Những cải tiến trên tên lửa đạn đạo Conqueror của Iran có thể khiến Mỹ ôm hận
Tại thời điểm Iran tấn công các căn cứ của Mỹ ở Iraq, những loại tên lửa được phóng ở góc nghiêng, đó là một trong những đặc điểm để có thể nhận diện ra loại tên lửa đạn đạo mà Iran đã dùng tiến công trả đũa Mỹ vào sáng ngày 8/1.
S-400 lần đầu khai hỏa bắn rơi tên lửa đạn đạo Israel? / Bí ẩn tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 500 km Mỹ vừa phóng
Vào ngày 8/1 vừa qua, Iran đã phóng 15 tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả đũa Mỹ, khi họ ám sát tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Theo một số trang tin của nước ngoài, Iran có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Conqueror-110 và Conqueror-313 vào cuộc tiến công.
Tên lửa đạn đạo Conqueror-110 là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được Iran cải tiến từ tên lửa phòng không S-75 (SA-2) của Liên Xô vào những năm của thập niên 1990; lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 2001 và đã thành công. Conqueror-110 có chiều dài 8,86 mét; đường kính 0,61 mét; trọng lượng phóng 3.500 kg; trọng lượng đầu đạn 500 kg và tầm bắn 210 km.
Cải tiến lớn nhất của tên lửa Conqueror-110 là sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, thay vì nhiên liệu lỏng như của tên lửa phòng không S-75; do đó Conqueror-110 có khả năng triển khai chiến đấu nhanh, sức sống sót được nâng lên. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và cũng được trang bị thiết bị điều chỉnh sai số vệ tinh GPS; do vậy độ chính xác được cho là dưới 100 m. Tên lửa Conqueror-110 được phát hiện lần đầu tiên trong một cuộc tập trận của quân đội Iran năm 2003. Đến năm 2012, Conqueror-110 đã tiến hành hơn 10 lần bắn thử.
Ban đầu, Conqueror-110 dùng bệ phóng cố định của tên lửa phòng không S-75. Nhưng do cồng kềnh, khó cơ động, sau đó Iran đã phát triển bệ phóng di động mới, nâng cao sức cơ động và cải thiện khả năng sống sót trên chiến trường. Hiện tại tên lửa Conqueror-110 có số lượng nhiều nhất trong kho tên lửa của Iran; lý do là trước kia Iran đã nhập khẩu với số lượng lớn tên lửa thành phẩm từ Trung Quốc và cả công nghệ để sản xuất loại tên lửa này.
Dựa trên Conqueror-110, Iran đã nâng cấp thành Conqueror-110 phiên bản A và B; cả hai phiên bản này đã giảm nhẹ trọng lượng của đầu đạn, do vậy tăng tầm bắn lên 300 km. Một loại tên lửa chống radar cũng đã được phát triển dựa trên Conqueror-110, phiên bản này được trang bị hệ thống dẫn đường thụ động, được sử dụng để tấn công các đài radar của đối phương.
Phiên bản cải tiến mới nhất của Conqueror-110 ra mắt công khai vào năm 2014, là tên lửa đạn đạo chống hạm; giới quân sự cho rằng, phiên bản này Conqueror-110 đã được trang bị hệ thống dẫn đường quang điện tử, có thể tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Là loại tên lửa chiếm số lượng nhiều nhất trong kho tên lửa, hiện nay Iran đang tích cực nghiên cứu nâng tầm bắn của Conqueror-110. Một phiên bản mới được giới thiệu đó chính là tên lửa Conqueror-313, tầm bắn tối đa của nó được tăng lên tới 500 km.
Sở dĩ tên lửa Conqueror-313 có tầm bắn tăng, là do giảm trọng lượng của đầu đạn; để bù đắp cho sự suy giảm sức mạnh của đầu đạn, Conqueror-313 được trang bị hệ thống dẫn đường mới, có mức chính xác cao hơn. Trên cơ sở tên lửa Conqueror-313, Iran đã phát triển tên lửa Zorficar có tầm bắn xa hơn. Tên lửa này sử dụng động cơ nhiên liệu rắn lớn hơn, tầm bắn đã được tăng lên 700 km và đầu đạn có trọng lượng đầu đạn 480 kg; do vậy, có thể xếp tên lửa Zorficar vào loại tên lửa tầm trung.
Năm 2019, Iran công bố tên lửa Dizfowler, đây là phiên bản cải tiến của tên lửa Zulficar, có tầm bắn hơn 1.000 km. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường tiên tiến, được Iran gọi là tên lửa "thông minh". Do có số lượng nhiều nhất, do vậy tên lửa đạn đạo Conqueror đã được Iran đã sử dụng nhiều lần. Có nguồn tin nói rằng, Iran đã sử dụng tên lửa Conqueror để tấn công các lực lượng chống chính phủ ở Iraq và Syria.
Lần này, Conqueror được sử dụng để tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq; do Quân đội Mỹ không triển khai hệ thống chống tên lửa Patriot ở Iraq, nên không thể chống lại các cuộc tấn công tên lửa của Iran.
Tên lửa Conqueror có thể bắn trúng căn cứ quân sự Mỹ, khi các căn cứ này không được các hệ thống phòng không bảo vệ. Nhưng việc quân đội Mỹ có triển khai hệ thống chống tên lửa ở Iraq sau sự kiện Iran tiến công hay không, đó lại là vấn đề khác.
Còn trong cuộc tiến công sáng ngày 8/1 vừa qua, phần lớn số tên lửa này của Iran đã đi trúng mục tiêu, tuy nhiên theo thông tin, không gây thiệt hại về người của phía Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo