Nhật Bản "chi đậm" cho "Aegis trên cạn" khi Triều Tiên liêp tiếp phóng tên lửa
Mặc dù đã có hạm đội tàu khu trục phòng không trang bị hệ thống tác chiến Aegis khá đông đảo, nhưng Nhật Bản cho rằng vẫn cần có thêm nhiều tổ hợp Aegis Ashore bố trí trên bờ.
Rộ tin tàu chiến Nga truy đuổi tàu tên lửa Ukraine / Tên lửa Zirkon 'có nguy cơ phát nổ' khi phóng dưới nước
Những vụ thử tên lửa do Triều Tiên tiến hành liên tục trong thời gian gần đây đã khiến cho Nhật Bản cảm thấy lo lắng, bởi Tokyo bị xem như một trong mục tiêu có nguy cơ nhất.
Để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên, Nhật Bản đã đầu tư rất mạnh cho mạng lưới phòng chống tên lửa của mình, bao gồm các khu trục hạm Aegis tạo lập lá chắn ngoài khơi, hay các tổ hợp Patriot PAC 3 bố trí trên cạn.
Nhưng chừng đó vẫn chưa khiến Tokyo cảm thấy yên tâm, họ cho rằng cần phải bổ sung vào mạng lưới phòng thủ tên lửa của mình thêm những hệ thống Aegis Ashore (Aegis trên cạn).
Hiện tại một số tổ hợp Aegis Ashore đang được quân đội Mỹ triển khai trên lãnh thổ các quốc gia Đông Âu từng là đồng minh cũ của Nga nhằm sẵn sàng tác chiến.
Kết cấu mỗi tổ hợp Aegis Ashore cũng tương tự như khi lắp đặt trên tàu chiến, bao gồm một tháp radar với các đài radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/SPY-1D đi kèm bệ phóng
thẳng đứng Mk 41.
Hệ thống Aegis Ashore có thể triển khai nhiều loại tên lửa đánh chặn tối tân như SM-2/3/6, ngoài ra chúng còn có thể phóng cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.
Nhận thấy sự hiệu quả của Aegis Ashore trong cả tấn công lẫn phòng thủ, Nhật Bản đã quyết đưa tổ hợp đánh chặn tối tân này về lãnh thổ của mình thông qua một hợp đồng cực lớn với Mỹ.
Tập đoàn Lockheed Martin mới đây cho biết, họ vừa ký một hợp đồng bổ sung với giá trị 25,9 triệu USD như một phần của chương trình cung cấp cho Nhật Bản 2 hệ thống phòng thủ mặt đất cố định Aegis Ashore.
Theo tạp chí quốc phòng Jane's Defense Weekly, do hợp đồng bổ sung này, tổng chi phí của dự án đã tăng lên 3,21 tỷ USD. Hợp đồng hiện tại cung cấp dịch vụ thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật cho khả năng vận hành của các tổ hợp đánh chặn tên lửa.
Được biết nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 20/12/2019 đã phê duyệt dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2020 với số tiền 5,31 nghìn tỷ Yen (tương đương 48,6 tỷ USD).
Theo khoản ngân sách kể trên, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã nhận được 12,9 tỷ Yen để trang trải chi phí liên quan đến việc triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại nước này.
Cụ thể là 11,5 tỷ Yen đã được phân bổ cho việc mua 6 bệ phóng thẳng đứng cùng các bộ phận đảm bảo kỹ thuật đi kèm và 1,4 tỷ Yen cho các chi phí liên quan khác.
Nhật Bản có kế hoạch mua sắm vào năm tài chính 2023 hai hệ thống Aegis Ashore. Đến nay, Tokyo đã trả cho Lockheed Martin khoảng 140 tỷ Yen (1,38 tỷ USD), nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về nơi đặt các tổ hợp mới.
Cần lưu ý rằng Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) đã gửi thông báo tới Quốc hội Mỹ vào ngày 29/1/2019 về kế hoạch bán 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore cho Nhật Bản.
Kế hoạch trên của Mỹ như một phần của chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài. Tổng giá trị ban đầu của giao dịch được đề xuất ước tính là 2,15 tỷ USD, con số rất khổng lồ nhưng đã tăng lên tới 3,21 tỷ USD như thông báo.
Mặc dù bị đội giá nhưng Nhật Bản vẫn quyết theo đuổi hợp đồng, bởi sau khi các hệ thống Aegis Ashore đi vào hoạt động, Tokyo có thể yên tâm hơn rất nhiều mỗi khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa, bởi họ có khả năng bắn hạ vũ khí đối phương với xác suất cao hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo