Quốc tế

Những chiếc máy bay mở ra kỷ nguyên phản lực của nhân loại

Cách đây 70 năm, ở giai cuối của Thế chiến 2 (tháng 2/1945), những máy bay chiến đấu Me-262 của phát xít Đức đã gây bất ngờ lớn cho Hồng quân Liên Xô và phe đồng minh. Ưu thế về tốc độ bay, khả năng bay cao của máy bay này đã vượt xa các dòng máy bay cánh quạt sử dụng động cơ đốt trong cùng thời.

Sohu khoe động cơ phản lực Trung Quốc đã vượt Nga / Pháo phản lực phóng loạt đa nòng Flute của Belarus có phù hợp với Việt Nam?

Chính vì ưu thế của máy bay phản lực trong chiến đấu, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã bước vào cuộc đua phát triển dòng máy bay loại này và tạo ra bước chuyển của nhân loại sang thời kỳ của động cơ phản lực và vẫn tiếp tục được duy trì tới thời điểm hiện tại.

Dưới đây là một số dòng máy bay phản lực quân sự thế hệ đầu tiên đánh dấu bước chuyển to lớn của nhân loại này:

Máy bay Me-262 của Đức

Được coi là máy bay phản lực chiến đấu đầu tiên của thế giới, Me-262 do hãng chế tạo Đức Messerschmittphát triển và được Không quân phát xít Đức - Luftwaffe đưa vào phục vụ từ mùa Xuân năm 1944. Đây là thời điểm, Luftwaffe đã mất ưu thế trên không tại chiến trường châu Âu và phải căng mình chống lại các đợt tấn công vũ bão của Hồng quân và phe đồng minh.

Máy bay Me-262.

Mang trong mình nhiều giải pháp kỹ thuật hàng không đột phá, Me-262 có thể bay với vận tốc hơn 900km/giờ, leo cao lên 11km. Hỏa lực mạnh với 4 pháo 30mm MK-108 và 24 rocket đối không khiến Me-262 trở thành hung thần đối với máy bay ném bom.

Nhiều phi công Liên Xô và phe đồng minh đối đầu với máy bay Me-262 kể lại, nó bay qua đội hình như một tia chớp và khó có thể bị bắt kịp. Nhờ trần hoạt động cao hơn máy bay cánh quạt, Me-262 được quyền chủ động chọn góc và thời điểm xạ kích. Đó là ưu thế lớn trong không chiến.

Trong chiến đấu, các máy bay Me-262 đã bắn hạ khoảng 150 máy bay đối phương với thiệt hại khoảng 100 máy bay. Phần lớn thiệt hại của máy bay Me-262 do trình độ phi công yếu kém và chế độ bảo dưỡng, hậu cần không đảm bảo. Do yêu cầu thiết kế và chế tạo gấp gáp trong thời chiến, máy bay phản lực Me-262 có thể coi là thiết kế đột phá, nhưng lại kém tin cậy hơn so với các máy bay cánh quạt đã có nhiều thập niên hoàn thiện từ đầu thế kỷ 20.

Máy bay Mig-9 của Liên Xô

Nhận thức ưu thế của động cơ phản lực, ngay sau Thế chiến 2, Liên Xô cũng nhanh chóng bắt tay vào phát triển máy bay chiến đấu phản lực mới. Kết quả của quá trình này chuyến bay đầu tiên của máy bay Mig-9 vào ngày 24/4/1946.

 

Máy bay Mig-9.

Tốc độ bay của chiếc Mig-9 cũng đạt ngưỡng tiệm cận tường âm thanh, khoảng 910km/giờ, trần bay đạt 13,5km và tầm hoạt động 800km. Hỏa lực của Mig-9 là sự kết hợp của 1 pháo 37mm và 2 pháo 23mm. Máy bay Mig-9 được Liên Xô sản xuất trong giai đoạn 1946-1948 và được thay thế bằng máy bay Mig-15 tiên tiến hơn ở giai đoạn sau đó.

Với những kinh nghiệm tích lũy được từ Thế chiến 2 áp dụng trong quá trình chế tạo, chiếc Mig-9 được phi công đánh giá cao ở độ tin cậy. Tuy nhiên, có điểm đáng chú ý là ở giai đoạn mới trang bị, nhiều phi công sợ bay trên Mig-9 do hình dáng kỳ lạ của máy bay, cũng như thiếu đội ngũ kỹ thuật viên đảm bảo cho máy bay phản lực. Điều này chỉ được khắc phục khi Liên Xô điều động các kỹ sư chế tạo máy bay Mig-9 về các đơn vị không quân để nâng cao chất lượng hậu cần và bảo dưỡng.

“Sao băng” F-80 của Mỹ

F-80 là chiếc máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Quân đội Mỹ. Sản phẩm do hãng chế tạo Lockheed phát triển cất cánh lần đầu tiên vào ngày 8/1/1944. Chỉ 143 ngày sau đó, những đơn vị F-80 đầu tiên đã điều động sang châu Âu để tham chiến chống phát xít Đức.

Máy bay F-80 Shooting Star.

F-80 sử dụng thiết kế thân đơn với kết cấu cánh ngắn thấp sát thân và cánh đuôi đơn giúp tối ưu cho hoạt động của dòng khí và động cơ phản lực. F-80 đạt tốc bay tối đa tới 930km/giờ, trần cao hoạt động 14km và tầm bay 800km. Máy bay này được trang bị 6 súng máy 12,7mm và các loại bom, rocket tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.

 

Chiến trường ác liệt của F-80 chính là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Các phi đội F-80 của Mỹ đã thực hiện 15.000 nhiệm vụ trong 4 tháng đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, thiết kế tối ưu cho tốc độ của F-80 đã khiến nó kém cơ động hơn so với các máy bay cánh quạt Yak do Liên Xô chế tạo. Các vấn đề này được khắc phục ở dòng máy bay F-86 Sabre sau đó.

Gloster Meteor của Anh

Dù Me-262 của Đức là dòng máy bay phản lực đầu tiên tham chiến, nhưng máy bay Gloster Meteor mới là dòng máy bay phản lực được thử nghiệm đầu tiên. Nguyên mẫu của Gloster Meteor có chuyến bay thử đầu tiên vào ngày 5/3/1943. Khoảng 1 năm sau đó, dòng máy bay phản lực này được trang bị cho Không quân hoàng gia Anh và tham chiến ở mức độ hạn chế.

Máy bayGloster Meteor.

Do mức độ hoàn thiện công nghệ còn ở mức thấp, máy bay Gloster Meteor chỉ có thể đạt tốc độ tối đa hơn 600km/giờ. Được trang bị 4 pháo 20mm, Gloster Meteor góp phần quan trọng vào quá trình phòng thủ đảo quốc sương mù trước các đợt tấn công bằng tên lửa V-1, mệnh danh là vũ khí báo thù của phát xít Đức. Ít nhất 14 quả tên lửa V-1 đã bị Gloster Meteor bắn hạ. Tới năm 1945, các đơn vị Gloster Meteor tham gia các chiến dịch săn lùng máy bay phát xít trên bầu trời nước Đức.

Trong chiến tranh, Không quân Hoàng gia Anh chỉ mất 2 chiếc Gloster Meteor do va chạm vì thời tiết xấu.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm