2024 ở Donbass.

 

"Mục đích cuộc tấn công của Nga có thể là thu hút các lực lượng dự bị và quân tinh nhuệ của Ukraine, sau đó giữ chân họ ở Kharkov, rồi từ đó làm suy yếu lực lượng còn lại trên tiền tuyến. Mục tiêu chính của Moscow vẫn là giành lại phần còn lại của Donbass", ông Kofman nói.

Việc Nga có thể thành công hay không có lẽ phụ thuộc vào việc tuyển thêm tân binh của Ukraine để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng đã mệt mỏi trên chiến trường.

Mỹ cũng đang cố gắng đưa ra những cố vấn về mặt kỹ thuật cho Kiev với hy vọng đối phó với những bước tiến công nghệ của Nga. Trong một vài trường hợp, Nga đã thành công đánh lừa thiết bị thu nhận GPS và nhắm vào các vũ khí của Ukraine, trong đó có tên lửa phóng từ pháo phản lực HIMARS mà Washington bắt đầu cung cấp cho Kiev năm ngoái.

Những hệ thống pháo phản lực này rất khan hiếm nhưng Nga đang ngày càng thành công trong việc theo dõi chuyển động của chúng và trong một vài trường hợp phá hủy chúng ngay cả khi chúng được ngụy trang cẩn thận.

Những lợi thế trên chiến trường dĩ nhiên không kéo dài và tình hình xung đột sẽ rất khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một cảm nhận ngày càng gia tăng trong chính quyền Tổng thống Biden là những tháng tới sẽ đóng vai trò then chốt bởi đến một thời điểm nào đó, hai bên sẽ hướng tới một lệnh ngừng bắn sau quá trình đàm phán tương tự như Hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên hoặc đơn giản là một cuộc xung đột đóng băng.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm