Nhiều nước mở kho dự trữ trong nỗ lực hạ nhiệt giá dầu
COVID-19: Cảnh báo biến thể SARS-CoV-2 đột biến hơn cả Delta / Những con số đáng báo động về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư
Giá dầu thế giới đang "nhảy múa" cùng với diễn biến của tình hình dịch bệnh thế giới và các tín hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kết thúc ngày giao dịch chiều thứ Sáu, giá dầu Brent trên thị trường thế giới đã giảm hơn 10% xuống còn 73,45 USD/thùng sau khi các quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để đề phòng sự lây lan của biến thể mới có tên Omicron được phát hiện ở một số nước châu Phi. Mức giảm hơn 10% là mức giảm trong một ngày mạnh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, xu hướng giảm này không kéo dài được lâu và những diễn biến bất ổn của giá dầu tác động trực tiếp tới nguy cơ lạm phát đang trực chờ tại các quốc gia đã mở cửa trở lại nền kinh tế.
Nền kinh tế nhiều nước mở cửa, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu đã tăng trở lại ở mức trước đại dịch, nhưng sản lượng dầu thì không. Điều đó đã gây bất ổn cho giá dầu. Hạ nhiệt cơn khát dầu đang là mục tiêu của rất nhiều nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Nỗ lực kìm hãm giá dầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/11 đã tuyên bố "giải phóng" 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ để góp phần cùng các quốc gia tiêu thụ năng lượng khác làm dịu sự gia tăng của giá nhiên liệu, đồng thời kêu gọi Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh có hành động tương tự. Đây là lần đầu tiên Mỹ phối hợp mở kho dự trữ dầu cùng một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
"Hành động của chúng tôi sẽ không giải quyết được vấn đề giá khí đốt cao trong một sớm một chiều nhưng sẽ tạo ra sự khác biệt. Sẽ mất thời gian nhưng chẳng bao lâu nữa, giá xăng sẽ giảm khi chúng ta đổ xăng" - Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Đáp ứng lời kêu gọi, thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết sẽ xuất hàng triệu dầu thô từ kho dự trữ quốc gia, song không tiết lộ thời gian thực hiện kế hoạch này. Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản mở kho dự trữ quốc gia để hạ giá dầu. Các quyết định mở kho dự trữ dầu trước đây đều nhằm giải quyết những lo ngại về nguồn cung sau các thảm họa thiên nhiên và biến động chính trị ở bên ngoài. Nhật Bản hiện có lượng dầu dự trữ đủ cho 145 ngày sử dụng.
Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, thông báo sẽ xuất kho khoảng 5 triệu thùng dầu dự trữ, sớm nhất là từ 7 - 10 ngày tới. Hiện Ấn Độ đang dự trữ khoảng 38 triệu thùng dầu thô trong các kho dự trữ ngầm.
Hàn Quốc sẽ tham gia kế hoạch do Mỹ đứng đầu để xuất kho dự trữ dầu. Theo dự đoán, Hàn Quốc có thể xuất 4% kho dự trữ dầu của nước này, tương đương khoảng 3,8 triệu thùng. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết chưa được tiết lộ.
Trung Quốc cũng sẽ giải phóng dầu thô từ kho dự trữ nhưng từ chối bình luận về việc liệu Trung Quốc có tham gia vào đợt xuất kho dự trữ dầu do Mỹ kêu gọi hay không. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nước này có kho dự trữ dầu vào khoảng 280 triệu thùng, theo số liệu thống kê công bố năm 2017.
Thị trường dầu và chính sách của Mỹ tại Trung Đông
Sức nóng của giá dầu giờ đây thậm chí không còn là câu chuyện của thị trường nữa. Nó đang đốt nóng mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia xuất khẩu dầu Vùng Vịnh, vốn là đồng minh của Washington.
Sau các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, cái bắt tay giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cho thấy những liên kết mới từng tưởng chừng như không thể tại Trung Đông. Những quốc gia khác nhau về chiến lược, nhiều điểm đối đầu về lợi ích nay đang tìm thấy một tầm nhìn chung trước những biến đổi của khu vực.
Sự rút dần vai trò của Mỹ tại Trung Đông cũng có nghĩa tiếng nói của Washington đối với các quốc gia xuất khẩu dầu nơi đây ngày càng thu hẹp. Một Trung Đông học cách sống độc lập với sức ảnh hưởng của Mỹ đang được thể hiện trước nhất với bước đi vượt lên sự chi phối của Mỹ trên thị trường dầu.
Ai kiểm soát dầu?
Đến nay, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát giá dầu khi có nhiều lợi thế chi phối. Thế giới vẫn thiếu giải pháp thay thế khả thi về kinh tế cho dầu thô. Tính tới năm 2019, OPEC nắm quyền chủ đạo về giá dầu khi chiếm tới 72% trữ lượng dầu mỏ, sản xuất khoảng 40% sản lượng dầu thế giới và chiếm tới hơn 60% tổng sản lượng dầu xuất khẩu được giao dịch trên thị trường toàn cầu. Arab Saudi, thành viên OPEC, vẫn là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất và có chi phí sản xuất dầu thấp nhất thế giới.
OPEC vẫn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát giá dầu khi có nhiều lợi thế chi phối
Tuy nhiên, với việc trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới từ 2019 với sản lượng 19,5 triệu thùng dầu/ngày, Mỹ đang muốn giành lại quyền kiểm soát giá dầu - như đã từng thống trị trong thời điểm nửa trước của thế kỉ 20. Cùng với đó, một số quốc gia khác như Trung Quốc, Argentina cũng bắt đầu khai thác dầu đá phiến, khiến vai trò bá chủ về giá dầu của OPEC dần bị giảm.
Ngoài những yếu tố kinh tế, cung cầu, giá dầu còn chịu tác động từ các yếu tố khác, trong đó căng thẳng quan hệ Mỹ - Iran, chi tiêu ngân sách các quốc gia Arab hay nhu cầu năng lượng từ các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, vai trò kiểm soát giá giá dầu của OPEC có thể sẽ dần mất đi khi Mỹ và nhiều nước thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu dầu, cũng như quá trình tái cơ cấu năng lượng, chuyển sang công nghệ thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trước khi tới thời điểm đó, hiện OPEC vẫn là tổ chức chính kiểm soát giá dầu. Trong bối cảnh này, cạnh tranh giữa các bên có thể sẽ làm gia tăng biến động khiến giá dầu bấp bênh và thêm bất ổn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo